Hiệu quả cao từ một sáng kiến bảo vệ đường ống dẫn khí

16:47 | 15/07/2015

1,746 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) – Công ty Khí Cà Mau đã phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức cài sơ đồ đường ống dẫn khí trên các tàu cá để giúp ngư dân tránh xâm phạm đường ống trong quá trình đánh bắt.

Trong các công trình công nghiệp thì công trình các đường ống dẫn khí là mang tính chất đặc thù nhất, hệ thống các đường ống dẫn khí tại Việt Nam hiện nay do các đơn vị của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS) quản lý và vận hành, bao gồm 3 hệ thống đường ống với hơn 1000 km đường ống dẫn khí được đặt dưới đáy biển để dẫn nguồn khí từ các giàn khai thác vào bờ, mỗi năm cung cấp cho các hộ tiêu thụ hơn 10 tỷ m3, để sản xuất ra hơn 40% lượng điện cho đất nước, 80% sản lượng phân đạm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các hộ công nghiệp, dân dụng khác. Việc đảm bảo cung cấp liên tục dòng năng lượng quý từ biển đến các hộ tiêu thụ có vai trò sống còn đối với an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước.

Hiệu quả cao từ một sáng kiến bảo vệ đường ống dẫn khí

Tuyên truyền cho ngư dân về bảo vệ đường ống dẫn khí

Với trình độ tay nghề của đội ngũ kỹ sư và công nhân của PV GAS ngày càng được nâng cao, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vận hành, bảo dưỡng các công trình khí thì chúng ta có thể đảm bảo rằng công trình sẽ được hoạt động liên tục về mặt kỹ thuật và vận hành. Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang xảy ra trên thế giới là có đến 50% các sự cố liên quan đến đường ống dẫn khí lại do tác động từ bên ngoài, nguyên nhân này lại nằm ngoài tầm kiểm soát nếu chỉ dựa vào nhân lực, vật lực của PV GAS.

Thực tế là theo kết quả khảo sát đường ống dẫn khí bằng robot lặn (ROV) thì phát hiện rất nhiều lưới, mỏ neo móc vào đường ống, một số điểm đã phải chi hàng chục tỷ đồng để sửa chữa các khuyết tật do mỏ neo móc vào làm hư hại lớp bảo vệ chống ăn mòn, làm móp đường ống đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của đường ống dẫn khí.

Từ khi đi vào hoạt động đến này, nhận thức được các rủi ro do tác động từ bên ngoài đối với đường ống dẫn khí. PV GAS đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro này như: phối hợp với các cơ quan ban ngành để tuyên truyền cho ngư dân, phối hợp tuần tra dọc theo tuyến ống,… Tuy nhiên, việc đường ống bị xâm hại vẫn xảy ra dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn đường ống rất cao. Một bài toán được ra đối với các cán bộ làm công tác an ninh, an toàn là phải tìm ra giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm hại đường ống với chi phí thấp nhất và giải pháp đó phải có cả lợi cho ngư dân thì mới đạt hiệu quả cao.

Thông qua các buổi trực tiếp trao đổi với ngư dân, lực lượng bộ đội biên phòng, tìm hiểu cách thức hoạt động của ngư dân trên biển thì được biết, các tàu đánh bắt xa bờ đã trang bị máy định vị để đánh dấu vị trí vùng đánh bắt, thông tin tọa độ cho các tàu khác, … Các cán bộ của Công ty Khí Cà Mau lại biết được rằng, theo quy định thì các tàu cá trước khi ra khơi đều phải thông qua các Trạm kiểm soát của các đồn biên phòng. Cán bộ biên phòng sẽ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra tình trạng tàu trước khi cho phép ra khơi. Nhờ đó, Công ty Khí Cà Mau đã bàn bạc, thảo luận với lực lượng biên phòng về việc phối hợp bảo vệ đường ống dẫn khí trên biển.

Hiệu quả cao từ một sáng kiến bảo vệ đường ống dẫn khí

Đường ống dẫn khí thể hiện khi cài vào máy định vị

Khi tàu cá đến Trạm kiểm soát thì chiến sỹ biên phòng sẽ dán 1 tờ rơi lên cabin của tàu, đồng thời cài 4 vị trí tọa độ đường ống lên máy định vị của tàu (từ 4 điểm này sẽ cho ra sơ đồ của đường ống dẫn khí). Tuyên truyền cho ngư dân các quy định về bảo vệ an ninh, an toàn tuyến ống dẫn khí để người dân không thả neo, đánh bắt bằng thuốc nổ, kích điện gần đường ống. Nói rõ các lợi ích cho ngư dân khi thực hiện các biện pháp này là ngoài việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngư dẫn sẽ tránh được các rắc rối khi phải cắt bỏ neo, cắt bỏ lước nếu bị mắc vào đường ống; và tránh các nguy hiểm cho bản thân nếu đường ống bị bục, rò rỉ khí,… Sau khi hoàn thành việc này, các chiến sỹ sẽ đóng dấu xác nhận tàu đã được tuyên truyền vào sổ danh bạ thuyền viên của tàu và ký vào danh sách tàu đã được tuyên truyền về bảo vệ an ninh, an toàn tuyến ống (làm cơ sở để xử lý phạt nếu tàu vi phạm về sau).

Để thực hiện các việc trên, Công ty Khí Cà Mau đã ký các kế hoạch phối hợp với 10 Đồn biên phòng có lưu lượng tàu đánh cá ra vào nhiều thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Trong Kế hoạch nêu rõ quy trình thực hiện, trách nhiệm của từng bên để thực hiện. Đến nay, đã thực hiện được hơn 8.700 tàu cá trên tổng số khoảng 14.000 tàu (trên 90 CV) của tất cả 8 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Danh sách các tàu cá, số hiệu và các thông tin khác đều được nhập vào máy tính và đưa lên mạng để có thể truy cập bất cứ lúc nào, dễ dàng quản lý cũng như chia sẻ với các đơn vị khác (Tổng công ty, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ, Công ty Điều hành đường ống Nam Côn Sơn).

Sáng kiến này đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Tổng Công ty Khí Việt Nam đánh giá ở mức cao nhất và được phổ biến trong toàn Tập đoàn (tại Biên bản số 13/BB-HĐKHCN ngày 10/5/2013), các đơn vị như: Công ty vận chuyển khí Đông Nam bộ, Công ty điều hành đường ống Nam Côn Sơn đã đến Công ty Khí Cà Mau để học hỏi mô hình và áp dụng cho các tỉnh ven biển từ miền Đông Nam Bộ ra đến Đà Nẵng. Ngoài ra, ý tưởng này cũng đang được Trung tâm ứng phó các sự cố khẩn cấp/Ban ATSKMT của Tập đoàn nghiên cứu để áp dụng trong việc quản lý các thiết bị ngoài khơi tại Việt Nam như: các giàn khoan di động; các thiết bị chứa nổi (FSO); các tàu vận tải, xà lan,…

Thái Doãn Ân

Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status