Gỡ rối cho xơ sợi Việt Nam

07:50 | 15/07/2015

3,186 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sự tham dự thị trường của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đã phá vỡ thế độc tôn nguồn xơ sợi polyester nhập khẩu tại thị trường Việt Nam. Chính vì vậy thị trường xơ sợi polyester xuất hiện cuộc chạy đua giảm giá, kiện tụng bán phá giá, áp thuế nhập khẩu… Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã phỏng vấn Tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc để làm rõ “mớ bòng bong” xơ sợi Việt Nam và hướng phát triển của PVTEX. 

PV: Xin ông cho biết nhu cầu thực tế và tương lai của ngành sản xuất xơ sợi polyester của các doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam?

Ông Đào Văn Ngọc: Theo số liệu do Tổng cục Hải quan, tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng xơ polyester Việt Nam gia tăng liên tục trong những năm vừa qua. Cụ thể, năm 2013 nhập khẩu là 244 nghìn tấn tương đương 361,4 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu là 72,5 nghìn tấn tương đương 107,92 triệu USD; năm 2014 nhập khẩu là 246 nghìn tấn tương đương 405,8 triệu USD, chiếm trên 90% kim ngạch nhập khẩu của cả nhóm 55.03 (nhóm hàng xơ sợi staple nhân tạo), phần lớn là xơ polyeste. Nguồn nhập khẩu mặt hàng xơ polyester chủ yếu từ Đài Loan (chiếm khoảng 40%), từ Thái Lan (chiếm khoảng 26%), từ Trung Quốc (chiếm khoảng 15%), từ Hàn Quốc (chiếm khoảng 18%). Giá nhập khẩu trung bình của năm 2014 đối với xơ polyester từ Trung Quốc là 1.215 USD/tấn, nhập từ Đài Loan là 1.268 USD/tấn và nhập từ Thái Lan là 1.227 USD/tấn, giá nhập khẩu trung bình từ khoảng 1.237 USD/tấn.

Gỡ rối cho xơ sợi Việt Nam
Tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc

Theo phân tích của PVTEX và các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới nhu cầu về xơ, sợi polyester sẽ tăng mạnh. Nguyên nhân là rất nhiều dự án kéo sợi có quy mô lớn đầu tư tại Việt Nam như: Nhà máy Kéo sợi 20.000 cọc của Công ty TNHH MTV 8/3; Dự án Khu Liên hiệp Sợi - Dệt - Nhuộm - May của Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Dự án Nhà máy Kéo sợi màu do Công ty Huafa Hongkong đầu tư dự án nhà máy kéo sợi màu tại Khu Công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, thuộc xã Long Định, huyện Cần Đước; Dự án Nhà máy Dệt công nghệ cao tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên (Hà Nam) của Tập đoàn Yulon (Đài Loan)… sắp hoàn thành trong năm 2016. Đây là dấu hiệu khẳng định tương lai ngành xuất khẩu sợi, dệt may sẽ phát triển nhanh, mạnh và trở thành ngành công nghiệp có giá trị lớn của nước ta.

PV: Như vậy nhu cầu thực về xơ sợi của thị trường Việt Nam là rất lớn nhưng tại sao tình hình tiêu thụ sản phẩm của PVTEX vẫn chưa ổn định, ông có thể cho biết lý do?

Ông Đào Văn Ngọc: Đối với sản xuất công nghiệp để có một khách hàng chiến lược ký kết hợp đồng dài hạn, lượng sản phẩm mua vào lớn là đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, PVTEX rất gian nan “lôi kéo” các doanh nghiệp kéo sợi, dệt về phía mình vì rất nhiều lý do như các đơn vị bạn cần nguồn hàng quen thuộc, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật… Chính vì vậy mà chúng tôi rất khó ổn định tiêu thụ, nâng công suất tối ưu.

Mặt khác, chúng tôi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá từ các nguồn hàng nhập khẩu, các nhà máy đã hoàn thành khấu hao. Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có tổng mức đầu tư là 325 triệu USD và là nhà máy duy nhất của Việt Nam sản xuất mặt hàng bán nguyên liệu này. Sau thời gian đầu chạy thử nghiệm trên các nhà máy kéo sợi, sản phẩm của PVTEX đã dần được khách hàng chấp nhận đưa vào sản xuất trên diện rộng, chính sách bán hàng với giá thấp hơn giá hàng nhập khẩu đã thực sự hấp dẫn và đem lại lợi ích cho khách hàng.

Gỡ rối cho xơ sợi Việt Nam
Máy kéo sợi được giới thiệu tại SaigonTex 2015

Tuy nhiên, kể từ tháng 9 đến tháng 10-2014, công tác tiêu thụ sản phẩm của PVTEX đã gặp rất nhiều khó khăn, một phần do sự ảnh hưởng từ đợt khủng hoảng giá dầu nhưng phần lớn do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà cung cấp nước ngoài khi thị phần của họ ở Việt Nam sụt giảm. Cụ thể, giá xơ được các nhà cung cấp điều chỉnh theo từng ngày, giá bán bình quân cuối tháng 12-2014 giảm khoảng 90-100 USD/tấn so với đầu tháng và giảm khoảng 180 USD/tấn so với thời điểm tháng 8 và 9-2015. Đặc biệt, trong 2 tuần đầu năm 2015, giá bán của các nhà nhập khẩu chỉ chào xuống còn 970-980 USD/tấn, một số loại xơ từ Trung Quốc thậm chí còn 900 USD/tấn kèm theo L/C trả chậm lên đến 180 ngày.

Trước tình hình đó, để giữ đúng cam kết của mình với khách hàng về giá bán, PVTEX cũng đã liên tục điều chỉnh giá xơ PSF (luôn thấp hơn giá hàng nhập khẩu). Từ mức 1.340 USD/tấn thời điểm cao nhất (tháng 8 và 9-2015) xuống còn 1.030 USD/tấn vào tháng 12-2014, nhiều thời điểm đã phải đưa xuống mức 970 USD/tấn nhưng vẫn không cạnh tranh được với các nhà nhập khẩu. Từ tháng 12-2014, họ sẵn sàng chấp nhận giảm giá bán thấp hơn 50-70 USD/tấn mỗi khi PVTEX áp dụng giá mới. Thực tế giá bán như vậy chỉ ngang bằng với giá mua nguyên liệu đầu vào và không thể bù đắp được chi phí sản xuất của bất kỳ nhà máy nào.

Để đối phó, PVTEX đã phải bán ra một lượng hàng không nhỏ (có lúc lên tới 40% sản lượng) xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức… Nhưng phần lớn các thị trường này đều có hàng rào bảo hộ (với tất cả các mặt hàng từ xơ, sợi đến sản phẩm dệt may), trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài có thể bán vào thị trường Việt Nam với giá bán thấp hơn nhiều so với giao dịch quốc tế ghi nhận được. Chính chúng tôi cũng đang phải xử lý kiện bán phá giá với Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Gỡ rối cho xơ sợi Việt Nam
Một góc phân xưởng sản xuất xơ PSF của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

PV: Xin ông cho biết câu chuyện áp 20% thuế xơ PSF nhập khẩu - một giải pháp cứu xơ sợi nội - đã đến đâu rồi?

Ông Đào Văn Ngọc: Ngay khi PVTEX làm rõ tình hình cạnh tranh quyết liệt của các công ty nhập khẩu xơ sợi vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào cuối tháng 1-2015. Đến tháng 2-2015, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính trong đó nêu rõ:

“Do mặt hàng xơ polyester trong nước đã sản xuất đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đồng thời không làm ảnh hưởng đột ngột tới các doanh nghiệp sợi dệt, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng xơ polyester (mã HS 5503.20.00) lên 2%”.

Đến cuối tháng 4-2015, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5340/BTC-CST khẳng định: “Theo định hướng của Chính phủ là khuyến khích phát triển nguyên liệu xơ từ polyeste (PE), mã hàng 5503.20.00 để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển.

Gỡ rối cho xơ sợi Việt Nam
Một phân xưởng may của VINATEX

Ngoài ra, sản phẩm xơ PVTEX có mặt trên thị trường đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng kéo sợi, dệt, làm tiền đề cho việc tăng sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong việc gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì Hoa Kỳ đề xuất áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” và Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ là đồng ý quy tắc này. Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy xơ trong nước đã có thể phục vụ được nhu cầu của khách hàng nội địa.

Vì vậy, để khuyến khích sản xuất trong nước, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xơ polyeste, mã hàng 5503.20.00 từ 0% lên 2%.

Tuy nhiên, theo chú giải tại Chương 55 (Xơ sợi staple nhân tạo) thì các tô có chiều dài không quá 2m được xếp vào nhóm 55.03 hoặc 55.04 và tô có chiều dài trên 2m được xếp vào nhóm 55.01 và 55.02. Mặt khác nhóm 55.06 và 55.07 bao gồm các mặt hàng xơ staple đã chải thô (các nhóm 55.01, 55.02, 55.03 và 55.04 bao gồm các mặt hàng xơ staple chưa chải thô, theo đó với chủ trương khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng chưa chế biến sâu hơn các mặt hàng đã chế biến sâu, nếu tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng thuộc nhóm 55.03 thì cũng nên tăng thuế suất đối với các mặt hàng thuộc nhóm 55.01, 55.02, 55.04, 55.06 và 55.07 vì chúng có cùng bản chất kinh tế tính năng kỹ thuật như nhau, khó phân biệt bằng trực quan trong phân loại.

Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến đưa ra 2 phương án:

- Phương án 1: Chỉ tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xơ polyeste, mã hàng 5503.20.00 từ 0% lên 2% như đề nghị của Bộ Công Thương.

- Phương án 2: Tăng đồng loạt thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xơ staple thuộc các nhóm 55.01, 55.02, 55.03, 55.04, 55.06 và 55.07 từ 0% lên mức 2%. Với mức thuế này là phù hợp với mức thuế của bán thành phẩm là sợi từ xơ staple tổng hợp (xơ staple polyeste từ 85% trở lên), nhóm 55.09 đang có mức thuế suất 5%).

Trong 6 tháng đầu năm 2015, PVTEX đã đàm phán, ký kết hợp đồng bán 35.056 tấn xơ PSF (8.776 tấn 1.2D và 26.280 tấn 1.4D), 6.138 tấn sợi DTY, 352 tấn PET chip, 540 tấn phế phẩm. PVTEX đã thực hiện giao hàng tới tận nhà máy 34.665 tấn xơ PSF và 6.021 tấn sợi DTY, 341 tấn PET chip, 797 tấn phế phẩm. PVTEX lên kế hoạch tiêu thụ trong tháng 7/2015 tổng cộng 7.690 tấn xơ PSF, 1.940 tấn sợi DTY.

Bộ Tài chính nghiêng về thực hiện theo phương án 2. Tuy nhiên, để có cơ sở điều chỉnh thuế nhập khẩu theo phương án này, đề nghị Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Bộ Công Thương có ý kiến cụ thể hơn về nhu cầu trong nước, tình hình sản xuất bông sợi trong nước có sử dụng xơ polyester, tình hình cung ứng loại sơ này của các doanh nghiệp trong nước và khả năng sản xuất, nhu cầu trong nước, bản chất, tính năng kỹ thuật của các mặt hàng xơ staple thuộc các nhóm 55.01, 55.02, 55.03, 55.04, 55.06 và 55.07”.

Theo chúng tôi được biết, Chính phủ sẽ chính thức áp thuế mặt hàng xơ polyester bắt đầu từ cuối tháng 7. Đây là tín hiệu đáng mừng và kịp thời đối với PVTEX. Việc áp thuế sẽ bình ổn thị trường xơ sợi, phần nào giảm sự cạnh tranh theo kiểu “triệt hạ” của xơ sợi nước ngoài và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước như PVTEX.

PV: Vậy PVTEX đã chuẩn bị như thế nào để triển khai sản xuất kinh doanh cuối năm 2015, thưa ông?

Ông Đào Văn Ngọc: Trong 2 tháng vừa qua, PVTEX đã thực hiện nâng công suất Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ lên trên 90%, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm xơ, sợi theo yêu cầu của từng lô sản phẩm. Chúng tôi đã tối ưu hóa công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng xơ sợi đúng theo cam kết đối với khách hàng.

Bộ phận Kinh doanh PVTEX đã hoàn thiện quy chế hội đồng giá, quy chế kinh doanh đáp ứng yêu cầu bán hàng giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác theo dõi diễn biến thị trường xơ sợi trong và ngoài nước, để kịp thời và nhanh chóng trình lãnh đạo công ty và hội đồng giá điều chỉnh giá sàn bán sản phẩm, đồng thời có chính sách khuyến khích khách hàng tiêu thụ, đảm bảo giải phóng tối đa hàng hóa với hiệu quả tối ưu cho cả khách hàng và công ty.

Trong các giải pháp thị trường nổi bật của PVTEX phải kể đến công tác chăm sóc khách hàng và hậu mãi. Bộ phận hỗ trợ khách hàng của PVTEX gồm các chuyên gia hàng đầu về xơ sợi tại Việt Nam, có kinh nghiệm thực tế phong phú luôn theo dõi sát quá trình sử dụng xơ sợi của khách hàng. Từ đó kịp thời tư vấn kỹ thuật trước, trong khi sử dụng sản phẩm và đánh giá thành phẩm. Nhóm chuyên gia hỗ trợ khách hàng đã phối hợp tốt với bộ phận sản xuất và đại lý giải quyết triệt để phát sinh, khiếu nại nên được luôn được khách hàng đánh giá cao, đạt được sự hài lòng và nâng cao uy tín sản phẩm. Có thể nói đây là bộ phận trực tiếp thực hiện cam kết về chất lượng sản phẩm của PVTEX đối với khách hàng.

Mặt khác, PVTEX luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu, bông tự nhiên để phân tích ảnh hưởng đến thị trường xơ sợi polyester. Đồng thời, tổng hợp thông tin từ các bản tin ICIS, CCFEI, CMAI và đại lý/khách hàng trong nước để đánh giá tổng quan diễn biến thị trường. Song song với mục đích làm cơ sở cho các quyết sách về thị trường cho công ty, đây còn là kênh thông tin hỗ trợ đối với khách hàng chiến lược của PVTEX.

PV: Rất cảm ơn ông đã cùng chúng tôi thực hiện cuộc trao đổi này!

Các dự án FDI được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2015: Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu Công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi. Dự án Công ty TNHH Worldon tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư British Virgin Islands đầu tư tại TP HCM với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Dự án Nhà máy Sợi, vải màu Lu Thai (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD do nhà đầu tư Hongkong tại tỉnh Tây Ninh với mục tiêu sản xuất sợi, sản xuất vải màu.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỉ USD. Ngành dệt may Việt Nam cũng dự kiến đầu tư trong 2 năm 2015-2016 trên 200 dây chuyền may. Đến hết năm 2016 tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ sẽ tăng thêm trên 100 triệu mét (tăng 40% so với năng lực hiện nay); vải dệt kim tăng thêm 20.000 tấn/năm (tăng gấp đôi năng lực hiện nay); sợi các loại thêm 29.000 tấn/năm (tăng thêm 25% năng lực hiện tại). Tổng mức đầu tư ước gần 9.000 tỉ đồng.

Dệt may Việt Nam xuất khẩu 12,18 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2015 Ông Trần Việt - đại diện phát ngôn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam -Vinatex cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số, đạt 12,18 tỉ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ 2014.

Trong đó, thị trường Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 42% so với tổng KNXK dệt may, ước đạt 5,18 tỉ USD, tăng 11,01% so với cùng kỳ 2014. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU (EU-28 nước) trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1,45 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng áo suit nam/nữ, áo khóa nam/nữ, sơmi nam, quần áo trẻ em… tăng trưởng tốt, hàng dệt may Việt Nam đi EU tăng trưởng nhanh và ổn định trong vài năm trở lại đây.

Đối với 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,3 tỉ USD và 948 triệu USD, lần lượt tăng 7,3% và 8,33% so với cùng kỳ 2014. Tại 2 thị trường này, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 sau Trung Quốc và vẫn đang tiếp tục mở rộng thị phần.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 24.241 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,7 tỉ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 612,6 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng 6% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 6.008.313 VNĐ/người/tháng, tăng 9% so với cùng kỳ. Một số đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh tốt trong 6 tháng qua là Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty May Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân…

Thành Công

Năng lượng Mới số 439

DMCA.com Protection Status