TS Nguyễn Đức Huỳnh:

43 năm ấy biết bao ân tình

15:52 | 18/12/2015

679 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi đến với ngành Dầu khí như một cơ duyên. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp đại học được 2 năm thì tôi may mắn được là một trong 17 người đầu tiên của Việt Nam đi thực tập dầu khí ở Algeria. Sau khi thực tập xong, năm 1974, tôi về nước và phục vụ trong ngành Dầu khí đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Như vậy là trọn một đời công tác gắn với ngành Dầu khí, cho đến bây giờ, đã có quá nhiều kỷ niệm vui buồn gắn với ngành.

40 năm một chặng đường đã qua, rất nhiều bạn bè cùng thế hệ của tôi đã cống hiến gần trọn cuộc đời trên khắp các công trình dầu khí. 2 năm thực tập ở Algeria tôi đã học được rất nhiều điều mới. Thời điểm đó Algeria là một đất nước có nền công nghiệp dầu khí phát triển. Tất cả các khâu từ thăm dò đến công nghệ khai thác dầu khí hay đào tạo nguồn nhân lực về dầu khí ở Algeria lúc đó đều phát triển rất chuẩn mực. Bản thân chúng tôi, được tiếp xúc với các chuyên gia dầu khí giỏi trên khắp thế giới có mặt ở Algeria nên có điều kiện tốt để học hỏi và trau dồi chuyên môn cho mình.

43 nam ay biet bao an tinh
TS Nguyễn Đức Huỳnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn Môi trường Dầu khí

Ở đó chúng tôi được làm quen với tất cả các lĩnh vực quan trọng nhất của ngành Dầu khí. Từ tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, phân tích thí nghiệm dầu khí đến kinh tế dầu khí... Duy chỉ có công nghệ chế biến dầu khí thì hồi đó chúng tôi chưa được học. Với nước bạn, khi đó khâu đầu ngành dầu khí của họ phát triển là vậy nhưng ở mình thì những khái niệm này vẫn còn vô cùng mới mẻ. Vì thế anh em chúng tôi đều tự nhủ phải cố gắng hết sức để có thể nắm bắt nhanh các kỹ thuật được truyền dạy. Bản thân tôi khi đó được phân học ở phòng phân tích thí nghiệm. Năm 1974 khi về nước, tôi công tác cho Liên đoàn Địa chất 36. Vì thế cũng thuộc là “lứa đầu” trong những người xây dựng nên hệ thống các phòng thí nghiệm phân tích dầu khí ở Việt Nam.

 Tuy tôi không thuộc đoàn đầu tiên đi tiếp quản Tổng cục Dầu khí của chế độ ngụy quyền sau tháng 4-1975 nhưng cũng vinh dự được tham gia phân tích các thông số địa hóa cho giếng khoan ở Trà Cối (Trà Vinh), đây là giếng khoan đầu tiên chúng ta thực hiện ở miền Nam sau ngày giải phóng. Như mọi người cũng biết thì thời điểm đó chúng ta còn thiếu thốn đủ đường, rất may là được hỗ trợ đắc lực từ nước bạn Liên Xô. Hồi đó tôi nhận lệnh mang máy phân tích sắc ký khí của Liên Xô, một trong những thiết bị phân tích hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ ở miền Bắc lên máy bay C-130 của quân đội cùng với cần khoan ống chống…bay vào Sài Gòn, đến giếng khoan Trà Cối, để có thể phân tích tại chỗ các mẫu khí hoặc mẫu địa hóa khác.

Thế nhưng thời điểm đó, đường đi lại rất khó khăn, lẽ ra phải mang máy đến Trà Cối để tiện cho việc phân tích khí thì chiếc máy lại phải đặt tận Cần Thơ, vì ở Trà Cối không đủ điều kiện lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy sắc ký khí... Vậy là hằng ngày, chúng tôi phải lấy các mẫu khí và mẫu địa hóa từ Trà Cối rồi đưa về Cần Thơ để phân tích. Mỗi lần đi lại hơn 100km như thế. Có những ngày chiếc máy phải vận hành suốt 24/24h để phục vụ giếng khoan. Mặc dù giếng khoan Trà Cối không phát hiện dầu khí, nhưng đối với tôi thì những ngày tháng này vẫn để lại nhiều kỷ niệm. Bởi giúp chúng tôi nhớ về một thời gian khó và nhắc nhớ những người làm dầu khí rằng gặp khó khăn nào cũng phải tìm cách vượt qua.

Năm 1979, tôi làm việc tại phòng thí nghiệm hóa lý phụ trách mảng phân tích hóa lý, chống ăn mòn và bảo vệ môi trường của Viện Dầu khí Việt Nam. Đến năm 1993, phòng thí nghiệm hóa lý chính thức tách ra thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển về an toàn và môi trường dầu khí, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đây có thể coi là một bước phát triển đột biến về nhận thức của Petrovietnam đối với công tác quản lý an toàn và môi trường trong các hoạt động dầu khí ở Việt Nam, giúp ngành công nghiệp dầu khí của chúng ta hòa nhập nhanh hơn với khu vực và thế giới. Tôi chính thức gắn phần còn lại của cuộc đời mình với nghiệp nghiên cứu và phát triển an toàn và môi trường dầu khí.

Trước đây, khái niệm an toàn sức khỏe và môi trường dầu khí rất trừu tượng, mà nói thẳng là ít được chú trọng bởi nhiều ý kiến cho rằng: Đó là một lĩnh vực không sinh lời. Vì thế với nhiều người, an toàn sức khỏe môi trường nó chỉ như một chiếc áo đẹp, chỉ để diện, chỉ là hình thức… Nên khi bắt nhịp vào công việc này, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Rất nhiều những ý tưởng, sáng kiến liên quan tới an toàn và môi trường chúng tôi đưa ra bị mọi người cho là gàn dở, lắm chuyện nhưng chúng tôi vẫn làm với phương châm: Làm đi đôi với thuyết phục. Cản trở lớn nhất khi ấy là nhận thức của mọi người về việc cần phải xây dựng công tác an toàn môi trường dầu khí chưa cao, trong khi đó hiểu biết, kiến thức của những người làm công tác chuyên trách về an toàn môi trường như chúng tôi dù được đào tạo ít nhiều nhưng vẫn chưa có hệ thống. Đặc biệt là về cơ sở vật chất, kinh phí để đầu tư cho công tác an toàn môi trường đạt chuẩn khu vực hay quốc tế thì lại rất… tốn kém. Thành thử, chúng tôi cứ phải tiến hành từng bước một.

Một trong những phương pháp mà chúng tôi áp dụng thời bấy giờ với các phương pháp hay công nghệ liên quan tới an toàn và môi trường trong ngành Dầu khí là chưa làm độc lập được thì… hợp tác, liên kết. Một ví dụ cụ thể cho ý trên là đưa phương pháp “đánh giá rủi ro” cho các công trình dầu khí thành một dịch vụ chuyên ngành đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đầu, chúng tôi kết hợp với DNV Singapore để thực hiện dịch vụ này. Thời điểm vài năm đầu DNV làm tới 70-80% nội dung công việc nhưng sau 4-5 năm Trung tâm An toàn và Môi trường Dầu khí đã đảm đương hầu hết nội dung công việc và DNV chỉ tham gia khoảng 10% khối lượng báo cáo với tư cách review lại báo cáo cuối cùng mà chúng tôi xây dựng.

Bản thân tôi ở thời điểm đó phải cố gắng rất nhiều, nhanh nhạy, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các nước như Nauy, Mỹ, Nhật, Đan Mạch… để cử người của mình ra nước ngoài học tập, tiếp thu kỹ thuật và công nghệ mới liên quan tới an toàn và môi trường dầu khí. Từng bước phát triển công tác dịch vụ kỹ thuật an toàn và môi trường dầu khí ở Việt Nam thay thế từng bước các nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực này. Đến giờ thì dự án hợp tác với Na Uy 15 năm là một trong những thành tựu đáng ghi nhận nhất trong mảng quản lý an toàn môi trường dầu khí. Từ dự án này rất nhiều công nghệ kỹ thuật mới bạn đã chuyển giao cho mình. Cũng nhờ dự án này mà hệ thống an toàn, sức khỏe và môi trường của PVN phát triển mạnh, bền vững hơn hội nhập đầy đủ với khu vực.

Tôi tự hào vì những gì mà thế hệ chúng tôi đã làm được. Bởi như mọi người thấy thì lĩnh vực an toàn môi trường dầu khí bây giờ nó đã thành hình hài cụ thể, nó góp phần không nhỏ trong những thành tựu mà ngành Dầu khí đã đạt được những năm qua. Đã đến lúc chúng ta có quyền tự hào mà nói rằng: Công tác quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường của PVN là không thua kém các nước trong khu vực Asean. Điều này cách đây khoảng 15 năm trước thì chỉ có thể là giấc mơ…

Còn về phần mình tôi nghĩ ai đã từng cống hiến cho ngành Dầu khí đều có kỷ niệm và niềm tự hào của riêng mình. Suốt thời gian làm việc trong ngành, tôi thấy rằng ngành dầu khí nó giống như là thời tiết vậy, có những sóng gió, có thăng trầm… nhưng hơn tất thảy từ những sóng gió và thăng trầm ấy, thì ngành lại sản sinh ra những bản lĩnh của người dầu khí. Là người trong ngành, tôi luôn luôn mong sự bình yên, mong sóng yên bể lặng để ngành Dầu khí được tiếp tục phát triển. Riêng về lĩnh vực an toàn môi trường dầu khí, tôi mong các bạn trẻ sẽ tiếp tục có những bước đi đúng đắn, để lĩnh vực an toàn môi trường của PVN đáp ứng được với những thách thức mới của sự phát triển của ngành, hòa nhập được với thế giới.

 

Huyền Anh

DMCA.com Protection Status