Y tế học đường, tại sao không?

07:40 | 11/10/2014

2,110 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở các trường mầm non, do không được cấp cứu kịp thời nên nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra với trẻ em. Thế nhưng, hầu hết các trường mầm non dân lập và công lập hiện nay đều không có phòng y tế.

Năng lượng Mới số 363

Cần thiết phải có

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa có quy định, trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ phải có phòng y tế và nhân viên y tế từ trình độ trung cấp trở lên. Trẻ em phải được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất 2 lần. Mỗi trường phải có một phòng làm việc của nhân viên y tế có diện tích trên 12m2. Quyết định này lập tức gây xôn xao dư luận.

Từ bấy lâu nay, nhiều trường mầm non luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ khi mỗi khi có trẻ nhỏ bị sặc bột, sặc cháo, hóc xương, đồ chơi... Đã có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra khi không có sự can thiệp kịp thời của cán bộ y tế có chuyên môn.

Nhà giáo Đỗ Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non Phương Liên cho biết: “Khi xuất hiện những tai nạn bất ngờ, chúng tôi rất hoảng sợ chỉ còn biết cách nhanh chóng đưa các em đến phòng y tế của phường mà thôi. Nhiều giáo viên không biết một chút kiến thức nào để đối phó với trường hợp tai nạn của học sinh.

Chúng tôi cũng đã được đi tập huấn một lớp về sơ cứu, cấp cứu nhưng kết quả cũng không đáng kể”. Và tại một số trường mầm non do công tác sơ cứu thiếu chuyên nghiệp như vậy đã từng xảy ra những sự việc đáng tiếc như ở Trường mầm non tư thục Thiên thần nhỏ ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, cháu Trần Nhật Hương đã tử vong vì ngạt dị vật đường thở theo kết luận của Viện Pháp y Quốc gia, Bộ Y tế. Dị vật này được kết luận là tinh bột và sợi Cellulose - thành phần chính trong cấu trúc tế bào thực vật có ở rau quả hoặc các loại cây thân mộc.

Theo tường trình của các giáo viên ở đây, khi đến trường lúc 10h30, cháu được cô cho ăn cháo. Tuy nhiên, mới chỉ ăn được 7-8 thìa thì cháu khóc rồi nhè ra không ăn nữa. Đến khoảng 11h20 cô giáo cho cháu ăn 100ml sữa. Nhưng vừa ăn xong cháu lại trớ ra hết do đó cô không cho ăn tiếp mà cho đi ngủ sau khi đã vệ sinh cho Hương sạch sẽ. Tuy nhiên, đến 13h45, cô giáo thấy Hương cơ thể bất động, mê man bất tỉnh nên đã gọi người đến cấp cứu. Tự cấp cứu không có hiệu quả, cô giáo ở trường đã đưa Hương đi cấp cứu bằng xe máy.

Mặc dù đã khẳng định là chăm sóc sơ cứu cháu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, vì không cấp cứu một cách chuyên nghiệp nên các cô giáo ở Trường mầm non tư thục Thiên thần nhỏ vô tình đã làm chậm lại khoảng thời gian cấp cứu có hiệu quả để rồi dẫn đến cháu Hương tử vong.

Y tế học đường, tại sao không?

Bởi vậy, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng khẳng định: “Việc thành lập phòng y tế tại các trường mẫu giáo lẽ ra phải được làm từ lâu. Hiện tượng trẻ em bị nghẹn do bỏ đồ chơi vào miệng, hóc xương, sặc bột, điện giật, chết đuối, ngộ độc thức ăn... thường xuyên xảy ra với các cháu đang độ tuổi mẫu giáo. Trong những trường hợp như vậy, các cháu phải được cấp cứu ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, vai trò của phòng y tế trong các trường mầm non là cực kỳ cần thiết”.

Theo chị Nguyễn Phương Nga, một phụ huynh có con trong tuổi mẫu giáo thì: “Hiện nay, chỉ có một số trường mẫu giáo cấp quốc gia hoặc một số trường dân lập có tên tuổi mới có phòng y tế. Những trường này lại thu học phí quá cao, phụ huynh có thu nhập thấp không thể gửi con vào đó được. Thế nhưng, tại những trường ấy, việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm dường như cũng chỉ làm qua loa cho xong chuyện chứ không chú trọng vào chất lượng. Cán bộ y tế không phải lúc nào cũng có việc để làm vì có khi hằng tháng mới có trường hợp bị tai nạn. Vì thế, khi trẻ em bị tai nạn, không chắc cán bộ y tế đã có mặt để xử lý khẩn cấp…”. Bà Nga nói tiếp: “…Bên cạnh đó, vào đầu năm học, các trường nhập thuốc về có khi mấy tháng không có người dùng. Khi thuốc hết hạn sử dụng phải bỏ đi và nhập thuốc mới. Không phải trường nào cũng có khả năng tài chính để làm được việc này”.

Vẫn còn nhiều lúng túng

Để thực thi quyết định trên, một số trường mầm non đã tiến hành mua trang thiết bị, tuyển nhân viên cho phòng y tế. Cô Đỗ Ánh Tuyết cho biết: “Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã tuyển một y tá có trình độ trung cấp điều dưỡng, mua sắm đầy đủ thiết bị y tế học đường nhưng đang rất lúng túng vì không có phòng nào để làm phòng y tế. Cán bộ y tế vẫn phải ngồi chung với phòng giám hiệu. Bên cạnh đó, cán bộ y tế vì không có nhiều việc nên phải kiêm nhiệm thêm việc văn thư của trường”.

Nhưng cũng phải nói rằng, trình độ của cán bộ y tế cũng là một vấn đề đáng phải quan tâm. Bác sĩ An nhấn mạnh, hiện nay trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, bệnh rối nhiễu tâm trí ở các dạng tự kỷ, trầm cảm là vấn đề mới nảy sinh trong xã hội. Loại bệnh này nếu không được phát hiện, chữa trị sớm sẽ trở thành bệnh rối loạn tâm thần.

Nhiều trẻ có những biểu hiện bình thường như đái dầm, nói lắp nhưng nếu không phải là một bác sĩ chuyên về nhi khoa thì không thể phân biệt được hiện tượng đó có phải là bệnh hay không. Đáng tiếc, các cán bộ y tế ở các trường mầm non thường không có chuyên môn về lĩnh vực này.

Bác sĩ An cho biết thêm: “Quyết định của Bộ GD&ĐT đưa ra vào thời điểm này là rất cần thiết. Theo tôi, nếu có phòng y tế thì các trường mầm non nên trú trọng vào khâu phát hiện, phòng ngừa bệnh là chính từ những đợt khám bệnh định kỳ. Từ đó, cán bộ y tế phải có sự liên hệ mật thiết với phụ huynh học sinh.

Phòng y tế không thể như bệnh viện được, nhưng chắc chắn nó phải đáp ứng được các nhiệm vụ của y tế học đường. Đó là sơ cấp cứu kịp thời những tai nạn nguy hiểm, chữa được những bệnh thông thường của trẻ em”.

Vũ Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.