Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ

19:15 | 24/07/2022

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quá trình khai quật trên trục đường Hoàng Gia trong nội thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của Kinh đô.

Những dấu tích quan trọng của Kinh đô

Viện khảo cổ học, Viện hàn lâm khoa học Việt Nam vừa có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đường Hoàng Gia - nội thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ năm 2021-2022.

Đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi, nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc - Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 1
Thành nhà Hồ được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Trong kế hoạch quản lý, bảo tồn Thành nhà Hồ, UNESCO đặc biệt chú ý việc bảo vệ và nghiên cứu đường Hoàng Gia, nhằm làm rõ hiện trạng và dấu tích các cung điện được dự đoán sẽ nằm dọc theo đường Hoàng Gia.

Tổng diện tích khai quật đường Hoàng Gia là 14.000m2, tập trung vào khu vực trung tâm nội thành và được phân làm 2 khu: Khu A là khu vực các hố đào ở phía Bắc trục đường Đông - Tây và khu B là khu vực các hố đào ở phía Nam dọc đường Đông - Tây.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 2
Vị trí hố khai quật Thành nhà Hồ năm 2020-2022 (Ảnh: Viện khảo cổ học).

Dấu tích đường Hoàng Gia còn lại rất rõ, được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam Thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam, nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao, nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.

Năm 2008, đã phát hiện dấu tích con đường phía ngoài cửa Nam, được chia thành 3 làn. Ở phía Bắc cổng Nam, con đường Hoàng Gia cũng đã xuất hiện một đoạn còn tương đối tốt, cấu trúc khác với đoạn phía Nam chỉ có một làn ở chính giữa.

Điều quan trọng nhất là trên trục đường Hoàng Gia, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của Kinh đô.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 3
Dấu tích lớp đá lát đường Hoàng Gia.
Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 4
Dấu tích lớp đá lát nằm trong khu vực cụm kiến trúc Con Rồng (Ảnh: Viện khảo cổ học).

Cùng với đường Hoàng Gia, cho đến năm 2022, các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của Kinh đô như: Cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu. Qua đây có thể bước đầu nhận diện diện mạo đích thực của mặt bằng Thành nhà Hồ ở khu vực trục trung tâm nội thành.

Tại khu A, các kiến trúc đã xuất lộ trong các năm 2020 và 2021 với cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực Nền Vua. Các di tích kiến trúc này xuất lộ khá nhiều, phức tạp, nhiều vị trí đã bị phá hủy. Do vậy các nhà nghiên cứu vẫn đang tập trung chỉnh lý và nghiên cứu tiếp về hình thái và chức năng.

Tại khu B, từ cuối năm 2021 đến tháng 7/2022, cuộc khai quật cũng đã tiếp tục làm xuất lộ hai kiến trúc cổng và một cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực đang có hai thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 5
Chi tiết móng cột gia cố tòa phía Nam cụm kiến trúc Con Rồng, Thành nhà Hồ (Ảnh: Viện khảo cổ học).

Khu vực nội thành đang là một dấu hỏi

Quá trình khai quật, trên hiện trường các cổng, dấu tích móng kiến trúc đã xuất lộ với nhiều hàng cột, móng cột.

Cùng với đó, dấu tích cụm kiến trúc Con Rồng là kiến trúc quan trọng xét về mặt vị trí và thực trạng quy mô khá to lớn, nằm gần ở vị trí có thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ, được GS.TS Lưu Trần Tiêu dự đoán có thể nơi đây sẽ tìm thấy dấu tích Chính điện của Thành nhà Hồ. Do nằm dưới 2 thành bậc này, nên tạm gọi là cụm kiến trúc Con Rồng.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 6
Toàn cảnh khu vực đường Hoàng Gia từ cụm kiến trúc Con Rồng ra cổng Nam (Ảnh: Viện khảo cổ học).

Cụm kiến trúc này mới chỉ khai quật được nửa phía Đông. Hiện đã xác định có 5 kiến trúc kết nối với nhau thành một cụm kiến trúc liên hoàn. Trong đó, các móng cột lớn dạng móng kép, dài trung bình 5,2-5,4m, rộng 1,8m…

Theo nhận định của các nhà khoa học, tổng thể cụm kiến trúc này nếu khai quật xuất lộ đầy đủ, có thể có kết cấu hình chữ Công.

Quá trình khai quật cũng đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ, tương tự như các cuộc khai quật trước đây.

Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần Hồ. Các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần -Hồ và thời Lê Sơ.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 7
Trên hiện trường, dấu tích móng kiến trúc đã xuất lộ với nhiều hàng cột, móng cột.

Theo nhận xét bước đầu của các nhà khoa học, con đường Hoàng Gia trong nội thành có lẽ chỉ có một làn đường rộng khoảng gần 5m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam. Về vật liệu xây dựng, phần nửa phía Nam sẽ được lát đá phiến kết hợp với gạch xây, phần nửa phía Bắc sẽ được xây bằng gạch ngói vụn, trong đó chủ yếu là gạch hình chữ nhật màu đỏ thời Hồ.

Mục tiêu lớn nhất trong cuộc khai quật lần này là nghiên cứu con đường Hoàng Gia nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của Kinh đô. Về mặt này, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới, đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử.

Thành nhà Hồ được ghi danh Di sản thế giới năm 2011 trên cơ sở 2 tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 8
Nhiều loại hình gạch trang trí được tìm thấy (Ảnh: Viện khảo cổ học).

Đến nay, đã có trên 20 cuộc khai quật khảo cổ tại các khu vực Thành nhà Hồ. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Thắng, Viện khảo cổ học, khu vực nội thành đang là một dấu hỏi. Từ năm 2020 đến nay, quá trình khảo cổ học đã xác định được một số khu vực kiến trúc quan trọng.

Các cuộc khai quật trên đây đã minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Các nhà khoa học kiến nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo. Trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, mục tiêu năm 2022 là nghiên cứu con đường Hoàng Gia, bởi vì quy hoạch tổng thể của Kinh đô thường được thiết kế theo trục giữa.

Qua khai quật khảo cổ đã nhận diện được một loạt cấu trúc trên con đường Hoàng Gia. Trong đó, phát lộ móng cột mà theo PGS.TS Tống Trung Tín là lớn nhất trong lịch sử khảo cổ Việt Nam, dài 5,2-5,6m; rộng 1,8m. Trong khi ở Hoàng thành Thăng Long, móng cột là 4,2-4,4m...

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng của Kinh đô tại Thành nhà Hồ - 9
Đến nay, đã có trên 20 cuộc khai quật khảo cổ tại các khu vực Thành nhà Hồ.

Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, việc nghiên cứu còn lâu dài, chưa có kết luận và trong thời gian tới sẽ tiếp tục khảo cổ.

Tại hội thảo, các nhà khảo cổ học, nhà sử học đều đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ trong thời gian qua. Đây là đóng góp hết sức đặc biệt của khảo cổ, giúp cho nhận thức về lịch sử chuẩn xác hơn và đi tìm Chính điện, cũng như quy hoạch tổng thể của Thành nhà Hồ.

Theo các nhà khoa học, chỉ trong thời gian ngắn nhưng quy mô khai quật là rất lớn. Thời gian tới cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khảo cổ học để có cái nhìn tổng quan và Thành nhà Hồ chịu ảnh hưởng của kiến trúc nào, để phục vụ cho việc tôn tạo, tu bổ. Nếu trong khoảng 5-10 năm tới khai quật được toàn bộ thì đây sẽ là thành tựu chưa từng có trên thế giới.

Giải pháp được đưa ra là cần có sự kết hợp giữa các nhà khảo cổ học và các ngành khoa học liên quan…

Theo Dân trí

Chuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà HồChuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giớiThành nhà Hồ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới
Phát hiện công trường khai thác đá xây Thành Nhà HồPhát hiện công trường khai thác đá xây Thành Nhà Hồ