Xuất khẩu nhiều tín hiệu khả quan

07:18 | 02/03/2021

75 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những giải pháp điển hình nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu năm nay được Bộ Công Thương nhắc tới là củng cố và mở rộng thị trường...
fas
Tính đến 15/2/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt được 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện trong số 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, 13 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Những FTA này là đòn bẩy để xuất khẩu hàng hóa của nước ta gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021.

Con số thống kê cho thấy, tính đến 15/2/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt được 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020… Song song với đó, ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng tăng 25%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, đa số nhóm các mặt hàng duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu cao từ đầu năm đến nay đều liên quan đến hàng tiêu dùng, sử dụng trong nhà trong bối cảnh đại dịch bùng phát như nhóm hàng đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị điện tử máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động…

Nhóm hàng nông sản cũng tăng trưởng tốt. Trong đó, thủy sản là một trong những mặt hàng tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu bật tăng trở lại.

Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương Việt - Anh bứt phá ngoạn mục ngay sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực ngày 1/1/2021, với kim ngạch đạt 598,07 triệu USD trong tháng 1/2021, tăng 84,61% so với cùng kỳ.

fa
Thủy sản là một trong những mặt hàng tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu bật tăng trở lại.

“Như vậy, có thể thấy, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt được mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh khó khăn bủa vây do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tạo động lực và nền tảng cho xuất khẩu năm 2021 đạt được những bước tăng trưởng đột phá”, ông Hải nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp mấu chốt nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu năm nay được Bộ Công Thương nhắc tới là củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu...

Cơ sở cho những mục tiêu này là sang năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có sự hỗ trợ tích cực từ các FTA thế hệ mới như CPTPP; EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên.

Ngoài ra, năm 2021 cũng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, năm 2021 để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA cần lưu ý nhiều hơn tới các điều khoản liên quan đến lao động cũng như tính cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. “Cần phải tiếp tục nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế, chuẩn bị tình huống diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đầu vào cho các ngành sản xuất và đầu ra cho xuất khẩu hàng hóa. Phải làm sao phát huy tốt hơn nữa hệ thống Tham tán thương mại để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, “Năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển, thậm chí là tăng tốc của Việt Nam trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đã xây dựng những mục tiêu với những kịch bản cụ thể và thông qua cho năm 2021, về cơ bản vẫn duy trì xu thế chung trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như thương mại quốc tế”.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp