Xuân sắc miền Tây Bắc

06:50 | 09/01/2014

2,542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào những ngày đầu tiên của năm mới 2014, trên miền đất phía Tây Bắc của đất nước dù còn nhiều lắm những khó khăn nhưng bạn vẫn dễ dàng cảm nhận được hơi ấm của một mùa xuân mới đang về. Phóng viên PetroTimes ghi lại vài khoảnh khắc để bạn đọc cùng về với cuộc sống của người dân nơi đây.

Nụ cười tươi thắm của những cô gái xã Mường Phăng trong điệu múa quạt đón chào các nhà hảo tâm ngành Dầu khí về với bản làng để hỗ trợ bà con nghèo và các cháu học sinh. Mường Phăng hôm nay thực như một ngày hội, đã lâu lắm nhà văn hóa của xã mới tụ hội đông đến vậy bà con các dân tộc từ khắp các bản xa gần. Miền đất lịch sử, nơi trú đóng Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên năm xưa, vào những ngày giáp Tết đang bừng lên xuân sắc.

Đào bắt đầu nở những nụ đầu tiên xua đi giá lạnh cuối đông, Tây Bắc hanh hao như đang nén lại, chờ đón khí xuân ấm áp để nhuộm biếc núi rừng bằng những mầm xanh.

Những chú bé con ở khu di tích lịch sử Mường Phăng này có biểu hiện khác hẳn những vùng khác. Các em lễ độ chào hỏi và hồn nhiên kể lại vanh vách những chiến tích của bộ đội Điện Biên, những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thậm chí còn nhớ từng cái ghế trong hội trường dành cho những ai, lán nào cách nhau bao nhiêu mét... Không chìa tay xin tiền, cũng chẳng lẵng nhẵng đeo theo du khách, chúng chỉ hy vọng chợt du khách nào đó bỗng thích mua cành lan rừng trên tay chúng với giá chỉ vài ngàn bạc là đã vui rồi.

Gánh củi khô lượm lặt trong rừng này chỉ đủ cho mẹ em mua hơn cân gạo, nhưng đó chính là niềm vui được sẻ chia gánh nặng với gia đình. Em bẽn lẽn cúi đầu khi thấy người ta chụp ảnh, nhưng bước chân của cô bé còn đang tuổi đến trường vẫn thoăn thoắt trên dốc núi.

Một gia đình người Thái, mẹ đã 90 tuổi cùng con dâu, cháu nội và hai chắt nội bên tỉnh lộ từ Mường Lay lên đỉnh Sìn Hồ. Họ bán những quả dứa mới hái trên nương xuống để gom góp chút tiền tiêu Tết. Vị ngọt thanh mát của những trái dứa này khó có thể tìm được sự so sánh.

Đường lên Tà Ngảo quanh co bỗng như bớt đi khúc khuỷu khi chợt bắt gặp những nụ cười tươi tắn ở những người phụ nữ lam lũ nơi đây, dù đôi bàn tay họ đang phải cố gắng khiêng những bao thức ăn gia súc nặng hàng nửa tạ.

Mường Lay với những căn nhà sàn san sát tạo thành phố xá độc đáo bên hồ thủy điện. Thị trấn như một dải lụa trải xuống giữa núi non trùng điệp.

Cho dù bản của cô gái này vẫn có điện, nhưng "em mang máy ra ngoài nắng để may cho ấm". Chiếc máy khâu Butterfly có lẽ đã nhiều tuổi hơn cô nhưng vẫn hàng ngày giúp cô kiếm tiền cho cuộc sống còn nhiều vất vả.

Chị Đỗ Thị Lan (phải), quê ở Thái Bình lên đây mua đất làm nhà cho gần các con. Hai con chị, đứa lập nghiệp và sinh sống ở Chăn Nưa, đứa ở Sìn Hồ. Chị và người chồng thương binh ở giữa hai nơi, mở quán nhỏ bán hàng. Gặp được người phụ nữ dưới xuôi lên, lại trùng hợp cùng tuổi, cùng tên, chị vui và xúc động lắm, chuyện trò không dứt ra được, cứ hẹn đi hẹn lại khi nào lên nữa nhất định phải ghé chơi nhà.

Những người phụ nữ Sìn Hồ dù mái đầu đã hai thứ tóc vẫn hăng hái tham gia đào đặt đường ống mới với niềm vui có nước sạch cho bản làng. Trên vùng cao Tây Bắc này, mọi thứ đời thường nhất dường như đều trở nên trân quý.

Học bán trú, trường tiểu học Hồng Thu của các em lại quá đơn sơ nên mỗi em đều phải mang theo một chiếc cặp lồng, trong đó là bữa ăn trưa cho đỡ đói lòng.

Người mẹ trẻ địu con xuống chợ Sa Pa. Khăn áo của hai mẹ con đều rất mới, rất đẹp. Chị đang rất băn khoăn trước khi quyết định vào chợ sắm chút hàng chuẩn bị đón Tết.

Những phụ nữ dân tộc bày bán sản phẩm được làm bằng tay trên đường phố Sa Pa, hầu hết là những món đồ lưu niệm để đeo cầu may mắn khi mùa xuân đang về.

Như thường lệ, trong Sa Pa mù sương, những người phụ nữ dân tộc với vốn tiếng Anh, tiếng Pháp đủ để khiến du khách quốc tế hiểu được những món đồ họ bán rất phải giá và chắc chắn sẽ mang lại điều tốt đẹp khi năm 2014 vừa sang.

 

Ngân Hà