Xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo": Gỡ mãi vẫn rối như tơ vò

15:46 | 18/09/2018

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhằm tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, Hà Nội mới đây lại tiếp tục ra quyết định về việc tập trung xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở. Giải pháp là thế, tuy nhiên việc xử lý dứt điểm những công trình "dị" này vẫn còn là nút thắt khó gỡ.
xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to voHà Nội và bài toán "triệt sản" nhà siêu mỏng, siêu méo
xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to voHà Nội sẽ thu hồi nhà dưới 15m2 phục vụ công cộng
xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to voNhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn mọc giữa Thủ đô

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản 1758/UBND-ĐT xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường trước năm 2005. Dư luận hy vọng với những chế tài đủ mạnh cùng với tinh thần quyết tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng, tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại trên địa bàn Thủ đô nhiều năm qua sẽ sớm được "xóa sổ".

xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to vo
Nhà siêu mỏng trên phố Nguyễn Văn Huyên kéo dài.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 394 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại cũ. Đây là những trường hợp nhà, đất nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi xây dựng 8 tuyến phố, tuyến đường trục chính của thành phố từ nhiều năm trước như: Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai (Ba Đình), Vĩnh Tuy, Minh Khai (Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi, Chiến Thắng (Hà Đông)... hình thành trước ngày 15/3/2005 (thời điểm Quyết định 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực về hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng).

Ngoài ra, có 560 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới trên các tuyến Kim Mã - Trần Phú (Ba Đình), Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5...

Hầu hết các hộ dân tại đây đã xây dựng và sinh sống ổn định trong nhiều năm, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xử lý. Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu cho thành phố các phương án xử lý với từng nhóm đối tượng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.

Cụ thể, với những công trình có diện tích từ 10-15m2 trên cùng tuyến đường, phố sẽ ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép xây dựng có điều kiện; với diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2 cho chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng nhà 1 tầng; nhà có diện tích trên 4m2, nhỏ hơn 10m2 chỉ được cấp phép xây dựng 1 tầng. Riêng nhà có diện tích dưới 4m2 sẽ kiên quyết thu hồi phục vụ mục đích công cộng.

Phương án là vậy, song, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, việc xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" vẫn không dễ dàng. Bởi lẽ, sau khi giải phóng mặt bằng, giá đất tại các tuyến đường, phố mới mở đều tăng gấp hàng chục lần những ngôi nhà trong ngõ trước đây. Các hộ dân vì lợi ích của mình không thể tìm được tiếng nói chung trong quá trình thỏa thuận, hầu hết đều quay sang ép giá nhau.

xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to vo
Nhà mỏng, méo trên đường Võ Chi Công.

Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, giá đất sau khi GPMB tăng cao hàng chục lần nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Chủ trương hợp khối cũng rất khó. Khi GPMB các hộ xin thỏa thuận hợp khối, GPMB xong không thể hợp khối được vì các hộ quay ra ép giá nhau, chính quyền vì thế lúng túng quản lý. Thế mới có câu chuyện bi hài "bức tường 1,7m2" có giá... 1 tỉ đồng.

"Hà Nội kiên quyết cho thu hồi các trường hợp 'siêu mỏng, siêu méo' không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng trước năm 2005 là điều kiện cần để triệt tiêu các dạng công trình gây phản cảm lâu dài này. Người dân có công trình dưới 15m2 này buộc phải đưa ra lựa chọn: đàm phán, thỏa thuận giá hợp lý (không đòi giá trên trời) với hộ liền kề để hợp khối hoặc bị Nhà nước thu hồi với giá rẻ hơn rất nhiều. Khi quyền lợi được đưa lên bàn cân, các hộ dân chắc chắn sẽ thiên về giải pháp ít thiệt thòi nhất" - GS Đặng Hùng Võ phân tích.

xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to vo
Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Nhật Tân.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hà Nội đã đưa ra cách giải quyết nhà "siêu mỏng, siêu méo", nhưng đây mới chỉ là định hướng còn cụ thể có nhiều vấn đề khác. Nhà "siêu mỏng" có loại được cấp phép xây dựng và loại không được cấp phép. Với những nhà không được cấp phép có thể phá bỏ, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng trường hợp nhà "mỏng, méo" được cấp phép, tồn tại trước Luật Xây dựng và không đảm bảo mỹ quan thì xử lý như thế nào?

"Với trường hợp những nhà mỏng, méo xây dựng không phép bị phá bỏ thì thửa đất đó được xử lý như thế nào? Đất đó là tài sản thuộc sở hữu của người dân, phải có quy hoạch, dự án mới có thể thu hồi" - TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Về lâu dài, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, không chỉ làm riêng một con đường, mà cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường.

xu ly nha sieu mong sieu meo go mai van roi nhu to vo
TS Phạm Sỹ Liêm.

Đáng lo ngại là, trong khi những công trình "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng chưa được xử lý, thì trên nhiều tuyến đường, những ngôi nhà dạng này vẫn tiếp tục mọc lên. Điển hình là các căn nhà "siêu nhỏ" nằm lọt giữa hai số nhà trên các tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng); hay hàng loạt ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nằm rải rác dọc tuyến đường Võ Chí Công (thuộc hai quận Cầu Giấy và Tây Hồ)…

Bên cạnh những giải pháp cụ thể đã đề xuất, để giải quyết tận gốc tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, cần có một quy hoạch dài hạn cho từng khu vực, thay vì quy hoạch từng tuyến đường, ngõ phố như hiện tại. Đã đến lúc cần "triệt tiêu" những công trình phản cảm này, vì mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Reatimes

vietinbank
ajinomoto