Xóm nhà không cửa ở Đất Mũi

06:04 | 23/03/2020

279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xóm Mũi ở nằm cách cột mốc phía Nam tổ quốc 0,5 km có những ngôi nhà sàn không cửa, còn gọi là nhà "cẳng cao".

Cách TP Cà Mau khoảng 100 km về phía Nam, du khách tham quan miền đất cực Nam thường đến thẳng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, hoặc lưu trú ở các nhà nghỉ ven quốc lộ 1. Nhưng Xóm Mũi nằm phía Đông Bắc vườn quốc gia mới là nơi sinh sống của những người dân Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).

Xóm nhà không cửa ở Đất Mũi
Những ngôi nhà "cẳng cao" ở Xóm Mũi xây hai bên kênh Vàm Mũi. Ảnh: Hoàng Nam.

Cây cầu cong vút bắc ngang con kênh Vàm Mũi. Hai bên kênh, những ngôi nhà sàn nối nhau san sát, chìa chân ra mé nước. Đó vừa là nơi ở vừa là bến tàu nơi những ghe nhỏ đánh lưới, làm đáy hay bắt vọp cập về. Điều kỳ lạ là những nhà sàn này đều không có cửa.

Ông Ba Lý (66 tuổi) đã nghỉ làm biển 20 năm, để chuyển sang nghề đan lưới. Ngồi trên sàn nhà, ông vừa đan vừa ngó chừng lũ cháu đùa giỡn ngoài sân. Nắng chiều rót xuống hiên nhà, lọt qua những lỗ hổng trên bức vách bằng tôn, rỏ những đốm sáng xuống sàn nhà, chiếu rọi lên gương mặt trầm tĩnh của ông. Góc bên kia, vợ Ba Lý nằm trên chiếc võng nghỉ ngơi.

Một lúc sau, khi đan xong tấm lưới, Ba Lý kêu đám cháu vào để cùng trải lưới ra kiểm tra. Tấm lưới dài hơn 10 m, bằng 1/3 chiều dài căn nhà. Vợ chồng già chia cháu thành hai tốp, căng hai bên. Bên nào cũng sáng vì phía sau nhà Ba Lý cũng không có cửa.

Ba Lý là một trong những người bản địa ở Xóm Mũi. Ông còn nhớ, cách đây 30 năm, cả ấp chỉ có vài chục mái nhà, hai bên toàn là nước và rừng đước, rừng mắm. Những cư dân như ông chỉ sống nhờ "rau rừng, cá sông". Tập tục làm nhà không cửa có từ thời ông cha, và được duy trì qua nhiều thế hệ.

Theo sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam của nhà văn Sơn Nam, Cà Mau trở thành khá phồn thịnh cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến. Họ đi bằng tàu buồm vào Cà Mau, khỏi ghé qua Sài Gòn. Một số người từ Sài Gòn, Chợ Lớn đến lập nghiệp.

"Các viên tham biện đầu tiên đến Cà Mau, Bạc Liêu ghi lại khung cảnh hoang vắng thưa thớt, họ quên rằng lúc ấy hễ nghe tiếng máy tàu là ai nấy chạy trốn. Nhà cửa thường cất khuất lấp ở ngọn rạch, nơi đất cao. Vàm rạch là bãi bùn đầy cây cỏ. Chạy tàu ngoài sông cái, nơi nước sâu thì khó bề nắm được tình hình".

Xóm Mũi có lẽ là nơi duy nhất còn những ngôi nhà đặc trưng theo nét xưa được miêu tả.

Theo ông Ba Lý, nhà sàn Xóm Mũi truyền thống thường được cất theo kiểu ba gian, hoặc hai mái. Vách nhà thường được lợp bằng lá dừa. Cột, kèo, sàn bằng gỗ đước rừng, cách mặt nước khoảng 1-1,5 m.

Xóm nhà không cửa ở Đất Mũi
Một căn nhà "cẳng cao" không cửa ở Xóm Mũi. Ảnh: Hoàng Nam.

Còn bây giờ, một số nhà làm cột và sàn bằng xi măng; vách và mái lá được thay thế bằng mái tôn. "Hồi chưa có lộ toàn chòm xóm với nhau, không có trộm cắp, cần chi làm cửa", ông Ba Lý giải thích ngắn gọn.

Ông Võ Văn Xíu (Bảy Xíu, 69 tuổi), hàng xóm của Ba Lý, một cựu binh với 6 huân, huy chương, từng được cử về quê để thực hiện chính sách giãn dân làm vuông, thì nói về sự trù phú, dồi dào tài nguyên của Đất Mũi; điều làm nên tính cách phóng khoáng, rộng rãi, ít đề phòng của người dân.

Ông Bảy Xíu kể, sau năm 1975, ông từ Cần Thơ về lại Cà Mau, thò tay xuống kinh là bắt được cá kèo, cá ngát; lội rừng sợ cua càng kẹp; còn cá thòi lòi - món đang nổi danh là đặc sản Đất Mũi, thì "chẳng ai thèm bắt".

"Chúng tôi vào rừng chặt những cây đước cao 20-30 thước (mét) để xây nhà, có cây 2-3 người ôm không xuể, mất mấy ngày mới đốn hạ xong", ông Bảy Xíu nói về cách dựng nhà.

Nhà không cửa giúp người dân thích nghi với nước triều lên mùa gió Bấc. Bảy Xíu nhớ chuyện xưa, lúc ở nhà cũ hoàn toàn bằng gỗ và lá dừa, ông bán "lốc cốc leng keng" (tạp hóa vụn vặt), để hàng trước nhà. Giấc chiều còn êm ru thì đến tối nước đã lên ngập, cuốn trôi hết hàng. "Nước triều chỉ lên vài ba ngày vào tháng 10, 11 rồi rút nhưng nó lên hồi nào hổng hay", Bảy Xíu nói.

Năm 2010, khi được chính quyền xây nhà tình nghĩa, ông Bảy Xíu "mặc cả" với cán bộ: "Mấy ông cho xây nhà cẳng cao thì tui mới xây à nhen". Xã đồng ý, vậy là ông Bảy Xíu dỡ những tấm ván cũ bằng gỗ đước ra, để xây nhà mới.

Lần này, thềm nhà, bậc tam cấp, cột nhà đều "lên đời" thành bêtông; còn vách và mái nhà cũng "lên đời" thành tôn. Cải tiến quan trọng nhất, là một tấm cửa kéo bằng sắt trước nhà.

Ông Võ Văn Tùng, 60 tuổi, nguyên trưởng ấp Xóm Mũi, nói rằng ông không phải dân gốc ở đây, mà mới chuyển đến mấy chục năm trước từ TP Cà Mau. "Khi tôi mới đến các ông già kể là thời trước muỗi nhiều lắm, phía dưới sàn nhà phải xông khói nên không làm cửa để muỗi còn chạy ra hai bên", ông Tùng cười.

Những ngôi nhà không cửa, gắn với ký ức về thời khẩn hoang, không chỉ gợi lên vẻ thanh bình. Việc làm ăn dựa vào thiên nhiên khó hơn, vì trước đây hải sản được mười phần thì nay cùng lắm là ba. Bởi thế mà, tuy hầu hết đều ở trong nhà "chân dài" nhưng "đại gia" thì không có mấy.

Bảy Xíu vừa khởi công xây nhà thì ngã bệnh vì vết thương cũ ở chân. Sau 5 tháng trời ở bệnh viện, ông về lại nhà mới khang trang với căn bệnh "viêm màng túi".

Người cựu binh này có 7 người con, chỉ có hai con có đất xây nhà ở đây, còn lại đều "mần thuê, mần mướn" ở Bình Dương, TP HCM. Ông chạy xe ôm chở du khách khi có "show".

Vợ ông Bảy Xíu, bà Trần Thị Nên, vẫn bán "lốc cốc leng keng" để kiếm thêm thu nhập. "Họ thấy hai vợ chồng già nên không ai thiếu", bà Nên nói. Gạo mắm, đồ dùng trong nhà, bà Nên bảo phải cảm ơn đứa con dâu tốt bụng vì nó làm ở thành phố dành dụm gửi về cho.

Những đứa cháu của Bảy Xíu, có đứa phải bỏ học giữa chừng, có đứa cha mẹ ly hôn nên ở với ông bà ngoại, để mẹ đi giúp việc cho một nhà buôn ở xóm bên kia.

Ông Ba Lý cũng chung cảnh "trẻ trông con, già trông cháu". Hai ông bà dựa vào thu nhập còm cõi từ nghề đan lưới (khoảng 6 triệu một tháng) để nuôi hai cháu nội, bốn cháu ngoại.

"Con đi làm xa trả tiền trọ, tiền điện, tiền ăn... nên không có nhiều tiền gửi về nuôi con, mấy đứa nhỏ ngoan, nó bắt ốc để kiếm thêm tiền phụ ông bà", ông Ba Lý tâm sự.

Là đầu mối mua lưới của ngư dân, ông Ba Lý bảo làm biển khó không chỉ vì hải sản giờ ít hơn do nhiều người đánh bắt; mà ngư dân còn bị người nơi khác cướp lưới, thiệt hại cả trăm triệu đồng. "Sau khi cướp lưới, mấy người đi ăn cắp đó có khi còn bán lại cho tôi".

Xóm nhà không cửa ở Đất Mũi
Cả nhà ông Ba Lý đan lưới để mưu sinh trong ngôi nhà không cửa. Ảnh: Phạm Linh.

Nhiều người con Xóm Mũi lớn lên không chọn ở lại quê mà lên thành phố làm công nhân. Nguyên trưởng ấp Võ Thanh Tùng cắt nghĩa thêm, nếu làm biển thì chỉ làm được nửa tháng, còn nửa tháng nghỉ nên thời gian trống nhiều. Thanh niên phần lớn chỉ học hết lớp 9 nên phải đi xa làm công nhân.

Cũng có người phất lên nhờ làm ăn kinh doanh, như Tư Cương, mua đất ở đường lộ để mở một nhà nghỉ, quán ăn. Ông vẫn giữ ngôi nhà ở Xóm Mũi để đi đi về về.

Hay chị Nguyễn Thị Nhân, một tiểu thương mua bán cá mồi (cá phân) cũng xây được một ngôi nhà bằng xi măng sau nhiều năm dành dụm. Chị Nhân đến Xóm Mũi 20 năm trước, để theo cha làm vuông tôm, rồi ở đây buôn bán.

"Hồi mới tới ở nhà chân cao bằng gỗ lá, không cửa, chỉ có một phòng cho ông bà già. Giờ ngôi nhà tôi có hai phòng để tiện cho gia đình sinh hoạt. Giờ có lộ rồi nên cũng phải làm cửa vì sợ trộm", chị Nhân nói.

Ông Trương Văn Sệ, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi nói, do tập quán của bà con sinh sống trong rừng, nước, tính cộng đồng cao, lộ giao thông chưa phát triển, tình trạng trộm cắp hầu như không có, an ninh ổn định.

Nhưng 20 năm qua, dân số gia tăng, đường sá mở rộng. Năm 2000, toàn xã Đất Mũi có gần 2.000 hộ, nay lên 3.400 hộ. Riêng ở Xóm Mũi đã tăng từ 20 hộ, đến gần 300 hộ.

Phần lớn người dân sống bằng ngư nghiệp. Do dân số tăng, nguồn lợi thủy sản, thu nhập bị chia sớt nên người dân không quá phất, nhưng tương đối ổn định, nhà không cửa không còn nhiều như trước và được thay thế bằng nhà khang trang hơn.

"Nhà nước tuyên truyền vận động người dân không khai thác gỗ rừng quốc gia, nên bà con dùng vật liệu sắt, thép, xi măng hoặc gỗ miền Đông như dầu, tràm... để xây nhà", ông Sệ nói.

Để người dân hưởng lợi từ Khu du lịch Vườn quốc gia Đất Mũi (đón 300.000 lượt khách năm 2019), xã đang đề xuất quy hoạch khu dân cư ở Đất Mũi thành các khu du lịch cộng đồng như homestay, nhà hàng, đặc sản, quà lưu niệm...

Những người dân Xóm Mũi đang kỳ vọng vào sự đổi thay. Ông Võ Thanh Tùng khoe, ông có hai đứa cháu đang đi học, một đứa trường tiểu học ở bên kia cây cầu, còn đứa nhỏ học mẫu giáo.

Hàng ngày, ông băng qua cây cầu để chở cháu đi học vào 6h sáng và 16h. "Cho nó học đến chừng nào tốt chừng đó, mà nếu sau này làm du lịch ở quê thì tốt quá", ông Tùng nói.

Khánh Băng, 9 tuổi, cháu của ông Ba Lý thì khoe rằng, bé học giỏi nhất môn Toán, năm nào cũng nhận được giấy khen. Nguyễn Văn Đa, 13 tuổi, anh trai của Khánh Băng, vì hoàn cảnh mà đi học trễ, chỉ học ngang lớp với em nhưng tỏ ra quyết tâm. Cậu già dặn theo kiểu của một đứa con nhà nghèo: "Con muốn làm kỹ sư công nghệ thông tin để xoay xở cho gia đình".

Chế xong ấm trà, tiếp xong khách, làm một hơi thuốc, ông Ba Lý lại tiếp tục đan lưới. Một mét lưới bán với giá 10.000 - 15.000 đồng, trừ đi tiền mua cước, một ngày vợ chồng ông phải đan tầm 20 tấm mới tạm đủ xoay xở nuôi bầy cháu.

Sau 20 năm làm nghề đan lưới, gương mặt trầm tĩnh của ông được khắc thêm nét nhẫn nại. Ông Ba Lý cần mẫn ngồi đan lưới, dường như ông đang muốn dệt lên tương lai của những đứa cháu của mình.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc