Xóa khoảng trống, bảo đảm tính đồng bộ

14:57 | 15/11/2021

3,715 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo Bộ Công thương, Luật Dầu khí hiện hành mặc dù về cơ bản bảo đảm quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà và nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế, nhưng thời gian qua, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện. Đơn cử như nhiều quy định trong pháp luật dầu khí không còn phù hợp, chồng chéo hoặc không rõ ràng, có những khoảng trống giữa các văn bản luật hoặc quy định chưa đủ để điều chỉnh thực tế phát sinh… dẫn đến yêu cầu cấp thiết phải chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí.

Đánh giá về hệ thống cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí hiện nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nhận định, hiện nay, Luật Dầu khí đang điều chỉnh cho hoạt động thượng nguồn (tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí). Đối với hoạt động của các khâu trung nguồn (vận chuyển, lưu trữ và phân phối dầu, khí) và hạ nguồn (chế biến, lọc, hóa dầu) đang điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác, như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại và các hướng dẫn thi hành nằm rải rác ở nhiều văn bản khác. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng.

Cụ thể, theo quy định của Luật Dầu khí, việc phê duyệt dự án đầu tư dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (Điểm b Khoản 2 Điều 38). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động dầu khí thực hiện theo Luật Dầu khí (Điểm đ Khoản 3 Điều 4). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) (công ty 100% vốn của PVN) phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có quy định chưa đồng bộ với Luật Dầu khí về các bước phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành phát sinh các vấn đề chưa được quy định trong hợp đồng dầu khí ký kết theo quy định của Luật Dầu khí ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động dầu khí của nhà thầu (tiền thuê mặt nước, mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong nước, việc các nhà thầu bán chung các sản phẩm của hoạt động dầu khí là đối tượng miễn trừ của Luật Cạnh tranh…). Việc quyết toán chi phí rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí đối với doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định rõ.

Không ít ý kiến cho rằng, một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan, như quy định các bước thực hiện hoạt động dầu khí/dự án dầu khí. Cụ thể như nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí đang được quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật Dầu khí, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần thiết phải đưa vào Luật Dầu khí để nâng cao tính hiệu lực.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cần xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các luật khác để nhà đầu tư tham gia các dự án dầu khí yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án, theo đúng quy định của Luật Dầu khí mà không gặp vướng mắc theo quy định tại các luật khác.

Theo Đại biểu Nhân dân

Kỳ cuối: Kỷ nguyên hợp tác mớiKỳ cuối: Kỷ nguyên hợp tác mới
Kỳ XIX: Mở rộng hợp tác, hỗ trợ phát triểnKỳ XIX: Mở rộng hợp tác, hỗ trợ phát triển
Kỳ XVIII: Bắt đầu những dự án mớiKỳ XVIII: Bắt đầu những dự án mới

DMCA.com Protection Status