Xe khách ngày Tết: Khách hàng không còn là thượng đế

10:35 | 15/01/2012

941 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 – Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, trong những ngày này lượng hành khách tại các bến xe ở Hà Nội đang tăng đột biến. Nhân cơ hội này, nhiều chủ xe khách ở các Bến xe trên địa bàn Hà Nội đẩy giá gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường.

Tằng cường xe phục vụ

Thời điểm này, các bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội đều quá tải lượng hành khách và đa phần hành khách là những người lao động ngoại tỉnh hoặc sinh viên về quê ăn Tết.

Đánh giá về nhu cầu đi lại trong dịp Tết năm nay, Lãnh đạo Ban quản lý Bến xe Hà Nội cho rằng, Tết Dương lịch và Âm lịch năm nay được nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Công ty đã chuẩn bị phương án và tăng cường thêm số lượng phương tiện để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo đánh giá của Công ty quản lý bến xe Hà Nội, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thời gian cao điểm sẽ rơi vào các ngày 20, 21/01/2012 (tức 27, 28 tháng Chạp). Dự báo đợt này lượng khách sẽ tăng 3 – 4 lần so với ngày thường, các bến có khả năng bị ùn tắc cục bộ.

Các bến xe vẫn quá tải, mặc dù đã tăng cường đầu xe để phục vụ người dân về quê ăn Tết.

Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường xe đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, dịp Tết Dương lịch, Công ty tăng cường thêm khoảng 558 lượt xe, chia đều cho 3 bến có số lượng khách tập trung cao (Giáp Bát, Mỹ Đình,Gia Lâm).

Dịp Tết Nguyên đán, số lượng người về quê đông hơn từ 1,5 đến 2 lần so với ngày bình thường, nên lượng xe tăng cường tại các bến hơn 3.000 lượt xe/ngày. Ngoài ra, phương tiện vận tải dự phòng cũng được bố trí để kịp thời giải tỏa nếu lượng khách về bến quá đông, tránh ùn ứ cục bộ. Để đảm bảo an toàn và thuận tiện cũng như tránh tình trạng lợi dụng tăng giá vé.

Trong hai buổi sáng ngày 14 – 15/1, PV Petrotimes đã có buổi khảo sát về giá vé xe khách đi các tỉnh tại Bến xe Giáp Bát. Hầu hết các tuyến xe từ đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Buôn Mê Thuột… đều quá tải khách. Theo Lãnh đạo bến xe khách Giáp Bát, dù bến xe đã chật kín nhưng những ngày tới mới là cao điểm và bến xe sẽ phải phục vụ khoảng 20.000-30.000 lượt khách/ngày.

Nhà xe “bóp cổ” hành khách

Phải chen chúc khổ sở để về được quê, nhưng đó chưa phải là điều mà hành khách bức xúc nhất. Bạn Nguyễn Thúy Dương (sinh viên trường ĐH Hà Nội, quê ở tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: “Ngày thường em về quê, giá vé chỉ 80.000 đồng. Đến hôm nay, em hỏi giá vé xe khách về quê, xe nào cũng hô 150.000 đồng. Có nhiều xe còn đòi với giá cắt cổ 200.000 đồng”.

Đồng cảnh xa nhà, bạn Nguyễn Văn Hải (quê Nghệ An) tậm sự: “Vào những ngày bình thường, mình đi xe khách từ Hà Nội về quê chỉ mất có 130.000 đồng. Không hiểu vì sao, sáng nay mình đi ra bến xe Giáp Bát để bắt xe khách về quê ăn Tết, mới tá hỏa khi giá đi xe về quê đã tăng lên 250.000 đồng”.

Lợi dụng dịp Tết, nhà xe đẩy giá cao ngất ngưởng.

Theo bạn Hải, cuối năm về quê ăn Tết cũng là cuối tháng nên kinh phí chi tiêu đã cạn, để về quê Hải đã phải vay của người thân quen 150 nghìn. Sáng nay ra bến, giá xe đã leo thang nên Hải ngậm ngùi gọi điện cho người thân mang thêm tiền ra để bắt xe về quê.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay ngoài cửa bến Giáp Bát tình trạng cò kéo, tranh giành khách, xe bò ì ạch ngoài đường diễn ra thường xuyên. Tình trạng xe khách xuất phát từ Bến xe Giáp Bát “bóp cổ” hành khách không chỉ có riêng ở tuyến Giáp Bát (Hà Nội) – Thanh Hóa.

Cụ thể, tuyến Giáp Bát – Thái Bình giá ngày thường là 65.000, nay cũng tăng lên 100.000 đồng/vé, tuyến Giáp Bát – Ninh Bình tăng từ 40.000 lên 50.000 đồng/vé… Nhiều nhà xe nhồi khách chật cứng xe.

Cũng như chị Dương, chị Nguyễn Thị Quỳnh (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, quê Nam Định) cho biết: “Những ngày bình thường, tôi về quê, giá vé chỉ 60.000 đồng. Hôm nay, hỏi mấy chiếc xe về Nam Định, họ đều báo giá 100.000 đồng”.

Theo ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Bến xe Giáp Bát, Ban Quản lý bến xe chỉ quản lý trong địa phận bến xe. Còn ở ngoài, lãnh đạo bến xe đã làm việc với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông để đảm bảo quyền lợi cho hành khách. Nhưng hiện nay, có một thực trạng nhức nhối đó là hành khách có thói quen bắt xe khách ở ngoài đường, không mua vé tại bến nên gây khó khăn trong công tác quản lý và giải quyết.

T. Minh