Vũ Bích Thủy với thế giới nghệ thuật “Bên ngoài cửa sổ”

13:15 | 18/01/2019

443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lễ khai mạc triển lãm cá nhân đầu tay của nữ họa sỹ Vũ Bích Thủy (sinh năm 1965 - học nghệ thuật ở Đức và về nước năm 1995) diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, vào lúc 16h ngày thứ Sáu (18/1/2019).  

Triển lãm cá nhân lần đầu của Vũ Bích Thủy được chính nữ họa sĩ đặt tên rất giản dị mà thật gợi cảm: “Bên ngoài cửa sổ”. Mấy chục bức tranh được bày biện hài hòa trong triền lãm tranh cá nhân của Thủy, vừa là kết đọng thành quả, vừa tự nhiên tố giác lồ lộ trạng thái Thủy vẽ, cứ như bị nhập đồng…

vu bich thuy voi the gioi nghe thuat ben ngoai cua so
Sát cửa - Tranh của Vũ Bích Thủy

“Bên ngoài của sổ” hóa ra lại được chính Thủy muốn nhìn thấy, muốn vọng tưởng, muốn khởi phát cái quang cảnh bên ngoài từ sâu thẳm nội tâm bên trong. Cho đến tuổi ngũ tuần, Thủy bỗng bất ngờ vụt hiện tâm thức tròn đầy chín mọng suy tư, nên tất cả những gì Thủy nhìn thấy bên ngoài cửa sổ bỗng trở nên mộng mị và lãng đãng mờ xa, như trong sương hồng của dĩ vãng.

Và do được trào dâng từ đầy đặn nội tâm bên trong, nên cả phòng tranh cá nhân của Thủy đã xuất thần một vẻ đẹp riêng - vẻ đẹp trìu tượng đặc hiệu phương Đông. Bên ngoài bỗng đẹp lung linh ảo diệu, bởi được hắt sáng từ bên trong.

vu bich thuy voi the gioi nghe thuat ben ngoai cua so
Ngày lễ - Tranh của Vũ Bích Thủy

Nên tất cả cảnh vật Thủy vẽ trên toan, chỉ bằng một chất liệu acrylic, tự thân vốn là chất liệu mỏng manh. Cái khó của chất liệu acrylic là có gốc plastic, nên bề mặt tranh khi vẽ thường bị trơn truội. Song, chính điều này đã thách thức và đòi Thủy, vẽ phải dụng công chồng nhiều lớp màu. Do được Thủy kì công bôi quét, đắp phết nhiều lớp dày dặn, tận dụng được mặt tốt của chất liệu này là mau khô, nên các bức tranh của Thủy đã hằn lên hình khối, khiến những cảnh vật giản dị, hiện thực, bỗng mang nặng suy tư thấm thía của người vẽ.

Và càng vẽ Thủy càng say, càng thú vị nghiền ngẫm về cuộc đời và buông thả lòng mình, tự do tìm kiếm đường nét, hình họa và màu sắc cho những bức tranh của mình, vẽ về những đối tượng giản dị: Một bộ đồ bếp thân thuộc, một cảnh phố cổ Hà Nội trong mưa, một khung cửa sổ để ngỏ mơ màng, mảng trời xanh mây trắng trên mái phố, khu vườn nhỏ yên tĩnh và hoa lá cỏ cây… tất cả đều được chính Thủy đặt tên rất thực, cho từng tranh, theo sát cảnh vật ngoài đời: Ngày gió bấc, Nhìn ra phố Bắc, Sát cửa, Nghỉ ngơi, Đón khách, Nắng nhạt, Hoa đầu mùa v.v… Nhưng một khi đã được đi vào tranh của Thủy, tất thảy cảnh vật ấy đều lên hương, lên màu khác lạ, được xô đẩy bất ngờ vào những xiêu lệch bất thường của đường nét, bố cục, và màu sắc… khiến người xem tranh phải kinh ngạc, thậm chí phải choáng váng, vì đẹp lạ.

vu bich thuy voi the gioi nghe thuat ben ngoai cua so

Tranh của Thủy có thể khiến người thưởng ngoạn bỗng không còn để ý đến tên tranh do chính nữ họa sĩ đặt ngẫu nhiên. Thay vì đọc tên tranh Chợ chẳng hạn, ta chỉ thấy ngay, bằng chỉ dấu trực giác, rằng tranh có một bố cục nhấp nhô duyên dáng, với những chuyển động hình tròn, trong hòa sắc trầm mà rực ấm, dường như bao hàm xa xôi một quang cảnh muôn đời đông vui tấp nập của chợ búa làng quê Việt cổ, dù không một chi tiết nào trong tranh mang vẻ nệ thực, tả thực cái chợ quê vốn ồn ào mua bán ngoài đời…

vu bich thuy voi the gioi nghe thuat ben ngoai cua so
PGS. TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, do họa sĩ Thủy là người Việt, và là một người đàn bà Việt sống ở Hà Nội lâu lắc đến mức Hà Nội thành hoài nhớ khắc khoải khi Thủy sống ở châu Âu một khoảng thời gian dài xa xứ, nhằm hoàn tất trình độ đại học Mỹ thuật ở nước Đức. Và trước đó, Vũ Bích Thủy đã từng thi vào Đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu.

Vậy không khó để nhận ra, cái duyên riêng của một tâm hồn nữ nhân Việt trong cái sống, khi hạnh ngộ cái vẽ, học từ hội họa phương Tây, đã tạo tác được những tác phẩm tranh mang phẩm chất trìu tượng phương Đông, chỉ hiện diện bất ngờ và độc đáo trong phong cách vẽ của Thủy họa sĩ.

Và như thế, phải chăng đã hội đủ bằng chứng hội họa sinh động về người đàn bà vẽ Vũ Bích Thủy, chỉ nhìn qua cửa sổ nhà mình ở bãi sông Hồng Hà Nội, đã thấy cả thế giới phong nhiêu bất tận ngoài cửa sổ đấy thôi…

Vũ Bích Thủy, sinh năm 1965 tại Hà Nội Việt Nam.

1995 tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Beclin CHLB Đức

1996 Thạc sỹ Mỹ thuật Đại học Nghệ thuật Beclin CHLB Đức

Triển lãm cá nhân:

2019 - “Bên ngoài cửa sổ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Triển lãm nhóm:

2016 - Triển lãm “Phật giáo và Mỹ thuật" tại Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam.

- Triển lãm “7+” tại phòng tranh Đông Phong, Hà Nội.

2015 - Triển lãm nhóm tại Almaz, Vinhomes - Riverside Hà Nội.

2012 - Triển lãm nhóm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2009 - Triển lãm "Sắp đặt ánh sáng" tại Hà Nội.

2008 - Triển lãm "Vesak 2008" Đại lễ Phật giáo Quốc tế Hà Nội.

- Tham gia "Trại sang tác Quốc tế" tại Malaysia.

2007 - Triển lãm "Ngôi nhà nghệ thuật" tại Hà Nội.

- Triển lãm "Lục giác" tại Hà Nội.

- Triển lãm "Sen đấu Hạ 2" - triển lãm phật giáo tại Hà Nội.

2006 - Triển lãm "Sen đấu hạ 1” - triển lãm phật giáo tại Hà Nội.

2005 - Triển lãm "PACIII" tại Hà Nội.

2004 - Triển lãm "PACIII" tại Bangkok, ThaiLan.

2002 - Triển lãm "Hồn Việt" tại Art Folio, Singapore.

2001 - Triển lãm sắp đặt "Tia lửa", Ngọn lửa, tia chớp, tại Studio Đào Anh Khánh, Gia Lâm, Hà Nội.

2000 - Triển lãm "Đối thoại" tại phòng tranh Tràng An, Hà Nội.

1999 - Triển lãm "Những nữ Nghệ sỹ" tại Trung tâm Văn hóa - Văn minh Pháp tại Hà Nội.

- Triển lãm “Họa sỹ đương Đại châu Á lần thứ 14” tại bảo tàng Fukuoka Nhật Bản.

1998 - Triển lãm "Không gian mở" tại phòng tranh Sông Hồng, Hà Nội

- Triển lãm "Việt Nam thế kỷ 20" tại Brussels, Bỉ

1997 - Triển lãm "Trao đổi Văn hóa Việt Nam - Pháp" tại trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội và trung tâm Văn hóa Văn minh Pháp tại Hà Nội.

- Triển lãm "Hai họa sỹ" tại phòng tranh Tràng An, Hà Nội.

- Triển lãm "Họa sỹ Đương Đại Châu Á" lần thứ 13 tại Ma Cao, Trung Quốc.

1996 - Triển lãm "Nghệ sỹ Việt Nam làm việc tại Berlin", Đức.

1995 - Triển lãm tại phòng tranh"Quer Format" Berlin, Đức.

1993 - Tham gia trại sáng tác Mỹ thuật tại Neubrandenburg, Đức.

- Triển lãm tại phòng tranh "Frieldlandertor" Neubrandenburg, Đức.

1992 - Triển lãm "Nhóm 11" tại Đại học Nghệ thuật Berlin, Đức.

- Triển lãm tại Trung tâm phụ nữ Quốc tế S.U.S.I Berlin, Đức

- Triển lãm tại Trung tâm Văn Hóa "Hải Âu" Berlin, Đức

Đặng Thanh