Vụ ám sát hèn hạ nghị sĩ Airey Neave (phần 1)

13:00 | 31/12/2018

606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Airey Neave, một nghị sĩ hàng đầu của đảng Bảo thủ Anh và người đã được Thủ tướng Margaret Thatcher chỉ định làm Bộ trưởng ngoại giao nếu đảng bảo thủ của ông thắng cử, đã bị ám sát khi ông lái xe ra khỏi bãi đỗ, bên dưới tòa nhà Hạ viện vào ngày 30-3-1979.

Một quả bom, kích hoạt bằng công tắc thủy ngân, đã phát nổ phía dưới chiếc xe hiệu Vauxhall của vị chính trị gia 63 tuổi, khi xe đang trên dốc ra khỏi hầm để xe. Neave, đã chết sau vài giờ do vết thương quá nặng, người lái xe kiêm cận vệ cũng chết ngay tại chỗ, 4 khách bộ hành cũng bị thương do những mảnh vỡ văng ra từ chiếc xe tai nạn.

Chân dung nhà chính trị

Airey Middleton Sheffield Neave (sinh 23-1-1916 – mất 30-3-1979), tại thành phố Abingdon, nước Anh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề luật sư. Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Eton, Neave theo học ngành luật tại Đại học Oxford, khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Neave được tình báo quân đội Anh tuyển dụng.

vu am sat hen ha nghi si airey neave phan 1

Nạn nhân Airey Neave, nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh.

Tháng 5-1940 khi đang thi hành nhiệm vụ tại mặt trận Pas de Calais, miền Bắc nước Pháp, Neave bị mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã bắt giữ rồi đem giam giữ tại Trại tù Stalag ở Balan.

Tháng 4-1941, sau một lần đào tẩu không thành, ông trốn tù thành công lần thứ 2 vào tháng 1-1942. Sau đó, ông tìm cách quay về Anh, tiếp tục làm việc cho tình báo quân đội Anh. Neave làm chức năng thẩm vấn nhiều tên trùm Đức Quốc xã bị bắt giữ, chuẩn bị đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế Nuremberg cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Năm 1949, ông rời tình báo quân đội Anh trở lại với cuộc sống đời thường, hành nghề luật sư rồi được Cơ quan phản gián Anh (MI-5) tuyển dụng. Với sự hỗ trợ ngầm của MI-5, Neave trở thành đại biểu Quốc hội Anh, thành phố Abingdon vào năm 1950. Đến 30-6-1953, ông được bầu làm Nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Bảo thủ Anh đến khi mất.

Với tư cách là Nghị sĩ Quốc hội, ông được MI-5 giao nhiệm vụ chính trị đánh giá, phân tích xu hướng thân Liên Xô, bài Mỹ của một số nghị sĩ khác thuộc cả hai đảng Bảo thủ và Lao động. Sau đó, ông cùng MI-5 lên kế hoạch cô lập và tìm mọi cách kể cả dùng tiền bạc và gái đẹp, để làm lung lạc ý chí những người này hoặc gài bẫy họ.

Neave đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc chỉ ra 3 nghị sĩ có tư tưởng thân Liên Xô cho MI-5, trong thập niên 70. Ông cũng là người tổ chức triển khai điệp vụ "Bộ máy đồng hồ màu cam", nhằm lật đổ chính phủ của đảng Lao động do Harold Wilson làm thủ tướng vì cho rằng, vị thủ tướng này có xu hướng thân Liên Xô.

vu am sat hen ha nghi si airey neave phan 1

Airey Middleton Sheffield Neave vị chính trị gia nổi tiếng nước Anh

Năm 1975, Airey Neave là người đứng đầu các hoạt động tranh cử để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ của bà Margaret Thatcher. Neave được bà Thatcher hứa sẽ trao chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao, nếu đảng Bảo thủ thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 4-1979. Tuy nhiên, chỉ hai tuần trước khi diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội, Neave đã bị giết hại bởi một quả bom gài dưới gầm xe phát nổ vào chiều ngày 30-3-1979.

Điều tra vụ sát hại

Vào16.45 phút, ngày 30-3-1979, khi vừa rời bãi đỗ xe hơi của tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London chừng 6 phút, chiếc xe chở Nghị sĩ Quốc hội Airey Neave bỗng phát nổ khiến ông và người lái xe kiêm cận vệ chết ngay tại chỗ. 4 khách bộ hành cũng bị thương do những mảnh vỡ văng ra từ chiếc xe bị nạn. Đây là vụ sát hại chính trị gia duy nhất xảy ra trong tòa nhà Quốc hội Anh kể từ trước đến nay và đã gây ra sự phẫn nộ lớn trong công luận.

Điều tra của cảnh sát sau đó cho biết vụ nổ xảy ra bởi một quả bom tự tạo, có thiết bị hẹn giờ, tất cả được cài dưới gầm xe của nghị sĩ Neave để sát hại ông. Đây là một kiểu đánh bom thường do các tổ chức vũ trang đòi độc lập cho Bắc Ailen gây ra. Thế nhưng, không giống các vụ đánh bom khủng bố trước đây, nhiều ngày sau vẫn không có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom giết hại nghị sĩ Neave. Câu hỏi đặt ra cho cảnh sát là ai đã tổ chức đánh bom giết hại ông? Vì những mục đích gì?

(còn tiếp)

Thiên Phú