“Vỡ trận” đào tạo tiến sĩ

07:30 | 31/01/2018

716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) giai đoạn 2006-2020 (Đề án 911) đã chính thức thất bại với kết quả đáng thất vọng. Dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả đề án và việc lãng phí nguồn lực đầu tư cho đề án.

Kết quả quá hạn chế

Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 của Thủ tướng (Đề án 911) có tổng kinh phí 14.000 tỉ đồng với mục tiêu đào tạo ít nhất 20.000 TS. Cụ thể, sẽ đào tạo khoảng 10.000 TS ở các trường ĐH có uy tín trên thế giới; 3.000 TS theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài và khoảng 10.000 TS ở trong nước. Riêng giai đoạn 2012-2016, chỉ tiêu đào tạo nghiên cứu sinh là 12.800 người gồm các hệ: đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài và đào tạo phối hợp.

vo tran dao tao tien si
Đào tạo tiến sĩ (ảnh minh họa)

Thế nhưng, khi mới triển khai đến hết năm 2016, đề án đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiến Bộ GD&ĐT buộc phải dừng tuyển sinh từ năm 2017. Theo kết quả tuyển sinh, trong giai đoạn 2012-2016 mới tuyển được 2.062 nghiên cứu sinh (NCS) đào tạo trong nước, đạt 36% chỉ tiêu. Trong đó, có 703 NCS đến thời hạn kết thúc thời gian nghiên cứu nhưng mới chỉ có 165 NCS hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công luận án đúng thời hạn (đạt tỷ lệ hơn 23%). Đối với đào tạo phối hợp, chỉ có 1 NCS đang học tập nghiên cứu tại Pháp, trong số 1.300 chỉ tiêu của giai đoạn 2012-2016.

Ngoài ra, một thực tế cho thấy, Đề án 911 vô tình lại trở thành “cơ hội” để các nước “mồi chài” các nhân tài của nước ta, khiến đề án “vỡ” ngay từ những năm đầu thực hiện. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số NCS đào tạo ngoài nước bỏ học là 45 người. Số NCS hoàn thành khóa học về nước là 549 NCS, đạt 75% số NCS hết thời hạn nghiên cứu. Có 7 NCS được cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không quay về cơ sở đào tạo cử đi học, phải bồi hoàn 9,364 tỉ đồng nhưng 4 NCS chưa thực hiện bồi hoàn số tiền 4,513 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo kết quả do Kiểm toán Nhà nước công bố vào tháng 1-2018, điều kiện đầu ra theo Đề án 911 của Bộ GD&ĐT yêu cầu cao hơn so với đào tạo TS nói chung, nhưng trên thực tế, chương trình đào tạo không khác biệt nhiều so với đào tạo TS đại trà. Được đầu tư 9 tỉ đồng để trang bị cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nhưng kết quả kiểm toán lại chỉ ra, các trung tâm này đều có dấu hiệu hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Đối với kết quả này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gồm: Học phí của NCS tại Cục Hợp tác Quốc tế (từ năm 2012 đến tháng 7-2017) hơn 50 tỉ đồng; các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng; thu hồi kinh phí do NCS bỏ học hơn 207 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỉ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng. Đối với các bộ, ngành kiểm tra đối chiếu tổng số xử lý tài chính là hơn 6,3 tỉ đồng.

“Bình mới rượu cũ”?

Sau sự thất bại của đề án 14.000 tỉ đồng, Bộ GD&ĐT đã ngay lập tức xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025” với mục tiêu đào tạo 9.000 TS.

Nguồn kinh phí 12.000 tỉ đồng của đề án này được lấy chủ yếu từ Đề án 911 (10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án 911) và 1.800 tỉ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án. Theo đề án này, sẽ đào tạo khoảng 5.000 TS ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Từ năm 2018 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng 600-700 NCS đi đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, sẽ đào tạo khoảng 2.000 TS tại các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam và thu hút khoảng 1.500 TS đang công tác ở nước ngoài đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam...

Tuy nhiên, đề án này đã vấp phải sự nghi ngại của dư luận, bởi “bài học” của Đề án 911 quá lớn mà chưa có sự rút kinh nghiệm nghiêm túc từ phía ngành giáo dục. Và trong khi chưa bù đắp được thiệt hại do Đề án 911 gây ra, việc gấp rút triển khai ngay đề án đào tạo TS khác cũng khiến dư luận lo ngại về việc sử dụng ngân sách trong lĩnh vực đào tạo.

vo tran dao tao tien si
TS Nguyễn Tùng Lâm

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, phải phân tích rõ tại sao Đề án 911 không thành công, đó là vì không có được nguồn tuyển dồi dào do NCS không thích đi học bằng đề án này. Những người giỏi sẽ tìm cách xin học bổng của chính phủ nước ngoài và điều này với họ không khó.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Việc đánh giá bằng con số như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố là rất thuyết phục, rõ ràng kết quả đạt được của Đề án 911 rất thấp so với các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong quản lý, điều hành, bởi việc đánh giá hiệu quả của đề án không chỉ là việc đếm số lượng tuyển sinh (đầu vào) và tốt nghiệp (đầu ra)”.

vo tran dao tao tien si
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta cũng phải xem lại chất lượng, giá trị của bằng cấp ấy hiện nay đến đâu. Giá trị đó không phải là tính xem việc đào tạo ở đâu, đào tạo ở trường nào, mà quan trọng nhất là có đáp ứng được mục tiêu tăng cường chất lượng giáo dục đại học hay không. Đó là điều cần thiết và tiêu đồng tiền của dân thì phải thận trọng”.

Khi thất bại của Đề án 911 chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, thì Bộ GD&ĐT cần đánh giá và xem xét một cách minh bạch nên hay không triển khai đề án mới. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần đánh giá lại mục tiêu giáo dục, bởi chưa chắc, số lượng TS tăng là nâng cao được chất lượng giáo dục, là thành công trong đổi mới căn bản toàn diện. Bởi, dù nhu cầu thực tế về nhân lực TS ở các cơ sở giáo dục đại học lớn, nhưng không phải đánh đổi tiền thuế của người dân lấy các “tiến sĩ giấy”.

Theo Kiểm toán Nhà nước, điều kiện đầu ra theo Đề án 911 yêu cầu cao hơn so với đào tạo TS nói chung, nhưng trên thực tế, chương trình đào tạo không khác biệt nhiều so với đào tạo TS đại trà.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.