Vinacomin: Gia tăng sản lượng phải đi đôi với bảo vệ môi trường

14:03 | 23/08/2013

854 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là nhà sản xuất than chính ở Việt Nam với 95% tổng sản lượng cung cấp cho nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu. Năm 2011 so với năm 2005 (năm đầu thành lập) sản lượng than thương phẩm đạt 44,7 triệu tấn, tăng gấp 4 lần, doanh thu 102 ngàn tỉ đồng, tăng gấp 6 lần, nộp ngân sách 16.600 tỉ đồng, tăng gần 15 lần. Việc gia tăng sản lượng than kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường, Tập đoàn luôn phải gắn công tác phát triển với bảo vệ môi trường.

Ứng dụng KHCN giúp tăng trưởng nhanh   

   TS Nguyễn Tiến Chỉnh  

TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng Ban KH-CN & Chiến lược phát triển Vinacomin cho biết: "Vinacomin đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ KHCN, xây dựng tiềm lực KHCN. Tập đoàn đề ra 10 chương trình  KHCN trọng điểm hướng vào các hoạt động: cơ giới hoá, hiện đại hoá các mỏ than và khoáng sản, phát triển công nghệ sàng tuyển, chế biến sâu, sản xuất an toàn, sản xuất sạch hơn, nâng cao năng lực quản lý, tiết kiệm năng lượng…"

Trong 5 năm (2006-2010), Tập đoàn đã thực hiện hơn 1140 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí gần 2000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 80% từ nguồn vốn tự có và vốn vay của các đơn vị cơ sở. Công tác trắc địa, sử dụng công nghệ chụp ảnh và xử lý hiện đại ảnh hàng không, viễn thám. Công tác địa chất sử dụng công nghệ khoan sâu (1000-2000m), khoan nghiêng định hướng thăm dò và đo địa vật lý xác định cấu trúc địa chất.  

Trong khai thác hầm lò, đã thiết kế, xây dựng các mỏ với mức độ cơ giới hóa cao, thiết bị hiện đại, công suất lớn (Hà Lầm, Núi Béo, Khe Chàm II-IV…); Sử dụng các loại vỉ chống thủy lực thay thế gỗ, công nghệ khấu than bằng máy trong đồng bộ thiết bị cơ giới hóa tại các mỏ: Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu… với các loại giàn chống tự hành: ZZ, ZT… Đồng bộ hoá thiết bị khoan, máy xúc, dây chuyền vận tải trong đào chống lò đá; áp dụng công nghệ mới làm tăng năng suất lao động, tăng độ an toàn, giảm tiêu hao gỗ, thuốc nổ, góp phần bảo vệ môi trường.      

   

Hệ thống cột chống thủy lực tại mỏ than Hà Lầm  

Trong khai thác lộ thiên, đã nghiên cứu, lựạ chọn, áp dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như máy xúc cáp EKG, máy xúc thuỷ lực 12m3/gầu, ô tô trọng tải 100 tấn, máy khoan đường kính lớn, đồng bộ các loại thiết bị xúc, khoan phù hợp với điều kiện từng mỏ, áp dụng công nghệ đào sâu đáy mỏ, tàu hút bùn để chống bùn nước mùa mưa…

Các nhà máy tuyển than công suất lớn được cải tạo, đầu tư công nghệ mới để sản xuất các loại than cám chất lượng cao, phát triển hàng loạt cụm dây chuyển tuyển bằng công nghệ huyền phù tự sinh để tuyển các loại bã sàng và than nguyên khai chất lượng thấp. Lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu GPS cho các phương tiện vận tải, cải tạo nâng cấp cảng, thiết bị bốc rót than tại các khu vực Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí… vừa tăng hiệu quả, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giải bài toán môi trường  

Quảng Ninh là vùng than lớn nhất nước, đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của ngành than, cũng là vùng đất có tiềm năng du lịch lớn, đặc biệt là Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới. Gia tăng sản lượng than tại vùng đất nhạy cảm này là bài toán khó.  

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh cho hay: "Giải pháp chủ yếu của Vinacomin là phát triển công nghiệp than một cách hài hòa với địa phương và cộng đồng, thân thiện với môi trường như: Tăng cường trách nhiệm và đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường quá khứ, giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất hiện tại và tương lai. Áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại trong khai thác than bằng phương pháp hầm lò, khống chế ô nhiễm phát sinh ngay tại nguồn.

Ưu tiên khai thác than lộ thiên với hệ số bóc tối ưu để tận thu than; Quy hoạch vị trí đổ thải hợp lý, tận dụng tối đa các bãi thải trong, áp dụng công nghệ đổ thải phân lớp, xây dựng hệ thống thu gom nước tại chân tầng và ngang tầng bãi thải để thoát nước và xử lý nước mặt.  

Đối với bãi thải nhà sàng, tạo vành đai tường chắn để chống trôi lấp đất, bùn ra xung quanh. Việc bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc được tiến hành theo hướng kết hợp kinh doanh môi trường với bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc triển khai xây dựng mới các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, Vinacomin còn khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá khứ.   

Khu cải tạo môi trưng tại mỏ than Đèo Nai

Hiện có 9/11 cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Chính phủ. Tất cả các bãi thải đã dừng đổ thải đều lập kế hoạch cải tạo, phủ xanh bằng các loại cây có khả năng sinh trưởng mạnh để khôi phục hệ thực vật và chống sói mòn. Mỗi năm Tập đoàn chi 600-700 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường.

Tất cả các mỏ đều lập báo cáo đầu tư mỏ, cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường, nộp phí bảo vệ môi trường…Tại 145 đơn vị có nguồn chất thải nguy hại với khối lượng 2.183 tấn/năm đã thuê vận chuyển, xử lý.

Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Vinacomin được triển khai có hiệu quả như: Chương trình hợp tác VINACOMIN-RAME (CHLB Đức) để giảm thiểu bụi tại mỏ than Núi Béo, phục hồi môi trường và tái sử dụng đất sau khai thác mỏ tại Công ty than Hà Tu, Núi Béo…; hợp tác với MIRECO (Hàn Quốc) xử lý bãi thải, nước thải mỏ, nhiễm độc đất…  

Việc nghiên cứu, áp dụng KHCN tiên tiến trong khai thác, chế biến than cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ giúp Vinacomin gia tăng sản lượng mà còn giảm thiểu ô nhiễm… góp phần để Tập đoàn phát triển bền vững và tạo cảnh quan tươi xanh trên đất mỏ.   


T.Nga