Viễn cảnh của các dự án LNG tại Nga

15:42 | 30/11/2020

|
(PetroTimes) - Theo ước tính của các công ty dầu mỏ hàng đầu, LNG đóng một vai trò ngày càng tăng trong cơ cấu tiêu thụ toàn cầu. Nga là nước dẫn đầu ngành công nghiệp khí đốt toàn cầu, tuy nhiên, thị trường LNG chỉ chiếm 4,2-4,5%.
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng mạnhNhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng mạnh
Dự án LNG duy nhất trên thế giới trong năm 2020Dự án LNG duy nhất trên thế giới trong năm 2020
Viễn cảnh của các dự án LNG tại Nga

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt hiện nay và sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với thị trường LNG, các công ty dầu khí của Nga đang xây dựng chiến lược mới căn cứ tình hình kinh tế và địa chính trị. Theo ước tính lạc quan của Bộ Năng lượng, nhờ có được chính sách cạnh cạnh tranh trong nước, Nga có thể tăng tỷ trọng xuất khẩu LNG từ 4,5% hiện nay lên 15-20%. Cụ thể, đến năm 2025, Nga sẽ đạt thị phần LNG toàn cầu là 10%, và đến năm 2030 - 13%.

Cho đến nay, Nga có hai công ty LNG lớn là Yamal LNG với công suất 16,5 triệu tấn (liên doanh Novatek (50,1%), Total (20%), CNPC (20%), Silk Road Fund (9,9%)); Công ty Sakhalin-2 với công suất 9,6 triệu tấn, nhà điều hành là Sakhalin Energy – liên doanh giữa Gazprom và Shell. Hầu hết các cơ sở sản xuất LNG tập trung ở phía bắc, trên bán đảo Yamal và Gydan với trữ lượng khí đốt ước tính vượt 38 nghìn tỷ mét khối.

Các công ty dầu khí nắm các dự án xây dựng nhà máy quy mô lớn như Gazprom (Giai đoạn thứ ba của Sakhalin-2, Shtokman LNG, Baltic LNG, Vladivostok LNG), Rosneft (LNG Viễn Đông), Alltech Group (Pechora LNG) và Novatek (Arctic LNG- 2) dự kiến sẽ ra mắt các nhà máy hóa lỏng khí đốt mới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa là thị trường chính và vừa là nguồn đầu tư tiềm năng. Năm 2019, Tổng Thống Putin và Thủ Tướng Nhật Bản Abe đã ký một Hiệp ước, theo đó Nhật Bản đầu tư 3 tỷ USD vào phát triển dự án Arctic LNG-2 ở Bắc Cực với công suất 6,6 triệu tấn LNG/năm cho giai đoạn 1 đến năm 2023 (giai đoạn thứ hai của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024 và giai đoạn thứ ba vào năm 2026). Vào tháng 11 năm 2020, tổ hợp đóng tàu Zvezda đã bắt đầu chế tạo các tàu chở LNG cho dự án Arctic LNG-2, phục vụ nhu cầu của Novatek. Kinh phí xây dựng sẽ do VEB.RF cung cấp. Xuất khẩu LNG tăng 54,5% do nhà máy hóa lỏng đầu tiên của Novatek - Yamal LNG đi vào hoạt động với công suất 16,5 triệu tấn/năm. Novatek đã trở thành nhà sản xuất LNG tư nhân đầu tiên ở Nga và chiếm khoảng 5% thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều dự án LNG khác vẫn còn trên giấy, và có một số lý do giải thích cho việc này.

Lý do đầu tiên là việc các hạn chế đối với xuất khẩu LNG. Trước khi được tự do hóa một phần hoạt động xuất khẩu LNG vào năm 2013, ngoài Gazprom thì chỉ có Novatek và Rosneft đáp ứng quy định của nhà nước về khai thác ngoài khơi. Tập đoàn Alltech, có kế hoạch xây dựng một nhà máy LNG 4 triệu tấn ở Khu tự trị Nenetsk đã không được cấp phép. Để có được quyền xuất khẩu, vào tháng 5 năm 2014, Alltech đã ký kết một thỏa thuận khung với Rosneft để thành lập một liên doanh xuất khẩu LNG (hiện tại dự án Pechora của Alltech đã được bán cho đối tác để phục vụ mục đích như đã nêu ở trên).

Lý do thứ hai là các biện pháp trừng phạt và sự phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Vào tháng 8 năm 2015, dự án Sakhalin-3 bị áp đặt lệnh cấm cung cấp thiết bị cho mỏ Nam-Kirin. Dự án không thể tiếp tục triển khai mà không sử dụng các tổ hợp khai thác dưới nước, được sản xuất bởi Aker (Na Uy) và Cameron (Mỹ), GE Subsea và FMC Technologies. Các biện pháp trừng phạt hạn chế phần nào khả năng tìm kiếm tài chính từ phương Tây của Novatek cho dự án Yamal LNG. Các nguồn tài chính cho dự án này trước đó được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thu xếp.

Lý do thứ ba là tranh giành lợi ích với Gazprom, liên quan đến các dự án dở dang là Nord Stream 2, TurkStream và Sila Siberia.

Lý do thứ tư là xung đột lợi ích. Việc thực hiện một số dự án LNG đang bị cản trở bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Shell và Exxon, song song với việc tham gia vào các dự án ở Sakhalin cũng đang phát triển các dự án LNG tại Mỹ, vì vậy trong trường hợp sản xuất quá mức trên thị trường sẽ có nguy cơ xung đột lợi ích.

Hiện nay, Qatar là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu LNG, chiếm khoảng 30% thị trường và bán được khoảng 80 triệu tấn/năm. Với những vấn đề cơ bản như vậy, sẽ không dễ để thực hiện dự báo của Bộ Năng lượng Nga để tăng sản lượng LNG lên 37,5 tỷ mét khối vào năm 2024 và cạnh tranh được với Qatar.

Viễn Đông