Việc đặt tên cho cấu tạo, mỏ dầu khí trên Biển Đông

10:57 | 26/11/2014

5,286 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong quá trình thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí, khi phát hiện những cấu tạo mà các nhà chuyên môn hy vọng có khả năng chứa dầu khí thì người ta đặt tên cho cấu tạo đó.

Việc đặt tên này tùy thuộc vào người đầu tư, trên thế giới không có một chuẩn mực tham chiếu nào. Sau này khi khoan các giếng thăm dò, nếu phát hiện cấu tạo đó có chứa dầu khí với trữ lượng thương mại thì ta tiến hành các hoạt động khai thác và giữ tên cấu tạo thành tên mỏ dầu khí. Thí dụ cấu tạo đặt tên là “Rạng đông”, sau này phát hiện dầu chứa trong cấu tạo đó có trữ lượng thương mại, công ty Việt Nhật (JVPC) tiến hành phát triển mỏ và khai thác dầu tại cấu tạo đó và mang tên mỏ (dầu) “Rạng đông”. Tương tự như vậy ta có cấu tạo/mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng v.v...

Sau năm 1968, Mỹ thực hiện chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, ngoài việc cung cấp ồ ạt hàng tiêu dùng cho Miền Nam (xe máy, tivi, tủ lạnh…), chính phủ Việt Nam Cộng hòa chia thềm lục địa phía Nam thành các lô vuông có cạnh là 45’ kinh tuyến và 45’ vĩ tuyến với diện tích khoảng 7.000km2 để gọi thầu đợt 1 ngày 15/8/1971 cho các công ty dầu khí Mỹ và phương Tây.

Tháng 2/1974 tổ chức gọi thầu đợt 2 với số lô phân chia lại theo hình chữ nhật có cạnh là 30’ theo kinh tuyến và 45’ theo vĩ tuyến, với diện tích khoảng 4.000km2. Bộ máy tuyên truyền đã thổi phồng tiềm năng dầu khí của miền Nam với trữ lượng siêu lớn, ví như trữ lượng dầu khí của Trung Đông chỉ bé bằng “con tem dán lên lưng con voi”.

viec dat ten cho cau tao mo dau khi tren bien dong

Mỏ Lan Tây

Nhiều công ty dầu khí Mỹ đã trúng thầu kí các “hợp đồng đặc nhượng” về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (TKTD, KT). Sau này nhiều cấu tạo được phát hiện, họ đến văn phòng Ủy ban quốc gia Dầu hỏa tham khảo ý kiến về đặt tên cho các cấu tạo/giếng khoan. Có ý kiến định đặt tên các vị anh hùng nhưng sợ không tìm thấy dầu thì mấy ngài ấy mang tiếng. Nếu lấy tên tỉnh hoặc thành phố thì tại sao là tên thành phố này mà không là thành phố khác, bên trọng bên khinh? Văn phòng lúc đó đưa ra gợi ý lấy tên con thú hoặc cây trái, hoa lá. Công ty Mobil chọn tên thú rừng như Bạch Hổ, Đại Hùng (gấu). Công ty Esso chọn tên chim Đại Bàng. Công ty Pecten (tổ hợp Shell và Cities Services) chọn tên thực vật như Hồng, Dừa, Mía. Với cách đặt tên này, khi gọi tên cấu tạo/giếng khoan thì ta biết ngay được là công ty nào.

Ngày 3 tháng 9 năm 1975, Tổng cục Dầu khí (TCDK) được thành lập, là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về dầu khí, cũng được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, thềm lục địa Việt Nam; được chính phủ ủy quyền ký hợp đồng với các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Để tránh xáo trộn tư liệu về TKTD liên quan đến các lô do các công ty dầu khí đã làm trước 1975 và để thuận lợi cho công tác quản lý, TCDK quyết định giữ nguyên hệ thống lô (có điều chỉnh số thứ tự) và giữ tên các cấu tạo/giếng khoan đã đặt. TCDK đã phân chia vịnh Bắc bộ, biển miền Trung thành các lô và đặt tên các lô ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ bắt đầu bằng số thứ tự: 101, 102, 103 v.v...

Các cấu tạo phát hiện sau này, ta chấp nhận tên các cấu tạo/mỏ do nhà thầu đề nghị đặt hoặc hai bên cùng bàn thống nhất. Vì vậy, nhà thầu JVPC (Công ty Việt Nhật) đặt tên mỏ Rạng Đông, Vừng Đông; nhà thầu Petronas có mỏ Ruby (hồng ngọc), Emerald (lục ngọc); nhà thầu KNOC Hàn quốc có mỏ Rồng Đôi, Rồng Nhảy; Nhà thầu ConocoPhilips có mỏ Sư tử Đen, Sư tử Nâu, Sư tử Vàng, Sư tử Trắng. Ở Vịnh Bắc Bộ ta có tên cấu tạo: Vải thiều (nhà thầu OMV- Áo), Cá voi Xanh (nhà thầu BP- Anh quốc trước đây và sau này Exxon Mobil vẫn giữ tên cấu tạo/mỏ Cá Voi Xanh)

Các chuyên gia dầu khí của Petrovietnam, còn lấy địa danh đặt tên cho cấu tạo/mỏ dầu khí. Thí dụ ở vịnh Bắc Bộ ta có cấu tạo mang tên Yên Tử, Hàm Rồng, ở thềm lục địa phía Nam ta có cấu tạo mang tên Thăng Long, Đông Đô…

Việc đặt tên cho giếng khoan

Theo thông lệ quốc tế, tên các giếng khoan đặt theo số thứ tự và gắn liền với tên cấu tạo/mỏ. Thí dụ giếng khoan số 1 ở cấu tạo/mỏ Bạch Hổ có tên là BH-1, rồi BH-2, BH-3...; ở cấu tạo/mỏ Rạng Đông có tên là RD-1, RD-2… Đôi khi còn ghi tên lô đứng trước tên cấu tạo thí dụ giếng khoan số 1 ở lô 06 trên cấu tạo Lan Tây ghi như sau: Lô 06-Lan Tây-1

Lưu ý, để phân biệt giếng khoan tìm kiếm thăm dò với các giếng khác, người ta ký hiệu thêm chữ X (exploration) sau thứ tự các giếng. Thí dụ giếng khoan TKTD đầu tiên tại cấu tạo Bạch Hổ ghi là BH-1X, các giếng TKTD tiếp theo là BH-2X… Giếng TKTD tại cấu tạo Rạng Đông là RD-1X, RD-2X, Dừa-1X, Dừa 2X…

Hoạt động dầu khí trên đất liền (nằm ở phía đông nam châu thổ Sông Hồng), các chuyên gia dầu khí trước đây đã đặt tên cấu tạo/mỏ, theo địa danh như cấu tạo/mỏ khí Tiền Hải, cấu tạo Tiên Hưng. Tuy nhiên, tên các giếng khoan vẫn đánh theo số thứ tự cho cả vùng nên việc tra cứu và quản lý chưa hẳn thuận lợi.

Ths kinh tế dầu khí, Ks: Đỗ Văn Hà

DMCA.com Protection Status