Vì sao văn hóa xuống cấp?

11:00 | 26/03/2013

3,514 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chưa bao giờ văn hóa lại được bàn nhiều đến như hiện nay với nhiều vấn đề bức xúc. Người ta cho rằng, văn hóa đang loạn chuẩn, đang thay đổi theo chiều hướng “ngược 180 độ” so với những gì được cho là giá trị trước đây. Và dưới góc độ nghiên cứu, hiểu biết của mỗi người, nguyên nhân được đưa ra rất khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, với sự nhạy cảm và quan sát của một người theo nghiệp chữ nghĩa đã có bài: “Sự bất hiếu ngọt ngào” để nói về cách đối nhân xử thế của con cái đối với cha mẹ hiện nay chỉ lấy tiền làm trọng, lấy tiền để bày tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo… và coi đó là đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của một người con đối với bậc sinh thành, những người vẫn được coi là công lao “cao hơn núi lớn hơn sông”. Trong khi những giá trị tinh thần, những chuẩn mực, tôn ti trật tự cần phải có trong gia đình, trước hết và quan trọng nhất là tình mẫu - tử, phụ - tử lại bị xem nhẹ, thậm chí coi như không cần thiết.

Bài viết đã cảnh tỉnh và trở thành chiếc gương cho nhiều lớp người, trong đó, đặc biệt là văn nhân, trí thức, tầng lớp thị dân soi vào để nhìn nhận “lòng thơm thảo” của mình đang đến độ nào. Bởi cái cách bày tỏ “lòng hiếu thuận” ấy phần nhiều diễn ra ở tầng lớp này. Bài viết cũng cho thấy văn hóa gia đình, giá trị đạo đức của con người đang thay đổi so với chuẩn mực vẫn được coi là chuẩn mực nhất từ trước tới nay. Không chỉ trong gia đình mà ngoài đường, chỉ cần đi dọc theo những con phố hoặc các quán “nhậu” vào giờ tan học, tan tầm ở các công sở, những cảnh tượng, ứng xử chứng minh văn hóa xuống cấp diễn ra vô vàn trước mắt như thể bây giờ đó là chuyện “nhỏ”.

Di sản thế giới Vịnh Hạ Long được đối xử "văn hóa" như thế này

Nào là văng bậy, chửi tục, la lối, hò hét gây “đinh tai nhức óc” cho người khác. Nào là quần áo “hớ hênh”, hở hang mặc ra phố làm đỏ mặt người nhìn thấy. Nào là tiểu, đại tiện ngay giữa phố v.v… và v.v… Nói chung ở mặt nào của đời sống cũng thấy chuyện văn hóa xuống cấp. Nhưng không gì thiếu văn hóa bằng, xấu hổ bằng tại một cơ quan văn hóa nằm ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, lại giữa phòng lễ tân, nơi không chỉ có người qua đường mà còn biết bao nhiêu khách khứa của chính cơ quan đó qua lại, một viên chức đang hùng hổ, sấn sổ đúng như một “giang hồ chính hiệu” xông vào đánh một viên chức khác trước sự chứng kiến của nhiều người. Hôm ấy, hầu hết những người đứng đó đã lắc đầu thất vọng: “Những người làm công tác văn hóa, văn hóa còn chưa “chuẩn mực” như vậy thì huống hồ…”.

Vẫn là chuyện những người làm văn hóa thiếu văn hóa. Là thành viên ban giám khảo của một chương trình giải trí lớn trên truyền hình, nhưng cô nổi tiếng hơn với vai trò người mẫu, bởi có thể nói cô là một trong những người “đặt những viên gạch đầu tiên” cho nghề sải “catwalk” ở Hà Nội. Với kinh nghiệm của một người mẫu và quan trọng hơn là một người tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, cô được một tờ báo lựa chọn để phỏng vấn cho đề tài giữ gìn nhan sắc. Thế nhưng, khi phóng viên của tờ báo đề nghị được thực hiện phỏng vấn, cô đã trả lời như thế này: “Ôi, chị ở quê ấy mà, có biết gì về giữ gìn nhan sắc đâu mà hỏi. Người quê như chị không biết gì đâu…”.

Ai cũng biết, cô sinh ra và lớn lên giữa thủ đô Hà Nội, sau khi lấy chồng thì vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp. Cô tham gia công tác điều hành tại một công ty chuyên đào tạo người mẫu và đưa những người đẹp ra “đấu trường” sắc đẹp quốc tế… Cho nên với cách trả lời như vậy, rõ ràng nói dân dã như một số người là “đểu”. Mà đã “đểu” thì không thể đúng, xứng với một người đang ngồi ở vị trí giám khảo một chương trình văn hóa trên truyền hình như cô.

Giải thích cho tình trạng văn hóa xuống cấp này, nhiều nguyên nhân được đem ra mổ xẻ, phân tích. Trong đó, có nguyên nhân cho rằng: Do Việt Nam trải qua 3 thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử ấy là: hơn 1.000 năm chịu đô hộ của chế độ phong kiến phương Bắc, dẫn đến ảnh hưởng sâu sắc về văn hóa, tư tưởng trong đời sống xã hội. Tiếp đến là thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm và xây dựng những phong trào văn hóa, nhằm ru ngủ người Việt, đồng thời phá bỏ nền tảng văn hóa Trung Hoa đã ăn sâu vào “cội rễ” ở đây. Chính sự “chuyển giao” này đã khiến cho văn hóa rơi vào thời kỳ “loạn chuẩn” lần thứ nhất do âm mưu đồng hóa.

Từ khi mở cửa đến nay, với mở cửa hội nhập, giao lưu… về mọi mặt, trong đó có văn hóa. Nhưng chính trong sự giao lưu này lại xảy ra xung đột giữa 2 xu hướng: ủng hộ văn hóa phương Tây, “tẩy chay” những giá trị văn hóa dân tộc và ngược lại. Với những xung đột xu hướng văn hóa như vậy, có thể thấy những giá trị riêng mang tính cốt lõi, nền tảng trong xu hướng hội nhập phát triển của đất nước chưa được xác lập một cách rõ ràng và từ sự xác lập chưa rõ ràng, dẫn đến tính bền vững, ổn định của văn hóa dân tộc chưa được bảo tồn, nhất là trong hoàn cảnh bùng nổ thông tin đại chúng, nhưng công tác kiểm soát lại chưa được như ý như hiện nay. Thêm vào đó, việc quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng chăm lo đến đời sống tinh thần càng làm cho sự bất ổn này của văn hóa tăng cao. Cho nên, đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho loạn chuẩn hay văn hóa xuống cấp như hiện tại.

Nhạc sĩ Dương Thụ, tác giả của nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng, bên cạnh sự tinh tế, nhạy cảm của một nghệ sĩ còn là người có cách đánh giá khác về nguyên nhân dẫn đến văn hóa xuống cấp. Ông cho rằng, “xã hội nào thì văn hóa ấy”; “xã hội nào thì con người ấy”, nghĩa là con người là sản phẩm của một xã hội. Xã hội đề cao cái gì thì con người sẽ đề cao cái đó. Và có lẽ sự phân tích của ông là thực tế nhất, khái quát nhất, đồng quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Ông nói với báo giới: “Cái mà hình như chúng ta đang khuyến khích là làm cách nào để kiếm thật nhiều tiền, để trở thành triệu phú. Còn chuyện học để trở thành người có văn hóa thì hình như mặc dù rất biết, song do “đãng trí” mà đã quên”. “Đãng trí” của thời hiện đại là thích thì nói nhưng nói xong cho vào “dĩ vãng” luôn”.

Ông còn chia sẻ thêm: thời của ông, giáo dục con người rất nghiêm khắc và từng li từng tí, đúng theo nguyên tắc: “học ăn, học nói, học gói, học mở”… Và để giáo dục được như vậy không ai khác ngoài chính cha mẹ và giáo viên ở trường của mỗi cá nhân. Bởi chỉ có thể là họ mới nhìn ra được khiếm khuyết ở đâu để uốn nắn, điều chỉnh cho học sinh. Ông cũng bảo: “Tiên học lễ hậu học văn” có lẽ bây giờ chỉ còn là khẩu hiệu thôi.

Để “xốc” lại nền văn hóa xuống cấp, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trước hết phải thay đổi mục tiêu giáo dục: bên cạnh dạy chữ thì nhất định phải dạy làm người, thậm chí phải đặt mục tiêu này lên trước. Chứ không như hiện nay chỉ chú trọng giảng dạy kiến thức. Cùng với đó, giáo dục trong gia đình cần nghiêm khắc và tỉ mỉ hơn nữa, không được dễ dàng bỏ qua, xuề xòa trước những sai sót dù của trẻ nhỏ. Xã hội phải chung tay bằng cách tạo ra những sân chơi, hoạt động bổ ích mang tính cộng đồng, đồng thời giàu lòng nhân ái, sẻ chia… Và trước hết, người làm văn hóa không thể thiếu văn hóa.

 Tú Anh