Vì sao vắc-xin dịch vụ luôn khan hiếm?

07:00 | 26/07/2014

2,314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, các loại vắc-xin dịch vụ luôn trong tình trạng khan hiếm. Nhiều người dân phải trì hoãn cho con tiêm ngừa vì sự khan hiếm này.

Vài năm trở lại đây, nhiều vụ tai biến xảy ra ở trẻ tiêm vắc-xin trong các chương trình tiêm chủng mở rộng được công khai trên các phương tiện truyền thông gây hoang mang trong dư luận, khiến không ít các bậc cha mẹ không dám cho con tiêm vắc-xin miễn phí từ nguồn này. Bên cạnh đó, sự quay trở lại và tăng cao của nhiều loại dịch bệnh khiến cho nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ gia tăng. Điều này dẫn tới việc khan hiếm nhiều loại vắc-xin dịch vụ, đặc biệt là các loại vắc-xin: 5 trong 1 (pentaxim), 6 trong 1 (infarix Hexa), 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella)...

Tại các điểm tiêm ngừa, nhiều bà mẹ đành ngậm ngùi đưa con quay về vì hết vắc-xin. Chị Nguyễn Thị Thơ (ngụ quận Bình Thạnh) đưa con đến tiêm ngừa ở Viện Pasteur TP HCM lo lắng: Đáng lý bé phải được tiêm mũi vắc-xin 5 trong 1 đầu tiên vào 2 tháng tuổi nhưng đến nay đã 4 tháng tuổi mà bé vẫn chưa tiêm được mũi nào vì những lúc đi tiêm đều gặp tình trạng hết vắc-xin và chưa biết khi nào có lại.

Còn gia đình anh Nguyễn Thanh Tân (ngụ quận 10) cũng chật vật mới cho con tiêm được 2 mũi vắc-xin 6 trong 1 nhưng đến đợt tiêm mũi thứ 3 thì anh đã gọi điện đến nhiều điểm tiêm ngừa nhưng họ đều được báo là đã hết vắc-xin này, đến khoảng tháng 9 mới có lại.

Tiêm vắc-xin cho trẻ ở cơ sở y tế

Giải thích về tình trạng khan hiếm vắc-xin, các phát ngôn gần đây của Bộ Y tế đều nhấn mạnh việc nhập vắc-xin khá dễ dàng và thiếu chỉ là cục bộ trong thời gian ngắn. Bộ Y tế sẽ có biện pháp đảm bảo nguồn vắc-xin cho trẻ. Nhưng việc đảm bảo nguồn vắc-xin chỉ là trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Còn thực tế, vắc-xin dịch vụ vẫn rất khan hiếm.

Đánh giá về tình trạng nhiều người dân bỏ tiêm chủng mở rộng chuyển qua tiêm ngừa vắc-xin dịch vụ, bác sĩ Trương Hữu Khanh Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: Vắc-xin dịch vụ có tiện lợi là người dân có thể đưa con đi tiêm bất cứ lúc nào khi trẻ không bị bệnh và đặc biệt họ mua được sự an tâm dù giữa vắc-xin dịch vụ và tiêm chủng mở rộng hiệu quả là như nhau.

Một số nhà cung ứng và nhập khẩu vắc-xin chia sẻ: Việc nhập vắc-xin phải rất cân nhắc bởi nếu nhập về nhiều mà nhu cầu của người dân giảm họ sẽ bị thiệt hại. Vì vậy, họ phải nhập nhiều đợt, trong khi đó việc nhập khẩu vắc-xin thủ tục không hề đơn giản như cách nói của ngành y tế. Ngoài ra, do các nhà cung ứng và nhà nhập khẩu không dự đoán được nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ của người dân tăng đột biến trong thời gian qua nên không chủ động được nguồn vắc-xin.

Trước tình trạng "cháy" hàng, một số công ty cung ứng phải gom vắc-xin từ một số nước mang về nhưng lượng vắc-xin này cũng không đáng kể nên vài ngày là hết.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, có thể dự đoán được lượng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng qua thống kê số trẻ trong độ tuổi cần tiêm ngừa. Còn đối với những loại vắc-xin dịch vụ thì rất khó dự đoán được vì phải tùy thuộc vào nhu cầu của người dân từng thời điểm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng: Không nên trách người dân khi đổ xô đưa con đi tiêm vắc-xin dịch vụ. Vì việc này không có hại nếu được kiểm soát tốt. Đồng thời, đây cũng giống như xã hội hóa việc tiêm vắc-xin, Nhà nước dùng tiền đó dành cho người nghèo. Tuy nhiên, nếu khan hiếm vắc-xin dịch vụ kéo dài thì các bậc phụ huynh nên cho con chuyển sang tiêm ở các chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên chờ, hoặc không tiêm. Vì như vậy sẽ xảy ra nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc