Vì sao Triều Tiên phải phóng tên lửa?

14:00 | 14/12/2012

1,948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vậy là cuối cùng Bình Nhưỡng đã phóng thành công tên lửa mang vệ tinh khoa học hôm 12/12. Đây không phải là lần đầu Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa cực kỳ tốn kém trong khi tình hình kinh tế nước này rất khó khăn. Phải chăng lãnh đạo và nhân dân Triều Tiên không biết điều này và sau vụ phóng thành công trên, thế giới sẽ làm gì Bình Nhưỡng?

Vượt lên khó khăn...

Trước một CHDCND Triều Tiên tách biệt với thế giới bên ngoài, rất ít người có thể hình dung được cuộc sống hiện tại của người dân nước này ra sao, và để đánh giá được khả năng thực sự của nền kinh tế nước này cũng là một điều khó khăn. Chưa kể đến Triều Tiên hiếm khi đưa ra thống kê nên số thực của GDP chỉ có thể phỏng đoán tương đối.

Nói chung, kinh tế Triều Tiên hiện được cho là đang gặp nhiều khó khăn vì không tồn tại cơ chế thị trường và bị nhiều thiên tai như hạn hán, lụt lội. Hơn bất cứ nước nào trên thế giới, Triều Tiên áp dụng chính sách điều hành kinh tế bằng những mệnh lệnh từ cấp cao, ít chịu ảnh hưởng của thị trường. Và thực tế, có những sai lầm về chính sách cũng như yếu kém trong đánh giá, chỉ đạo, điều hành đã khiến Triều Tiên từng lâm vào nạn đói tràn lan những năm 90 và dẫn đến Triều Tiên, vốn từng có thời phát triển hơn Hàn Quốc, nhưng với một số chính sách chưa sát thực tế đã phá hỏng nền kinh tế.

Vụ việc đổi tiền năm 2009 trong chương trình cải cách tiền tệ được cho là đã xóa sạch các khoản tiết kiệm trong người dân. Hiện tại, Triều Tiên là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người (GDP) thấp trên thế giới.

Người Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa Triều Tiên qua tivi hôm 12/12

Tuy giới truyền thông của Mỹ và Hàn Quốc từng bóng gió về việc nền kinh tế Triều Tiên đang đứng trên bờ sụp đổ nhưng có thông tin nhận định sơ bộ rằng, kinh tế Triều Tiên chưa phá sản và đã tăng trưởng trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, kinh tế nước này cũng không hề tồn tại đơn lập. Bất chấp lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn có quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 150 nước trong đó có nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và người dân Triều Tiên không hề sống trong các “hang đá” suốt hai thập kỷ qua. Mặt khác, Triều Tiên, với hỗ trợ từ Trung Quốc, đã cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng phục vụ cho hoạt động khai mỏ. Triều Tiên cũng không hẳn phải phụ thuộc vào thị trường chợ đen để có tiền hỗ trợ hoạt động.

Trong năm 2012, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã đạt được mục tiêu trở thành một nhà nước hùng cường và thịnh vượng nhưng tình trạng hợp tác và thương mại qua biên giới với Trung Quốc lại chỉ ra một kết quả hoàn toàn khác. Hiện tại, CHDCND Triều Tiên đang gặp phải nhiều khó khăn để tránh khỏi lệnh cấm vận, cũng như nhận viện trợ từ phía Trung Quốc.

Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn như vậy, trong những năm gần đây, Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Triều Tiên được ghi nhận diễn ra vào các ngày 29 và 30/5/1993. Bình Nhưỡng bắn một tên lửa Nodong-1 (Rodong-1) từ một căn cứ tại huyện Hwadae, gần thủ phủ Wonsan của tỉnh miền Nam Kangwon. Mục tiêu của tên lửa là một phao nổi trên biển Nhật Bản. Triều Tiên cho hay cuộc thử nghiệm tên lửa này nhằm mục đích xuất khẩu tên lửa sang Iran để đổi lại dầu mỏ. Vào ngày 31/8/1998, Triều Tiên bắn tên lửa Paektusan mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-1 lên quỹ đạo và trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới làm được điều này. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng vụ phóng vệ tinh này đã thất bại, trong khi Mỹ khẳng định đây thực ra là một cuộc thử nghiệm tên lửa Taepodong-1.

Triều Tiên thực hiện hai loạt thử tên lửa vào ngày 5/7/2006, với ít nhất 5 quả được bắn xuống vùng biển Nhật Bản, gồm: 2 tên lửa tầm ngắn Nodong-2, một tên lửa Scud và 2 tên lửa Taepodong-2 (được cho là có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ).

Ngày 5/4/2009, tên lửa Unha-2 được phóng đi từ bãi phóng vệ tinh Tonghae, ở Musudan-ri, thuộc đông bắc của Triều Tiên. Tên lửa này mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-2 lên quỹ đạo của trái đất. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng tên lửa này và bất cứ thứ gì mà nó mang theo đã rơi xuống Thái Bình Dương, trong khi Cơ quan Vũ trụ Nga cho hay không có vệ tinh nào của Triều Tiên xuất hiện trên quỹ đạo ở thời điểm đó.

Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ hai tại khu vực Kilju ở đông bắc của nước này, nơi được cho cũng là địa điểm tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên được đánh giá gây chấn động ngang với một trận động đất mạnh 4,7 độ richter.

Cùng ngày với cuộc thử hạt nhân thứ hai, Triều Tiên được cho là tiến hành một số cuộc thử tên lửa đất đối không tầm ngắn.

Khoảng 2 tháng sau, vào ngày 4/7/2009, Triều Tiên bắn thử 7 quả tên lửa Scud xuống vùng biển Nhật Bản, khiến các nước láng giềng lo ngại.

Tháng 3/2012, Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng một tên lửa tầm xa nhằm đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Đến ngày 13/4/2012 thì tên lửa được phóng đi từ căn cứ Tongchang-ri nhưng phát nổ chỉ chưa đầy hai phút sau đó và rơi xuống biển Hoàng Hải.

Và ngày 1/12/2012, Bình Nhưỡng lại tuyên bố sẽ phóng một tên lửa khác trong tháng, dẫn đến sự lên án từ các nước và sự quan ngại từ cả đồng minh Trung Quốc. Mặc dù hôm mùng 9/12, Bình Nhưỡng cho biết vụ phóng có thể bị hoãn lại, trong khi các nhà phân tích nhận định trục trặc kỹ thuật hoặc tuyết rơi dày có thể kéo dài thời gian chuẩn bị phóng, nhưng đùng một cái ngày 12/12, Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa. Nhật Bản cho biết tên lửa đã bay qua quần đảo phía nam Okinawa nhưng nước này không ra lệnh bắn hạ. Hàn Quốc cho hay các tầng của tên lửa đã rơi đúng các vị trí dự kiến. Hãng thông tấn KCNA tuyên bố Triều Tiên đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công.

Triều Tiên được cho là có hơn 1.000 tên lửa với khả năng hoạt động đa dạng. Chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng được bắt đầu từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Theo các chuyên gia nước ngoài, các tên lửa của Triều Tiên hoàn toàn có thể mang đầu đạn hạt nhân.

...để đảm bảo sự tồn vong của đất nước

Kinh tế khó khăn là vậy nhưng trong suốt mấy thập niên qua, Triều Tiên vẫn kiên trì các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tốn kém, vì sao vậy?

Theo giới quan sát, có thể nói, lý do chủ yếu khiến chính quyền Triều Tiên tiếp tục theo đuổi kế hoạch phóng tên lửa là vì người dân nước này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ làm việc này để tưởng niệm 1 năm ngày mất của cha ông là Kim Jong-Il mà còn muốn thể hiện chính sách ngoại giao cứng rắn của mình hoàn toàn không chịu tác động từ bên ngoài, kể cả quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Truyền hình Hàn Quốc đưa hình ảnh mô phỏng Triều Tiên phóng tên lửa

Báo chí Hàn Quốc cho rằng, đằng sau sự không khoan nhượng của Bình Nhưỡng là niềm tin vững chắc rằng, chỉ có vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa mới có khả năng đảm bảo sự tồn vong của đất nước trước các thế lực thù địch ở bên ngoài, trong đó phải kể đến Mỹ và Hàn Quốc. Mặc dù cộng đồng thế giới coi đó là ý nghĩ điên rồ hoặc hoàn toàn ảo tưởng, nhưng vấn đề ở đây là ý nghĩ bị tấn công và bị ngược đãi trong tâm trí người dân Triều Tiên và cả ban lãnh đạo là giống nhau, và dường như họ đều đang ở trong tình trạng “bị thôi miên”. Điều này cũng lý giải tại sao người dân Triều Tiên vẫn im lặng trước việc các vụ thử tên lửa hao tiền tốn của được tiến hành vào lúc nạn đói vẫn đang hiện hữu ở nước này. 

Các chuyên gia nhận định rằng không có bất kỳ sự cấm vận hay trừng phạt nào của cộng đồng quốc tế (kể cả những biện pháp đang được áp dụng) có thể khiến Triều Tiên thay đổi suy nghĩ của họ. Hơn ai hết, chính quyền Bình Nhưỡng hoàn toàn hiểu rõ làm cách nào để tồn tại khi bị cô lập với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, họ còn có sự hậu thuẫn của quốc gia láng giềng Trung Quốc với vai trò là một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Bắc Kinh luôn coi Bình Nhưỡng là “lá bài chiến lược” quan trọng để mặc cả với Washington. 

Bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đang là một thực tế mà cả chính quyền mới ở Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chính sách ngoại giao “cứng rắn” của Seoul và chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Washington đã “tạo điều kiện” để Bình Nhưỡng trở thành cường quốc hạt nhân với khả năng sở hữu hơn 50 quả bom nguyên tử và có thể “rải” khắp hành tinh. Mới đây, một chuyên gia về Triều Tiên của Mỹ đã nói với Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) rằng chính quyền Obama đã “giúp” Bình Nhưỡng trở thành “bên chiến thắng”. 

Joel Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách quan hệ với Hàn Quốc, khẳng định rằng chính phủ sắp tới ở Seoul có vai trò rất quan trọng, có thể giúp Washington vứt bỏ cái gọi là “kiên nhẫn chiến lược”. Hiện cả hai ứng cử viên tổng thống sáng giá của Hàn Quốc đều đưa ra những cam kết mới về cách tiếp cận rõ ràng hơn với Triều Tiên. Đó là một sự khác biệt rất lớn: Ứng cử viên Park Geun-hye của Đảng cầm quyền sẽ tiếp tục theo đuổi nguyên tắc của chính phủ tiền nhiệm là phi hạt nhân hóa trước. Trong khi đó, ứng cử viên Moon Jae-in của Đảng Dân chủ đối lập thì ngả theo chính sách khác, đó là tách biệt vấn đề hạt nhân và vấn đề quan hệ liên Triều.

Phản ứng của thế giới?

Cũng giống hầu hết các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trước đây, vụ phóng thành công tên lửa lần này sẽ khiến Bình Nhưỡng tiếp tục phải đối mặt với những đe dọa trừng phạt mới?

Ngay từ khi Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng tên lửa lần này, cộng đồng quốc tế đã lên án kịch liệt. Nhưng hiện nay Bình Nhưỡng đã chứng tỏ là gần như không “hề hấn” gì trước những lệnh trừng phạt trước đây, vậy cộng đồng quốc tế sẽ dùng biện pháp trừng phạt nào.

Kinh tế Triều Tiên khó khăn: Cảnh mua thực phẩm ở Bình Nhưỡng

Theo giới quan sát, những phương án trừng phạt mới là rất hạn chế đối với Mỹ và các nước đồng minh bởi một số yếu tố, mà đáng nói nhất là về cả mặt cá nhân lẫn tập thể họ đều chỉ có ảnh hưởng nhỏ bé đối với quốc gia bị cô lập này.

Về mặt đa phương - nghĩa là các lệnh trừng phạt của LHQ - họ hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết và trong quá khứ từng chống lại những biện pháp mạnh hơn mà các nước khác yêu cầu.

Sau vụ phóng thử tên lửa thất bại hồi tháng 4/2012 của Bình Nhưỡng, Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản đưa ra tên 40 công ty nhà nước mà họ muốn bổ sung vào danh sách đen các công ty Triều Tiên do LHQ công bố. Song Trung Quốc chỉ chấp thuận có ba công ty, mặc dù họ cũng thông qua tuyên bố của HĐBA cảnh báo sẽ tiếp tục hành động nếu Triều Tiên thử tên lửa nữa.

Một quan chức cao cấp của LHQ cho biết: “Sau khi cảnh báo, giờ Hội đồng Bảo an LHQ cần phải hành động, song phần nhiều sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng làm một điều gì đó hay không. Thực tế, các cuộc thảo luận về hành động sẽ là giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ sẽ phải thuyết phục Trung Quốc để thực hiện các lệnh trừng phạt mới”.

Là đồng minh chính duy nhất đồng thời là đối tác thương mại và nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên, Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn hơn tất cả. Song các nhà phân tích như Wang Dong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Đông Bắc Á tại Đại học Bắc Kinh cho rằng, ảnh hưởng này có thể đã bị cường điệu quá. Ông Wang nói: “Nếu nghĩ rằng chỉ vì tôi tài trợ kinh tế, tôi cung cấp năng lượng nên tôi có thể khiến bạn phải luồn cúi, phải nghe lời… thì điều đó là ảo tưởng”.

Mặc dù cho rằng vụ phóng tên lửa có thể gây lo ngại trong khu vực, song, theo ông Wang, Bắc Kinh chưa chắc đã chấp nhận việc bổ sung hoặc siết chặt thêm các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Ông phát biểu: “Nói chung, Trung Quốc ngăn chặn việc sử dụng các biện pháp cưỡng bức nhằm khiến các nước khác đi đến chấp nhận các điều khoản mà mình muốn”, và bổ sung thêm rằng họ chắc sẽ duy trì quan điểm này “trừ phi Triều Tiên làm điều gì đó thực sự quá khích”.

Điều khiến Trung Quốc và Nga lo ngại thực sự là một vụ thử hạt nhân nữa của Triều Tiên, một khả năng mà một số nước coi là chắc chắn bởi hai vụ thử trước đều đi liền sau các vụ phóng tên lửa tầm xa.

Việc phóng tên lửa thành công lần này đánh dấu một bước tiến lớn của Triều Tiên trong nỗ lực phối hợp năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Các quan chức Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng đã chi 850 triệu USD cho cuộc phóng tên lửa/vệ tinh hôm 12/12/2012, trong khi Triều Tiên còn đang nhận viện trợ lương thực.


Hùng Phan-S.Phương