Vì sao Tổng thống Putin tái tranh cử?

22:39 | 08/12/2017

650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 6/12, khi đối thoại với công nhân tại Nhà máy chế tạo ôtô Gorky ở Nizhny Novgorod, Tổng thống Putin thông báo ông sẽ tái tranh cử tổng thống vào tháng 3/2018. Tuyên bố của ông Putin đã xóa tan mọi lời bàn tán trước đó về người sẽ thay thế ông lãnh đạo nước Nga trong 6 năm tới.  
vi sao tong thong putin tai tranh cu
Tổng thống Vladimir Putin thông báo sẽ tái tranh cử tổng thống trong lúc phát biểu trước cử tọa tại nhà máy ôtô Gorky ở Nizhny Novgorod hôm 6/12

"Tôi sẽ tái tranh cử tổng thống. Tôi không thể tìm được một nơi tốt hơn và một thời điểm tốt hơn để thông báo điều này. Cảm ơn các bạn ủng hộ", ông Putin nói trước đông đảo công nhân của nhà máy Gorky. Trước đó cũng trong ngày 6/12, tới phát biểu tại một diễn đàn dành cho những người tình nguyện ở Moskva, Tổng thống Putin hỏi khán giả liệu họ có ủng hộ nếu ông ra tranh cử hay không? Mọi người hét vang “có” và hoan hô ông.

Đưa tin về sự kiện này, tờ Sputnik của Nga viết: “Sự mong mỏi của người dân Nga cuối cùng đã được thỏa mãn. Vladimir Putin đã tuyên bố ý định tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ tổng thống mới trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2018”.

Tại sao lại có sự mong mỏi này khi mà trước đó truyền thông và dư luận Nga đưa ra nhiều gương mặt sẽ được ông Putin tin tưởng giao phó trọng trách lãnh đạo nước Nga thay cho ông?

Trong suốt thời gian qua, đã có quá nhiều tin đồn về người sẽ kế nhiệm ông Putin. Gần gây nhất là vào đầu tháng 9/2016, trong chuyến thăm vùng Tula của Tổng thống Putin, báo chí Nga nói rằng Alexei Dyumin gần đây được bổ nhiệm làm Thống đốc vùng Tula, là sự sắp xếp của ông Putin để dọn đường cho Alexei Dyumin tiến dần về Điện Kremlin. Alexei Dyumin (43 tuổi) là sĩ quan cấp tướng và từng nhiều năm làm việc trong ngành an ninh, có giai đoạn phụ trách an ninh cho chính Tổng thống Putin.

Trước đó, có rất nhiều cái tên cũng đã được nêu ra như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu; Sergei Ivanov, Chánh văn phòng Điện Kremlin; thậm chí còn có cả tên nữ Trưởng công tố vùng Crimea, Natalia Poklonskaya. Tuy nhiên cho đến nay, ông Putin chưa hề có tuyên bố nào liên quan tới những cái tên trên. Tuyên bố mới nhất của ông khi cho rằng, chỉ có người dân mới có quyền quyết định đã cho thấy rõ quan điểm của ông về người kế nhiệm.

"Vâng, chỉ có người dân thông qua lá phiếu bầu mới quyết định ai sẽ là người lãnh đạo nước Nga sau tháng 3/2018!", ông Putin nói như vậy, có nghĩa là ông phải đi tìm người nhận được sự ủng hộ cao của dân chúng Nga. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, người đó không ai khác ngoài ông ra. Do đó có thể nói quyết định tái cử của ông Putin là rất hợp lòng dân.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây của cả các cơ quan truyền thông Nga lẫn truyền thông phương Tây, ông Putin luôn nhận được trên 80% sự tín nhiệm của người dân, đa phần là giới công nhân lao động và thành phần công chức. Không phải tự nhiên mà dân chúng Nga dành nhiều ưu ái cho ông Putin đến như vậy. Trong suốt 18 năm cầm quyền trên cương vị cả thủ tướng và tổng thống, ông Putin đã đưa nước Nga quay trở lại vị thế trung tâm thế giới. Ở Trung Đông, ông chủ Điện Kremlin đã thắng mọi ván bài, mà điển hình là đã loại châu Âu và Mỹ ra khỏi vòng chiến ngoại giao và chính trị ở Syria. Ngày 7/12, trong báo cáo gửi Bộ Tổng Tham mưu Nga, Tướng Sergei Roudskoï, người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến quân đội Nga, viết: “Quân đội chúng ta đã thành công trong việc tiêu diệt những phần tử khủng bố hiện diện trong tất cả các vùng miền của Syria”.

Không chỉ ở Trung Đông mà ở các khu vực khác trên thế giới, Tổng thống Nga Putin cũng cũng có được một số ảnh hưởng nhất định. Ở châu Á, ông Putin giúp Nga xích lại gần với Trung Quốc và Nhật. Ở châu Âu, Tổng thống Nga đã thay đổi được thái độ thù nghịch của nhiều đảng chính trị, chính trị gia và đã thiết lập mối quan hệ với những tổ chức chính trị và những người có thiện cảm với Putin. Có thể nói Tổng thống Putin có một sức hút rất lớn với các nước phương Tây trong thời gian qua thể hiện bằng các cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về những chính trị gia theo đường lối dân túy.

Nhiều học giả phương Tây chỉ ra rằng sở dĩ ông Putin là hình mẫu lãnh đạo đối với các chính trị gia theo đường lối dân túy ở phương Tây là do thứ nhất, ông Putin luôn chủ trương lãnh đạo đất nước với đường lối cứng rắn, và ông cũng đã khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa để huy động đông đảo quần chúng. Mô hình cứng rắn về chính trị, nhưng lại cởi mở cho kinh tế đang trở nên hấp dẫn tại các nền dân chủ đang mất hướng đi. Thứ hai, về mặt xã hội, nước Nga dựa vào Giáo hội chính thống giáo, vào những giá trị đạo đức truyền thống. Mô hình xã hội đó của nước Nga đang trở nên hấp dẫn đối với một phần công luận tại các nước phương Tây.

Ông Putin, 65 tuổi, làm tổng thống Nga hai nhiệm kỳ trong giai đoạn 2000-2008 và nhiệm kỳ thứ ba từ năm 2012 đến nay. Trong thời gian giữa nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba làm tổng thống, ông giữ vị trí thủ tướng. Tuyên bố ra ứng cử trong cuộc bầu cử năm 2018, ông Putin tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của mình. Nếu chiến thắng, ông Putin sẽ nắm quyền đến năm 2024.

Về tình hình kinh tế-xã hội nước Nga, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, kinh tế Nga gần như sụp đổ, tinh thần người dân xuống cấp nghiêm trọng. Trong suốt 18 năm qua dưới sự dẫn dắt của ông Putin, kinh tế Nga đã bừng sáng bất chấp mọi sự chống phá điên cuồng của phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt. Kinh tế khá giả đã góp phần làm phấn chấn tinh thần cho người dân Nga.

Với nước Nga, Putin là người “hợp nhất các vùng đất của Nga”. Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày bầu cử Tổng thống Nga 2018 lại được rời sang đúng ngày kỷ niệm 4 năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Chuyên gia chính trị Konstantin Kalatchev đánh giá ngày bầu tổng thống Nga 18/3/2018 sẽ “ghi danh Putin trong lịch sử”. Với những nỗ lực trên trường quốc tế, với việc sáp nhập Crimea, chắc chắn ông Putin sẽ tái đắc cử và với số phiếu cao tương tự như năm 2012 (63,6% ở vòng 1). Điều này sẽ củng cố quyền lực vốn đã không thể phủ nhận của ông.

Về chính sách đối ngoại, chuyên gia Andrei Kolesnikov thuộc trung tâm Carnegie tại Moskva cho biết trong 6 năm tới, quan hệ với phương Tây vẫn sẽ căng thẳng. Rất có thể sẽ không căng thẳng hơn bây giờ, nhưng sẽ không được như trong giai đoạn 2012-2014.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Thomas Gomart, “người dân Nga mong muốn có một xã hội kỷ cương, với Putin là hiện thân, nhưng họ cũng ngày càng khó chấp nhận tệ nạn tham nhũng trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục”. Song đó không phải là những gì ông Putin không biết. Trong thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng tại Nga được đẩy mạnh và Tổng thống Putin cũng đang bổ sung thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi cho đất nước. Có thể nói khó khăn với nước Nga nói chung và với Tổng thống Putin trong 6 năm tới không nhiều, vấn đề đau đầu thực sự chỉ xuất hiện khi ông Putin kết thúc nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4 vào năm 2024, thời điểm mà nước Nga phải tìm người kế nhiệm ông.

Th.Long

Sputnik, AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc