Vì sao Tổng thống Mỹ bị lạnh nhạt ở Trung Quốc?

15:42 | 05/09/2016

7,432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số trên 20 nguyên thủ tới dự Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama là người duy nhất bị nước chủ nhà “khinh ra mặt” bằng cách cố tình tạo ra loạt sự cố ngoại giao lạ đời.

Trước hết, qua quan sát những tấm ảnh tiếp đón các nguyên thủ đến tham dự G20 của Trung Quốc thì thấy Tổng thống Obama là người duy nhất không được nước chủ nhà trải thảm đỏ. Ngay cả với một quốc gia “thù địch” như Nhật Bản, Trung Quốc cũng dành cho Thủ tướng Shinzo Abe lễ đón trang trọng nhất. Cần biết rằng quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản trở nên căng thẳng suốt mấy năm qua và hiện vẫn còn mặt nặng mày nhẹ, chưa kể người Hán chưa bao giờ quên mối thù xưa khi Nhật Hoàng đánh chiếm Trung Quốc.

Chuyện ông Obama không được trải thảm đỏ được là một nhẽ. Nước chủ nhà thậm chí còn không bố trí cả xe thang để Tổng thống Mỹ xuống máy bay, tới mức mà phía nhân viên tháp tùng ông Obama phải tự đi lấy xe thang để ông chủ của họ bước xuống. Cả phía Trung Quốc và phía Mỹ chưa có thông báo chính thức gì về việc này, truyền thông phương Tây không cho đây là một sự cố “lễ tân” thông thường. Việc tiếp đón một nguyên thủ đâu phải chuyện “lễ tân ở khách sạn” mà thường được chuẩn bị rất kỹ càng từng chi tiết dù rất nhỏ. Chuyến thăm của ông Obama tới Trung Quốc, được thông báo trước đó vài tháng, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã đi “tiền trạm” để xem phía Trung Quốc chuẩn bị đón ông Obama như thế nào…

Rõ ràng ở đây là Trung Quốc muốn hạ nhục danh dự của cá nhân Tổng thống Obama và uy tính của cả nước Mỹ. Trung Quốc còn biết tận dụng sự kiện Thượng đỉnh G20 để thể hiện thái độ của họ với chính quyền Mỹ. Bởi lẽ, đến tham gia đưa tin tại hội nghị G20 năm nay có hàng nghìn phóng viên báo đài đến từ khắp nơi, việc ông Obama bị “đối xử tệ” ở Trung Quốc đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới.

Có hai lý do để giải thích cho sự lạnh nhạt trong việc tiếp đón ông Obama ở Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc vài năm trở lại đây liên tục căng thẳng trên nhiều lĩnh vực từ an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, nhân quyền. Đặc biệt, trong thời gian qua trên mặt trận ngoại giao quốc tế, Mỹ liên tục gây sức ép, bóc mẽ những hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Mỹ không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn nhiều lần đưa tàu chiến, máy bay đủ loại tới thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Tất cả những điều này khiến chính quyền Bắc Kinh tỏ ra tức tối và giới truyền thông Trung Quốc được bật đèn xanh tha hồ chửi bới Mỹ...

Thứ hai, đây là chuyến đi Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, cuối cùng của ông Obama trên cương vị tổng thống. Vào tháng 11 tới, nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới. Vai trò của ông Obama lúc này gần như không có nhiều tác động cho quan hệ Mỹ - Trung sắp tới. Có lẽ Trung Quốc cho rằng giờ là lúc “lý tưởng” nhất để “chơi cho ông Obama một vố” và để nói cho cả thế giới rằng Mỹ “chả là cái gì cả”.

Đến Tổng thống Obama còn bị “hắt hủi” chứ đừng nói gì đến đám tùy tùng. Cánh phóng viên Mỹ đi theo đưa tin ông Obama bị an ninh nước chủ nhà “hành” tới số.

vi sao tong thong my bi lanh nhat o trung quoc
Chỉ có ông Obama xuống máy bay bằng thang sắt thông thường

Sau khi chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ hạ cánh ở Hàng Châu, các quan chức Trung Quốc đã hét vào mặt nhân viên Nhà Trắng vì đã cho đội phóng viên đi theo đoàn Mỹ được có mặt trên đường băng. Theo thông lệ, các nhà báo quốc tế được phép đứng dưới cánh chuyên cơ, sau hàng rào dây thừng màu xanh do lực lượng an ninh dựng lên để theo dõi, chụp ảnh ông Obama bước xuống bậc thang máy bay ở vị trí đẹp nhất.

Tuy nhiên, một cán bộ an ninh Trung Quốc tiến đến yêu cầu nhóm nhà báo này rời ngay khỏi vị trí họ đang đứng chờ tác nghiệp vì cho rằng như thế là quá gần tổng thống Mỹ và có thể gây cản trở công tác bảo vệ. Một quan chức Trung Quốc khác còn hùng hổ chặn đường bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Hai bên cự cãi qua lại khiến Mật vụ Mỹ phải can thiệp.

Sau đó, tại Nhà khách Chính phủ Tây Hồ, các quan chức Trung Quốc và Mỹ lại tiếp tục cãi nhau bằng tiếng Trung về việc bao nhiêu nhân viên và phóng viên được phép vào trong phòng họp. Phía Trung Quốc khẳng định không đủ chỗ cho toàn bộ 12 phóng viên Mỹ tháp tùng ông Obama. Các quan chức Mỹ sau đó không đồng tình, chỉ về khu vực rộng rãi dành cho truyền thông, đồng thời nói lại là hai bên đã thỏa thuận vấn đề này từ trước. Thậm chí, bất đồng tiếp diễn ngay cả sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc cuộc gặp và tản bộ đến đoàn xe của ông Obama. Giới chức Trung Quốc muốn giảm số phóng viên Mỹ đi theo từ 6 xuống còn 3 rồi cuối cùng là 1. Một quan chức Trung Quốc nói với một nhân viên Nhà Trắng: “Đây là sắp xếp của chúng tôi”. Người nhân viên kia lập tức phàn nàn: “Nhưng sắp xếp của quý vị thay đổi liên tục”. Cuồi cùng, sau quá trình thương thảo kéo dài, hai bên nhất trí để 2 phóng viên Mỹ đi theo cuộc tản bộ nói trên dù thỏa hiệp này không bên nào hài lòng cả.

Bất chấp những sự cố kể trên, hai ông Obama và Tập đã dành khoảng 3 tiếng rưỡi hội đàm. Trả lời báo chí sau khi kết thúc hội đàm, ông Obama nói: “Chúng ta không nên câu nệ tiểu tiết” và thông báo thêm rằng cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập là “cực kỳ hiệu quả”.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới 555

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc