Vì sao nhiều lao động trẻ thất nghiệp?

07:43 | 17/06/2012

1,293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì một trong những vấn đề nan giải mà TP HCM đang phải đối mặt là nguy cơ gia tăng tỉ lệ thất nghiệp từ nguồn lao động trẻ. Đâu là những nguyên nhân chính của tình trạng này?

Khó chồng lên khó

Theo công bố hồi tháng 5 vừa qua của Bảo hiểm thất nghiệp TP HCM, trong năm 2011 thành phố này đã có gần 90.000 lao động thất nghiệp. Riêng những tháng gần đây, lượng người lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng kỷ lục – lên đến 17.000 người/tháng. Vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn khi phần lớn số lao động thất nghiệp đang trong độ tuổi còn trẻ và sung sức nhất khi có trên 20% người thất nghiệp dưới 24 tuổi và nếu tính số lao động từ 40 tuổi trở xuống thì số lao động thất nghiệp trong độ tuổi trưởng thành chiếm gần 65% tổng số người thất nghiệp.

Lao động trẻ bị thất nghiệp tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm ngày càng tăng

Cũng theo thông tin từ Bảo hiểm thất nghiệp TP HCM, với những lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì chưa có số liệu thống kê chính thức về trình độ của những lao động trẻ thất nghiệp. Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy, đã có không ít lao động trẻ thất nghiệp vốn có tay nghề, có trình độ. Họ thất nghiệp không phải vì không có việc làm mà là thiếu cơ hội việc làm phù hợp với trình độ học vấn hoặc thiếu kinh nghiệm làm việc so với lao động trưởng thành.

Nhận định chung cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các doanh nghiệp ở TP HCM đang lao đao trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Chính Cục Thuế TP HCM cũng xác nhận những khó khăn của các doanh nghiệp khi từ đầu năm 2012 đến nay đã có hơn 3.100 doanh nghiệp xin giải thể, ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng kinh doanh. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn thị trường, dẫn đến co hẹp hoạt động hoặc tạm ngừng sản xuất. Điều này khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công dẫn đến người lao động mất việc làm cũng tăng thêm gấp bội và chính các lao động trẻ phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng này.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chính khó khăn của các doanh nghiệp khiến số lượng việc làm mới được tạo ra ít hơn. Các doanh nghiệp tư nhân chững lại việc tiếp nhận những lao động trẻ khiến thanh niên phải đối mặt nhiều hơn với thất nghiệp. TP HCM vốn giữ vị trí đầu tàu trong phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ tiên tiến của cả nước nên thị trường lao động phát triển sâu rộng và đòi hỏi chất lượng lao động cao. Trong khi đó, không ít ngành nghề đào tạo lại không phù hợp với yêu cầu của thị trường, dẫn đến lao động không có nghề có tỷ trọng lớn ngày càng khó có cơ hội tìm việc làm.

Có một thực tế hiện nay là nguồn lao động trẻ ở TP HCM đang làm những công việc ngắn hạn và khó có cơ hội ở những việc dài hạn hơn. Nhiều thanh niên có kỹ năng đang phải làm các công việc bán thời gian, hoặc những công việc không đòi hỏi kỹ năng cao, bởi họ không thể tìm được công việc trong lĩnh vực được đào tạo. Điều này có thể giải thích vì sao ở TP HCM tuy quy mô đầu tư lớn, tốc độ tăng trưởng cao nhưng tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động ở độ tuổi 18-24 cao hơn so với tỉ lệ trung bình của cả nước và cao hơn hẳn so với các vùng kinh tế chậm phát triển. Qua khảo sát thực tế tại các trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch, các trang tuyển dụng việc làm ở TP HCM thì mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ của các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy…là vẫn có, nhưng hầu như rất ít ứng viên lọt được vào tầm ngắm của các doanh nghiệp.

Cần hướng vào giới trẻ

Để tìm việc giới chủ doanh nghiệp luôn yêu cầu người lao động (NLĐ) phải có kinh nghiệm, trong khi sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thường lại thiếu kinh nghiệm. Do vậy, họ phải “nhảy việc” làm tạm bợ những công việc trái ngành, trái nghề. Sau vài năm, dần dần khi tích lũy được kinh nghiệm họ mới tìm được công việc ổn định.

Một lý do cũng khiến nhiều lao động trẻ chưa có việc làm đó là khó đáp ứng hết các yêu cầu doanh nghiệp đề ra, đặc biệt là các sinh viên mới ra trường. Có doanh nghiệp vẫn còn phân biệt bất bình đẳng giới, chỉ ưu tiên tuyển dụng nam giới, thậm chí còn có sự phân biệt đối xử, gây mất công bằng giữa tấm bằng tốt nghiệp. Thông thường sinh viên tốt nghiệp trường dân lập khó xin việc hơn những sinh viên trường công lập. Nhiều chuyên gia cho rằng việc lao động trẻ gặp khó khăn khi xin việc đôi khi không phải do nhà tuyển dụng quá khắt khe, mà vấn đề là từ phía nguồn lao động trẻ. Ngay khi còn học phổ thông, vì thiếu định hướng nghề nghiệp nên khi chọn trường đại học không phải theo sở thích mà là chọn trường dễ đậu nhất.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng cũng dẫn đến tỉ lệ lao động trẻ (đặc biệt là sinh viên mới ra trường) tại TP HCM kiếm được việc làm thấp là do nhiều người có tâm lý “cần phải có kinh nghiệm làm việc” nên không mạnh dạn thử sức mình. Thực trạng này khiến các lao động trẻ dễ rơi vào trạng thái thụ động, an phận với một công việc lặt vặt nào đó dù không cảm thấy hài lòng. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ việc các thanh niên, sinh viên ngay từ đầu đã không được định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn, dẫn đến “đi học theo phong trào”, trong quá trình học lại thiếu môi trường thực tập, rèn luyện kỹ năng…

Về lâu dài, bên cạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế, hỗ trợ ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đòi hỏi các chương trình việc làm cần đưa nguồn lao động trẻ vào đối tượng trọng tâm. Thất nghiệp ở giới trẻ chỉ có thể được đẩy lùi khi các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tư nhân ưu tiên tạo công ăn việc làm cho thanh niên. Trong đó bao gồm cả chính sách hỗ trợ lao động trẻ tìm việc và chính sách kích thích để họ tự tạo việc làm cho chính họ. Các lao động trẻ khi mất việc cũng cần sớm đến liên hệ với cơ quan bảo hiểm thất nghiệp TP HCM để đăng ký với trung tâm giới thiệu việc làm nhằm sớm nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Một ý tưởng được đặt ra là trong vòng sáu tháng kể từ khi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, các lao động trẻ phải tìm được việc làm hoặc tham gia vào những khoá đào tạo để nâng cao tay nghề, kỹ năng…để sớm đáp ứng các cơ hội việc làm mới. Các cơ quan chức năng TP HCM cũng nên đưa ra một cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho thị trường lao động trẻ phát triển. Song song đó là những giải pháp tăng đào tạo cho lực lượng lao động trẻ nhằm đáp ứng thị trường khi nền kinh tế khởi sắc trở lại.

Thế Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc