Nga và cuộc khủng hoảng Syria:

Vì sao Nga ủng hộ chính quyền Syria?

19:00 | 24/05/2013

3,584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những cơ sở nào dẫn đến lập trường của Nga về cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hai năm nay?

>> Vì sao Mỹ và Israel sợ tên lửa S-300 của Nga?

Từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria cách đây hai năm, Nga đã dành sự ủng hộ vô điều kiện về chính trị và quân sự cho Tổng thống Bashar al–Assad, tới mức cùng với Trung Quốc, Nga đã ngăn cản nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án chế độ Syria và mở cửa cho những sự trừng phạt, kể cả khi có khả năng bên ngoài sử dụng vũ lực để giúp lực lượng nổi dậy lật đổ ông Bashar al–Assad.

Có một sự ủng hộ dường như không có giới hạn, theo những tuyên bố liên tục được đưa ra từ cơ quan hành pháp và lập pháp Nga đến nhiều nhân vật quan trọng của nước này. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã từng tuyên bố rằng những sự thay đổi (ở Syria) là “không cần thiết”.  

Nga không định xét lại lập trường của mình về vấn đề Syria. Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông trả lời báo chí trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, tháng 9/2012.

 

Tuy nhiên, vào giữa tháng 12/2012, lần đầu tiên một quan chức Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov, đã công nhận rằng Chính phủ Syria ngày càng bị mất đi sự kiểm soát đất nước và rằng một thắng lợi của phe đối lập không bị loại trừ. Xác nhận điều mà dưới con mắt của các nhà bình luận được coi là lập trường của Nga, thời gian gần đây, Nga đã gia tăng các cuộc tiếp xúc về vấn đề Syria, với cả chính phủ lẫn phe đối lập, cũng như các nước có nhiều ảnh hưởng ở Syria, nhất là Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập, Lakhdar Brahimi để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Và gần đây nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đã kêu gọi ông Bashar al–Assad cố gắng “tối đa” để thực hiện những ý định của ông tiến hành đối thoại với phe đối lập để giải quyết cuộc xung đột. Điều đó nói lên rằng Nga đã không thể không tính tới vị trí của phe đối lập Syria, những người mà trước đó đã có những lúc Mátxcơva gọi họ là “quân phiến loạn”.

Vậy những cơ sở dẫn đến lập trường của Nga về cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hai năm nay là gì? Nhiều nhận định đã được nêu lên để giải thích cho sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin đối với chế độ Bashar al–Assad, nhưng không đủ thuyết phục để giải thích cho tính cứng nhắc trong lập trường của Nga. Trước hết, mối liên hệ gắn bó giữa Nga và Syria thể hiện qua sự có mặt của nhiều kiều dân Nga ở Syria. Thứ hai, là mối liên hệ về kinh tế, với việc Syria mua vũ khí của Nga. Tuy nhiên, về mặt này cũng cần phải nhấn mạnh một điều là việc buôn bán vũ khí giữa hai bên mang lại một khoản tiền không đáng kể cho Nga, nhất là Syria vẫn nổi tiếng là một nước trây nợ. Thứ ba là căn cứ quân sự Tartous của Nga ở Syria, nhưng thực ra, căn cứ này chỉ có một lợi ích chiến lược và quân sự khá hạn chế. Và cuối cùng là vấn đề năng lượng.

Nga ủng hộ Syria vì yếu tố tâm lý?

Thông qua lập trường đối với vấn đề Syria, Nga muốn nói với phần còn lại của thế giới và với Mỹ rằng thời kỳ đơn cực đã kết thúc và rằng nước Nga đang trở lại diễn đàn quốc tế, rằng cần phải lưu ý đến những lợi ích của nước Nga.

Như vậy có nghĩa là lập trường của Nga đối với vấn đề Syria dường như gắn với những yếu tố mang tính tâm lý hơn là những cân nhắc cụ thể. Tổng thống Vladimir Putin có xu hướng phân tích tình hình Syria theo lăng kính Chesnia. Một số người cho rằng nền ngoại giao Nga nếu không khéo, sẽ rất có thể ngày càng bị bao vây trước sự nổi lên của một liên minh khách quan giữa Mỹ và những người Hồi giáo. Ông Putin luôn bị ám ảnh về nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo ở Địa Trung Hải trở nên hùng mạnh, và nó có thể dẫn đến một sự lây lan tới các khu vực láng giềng, trong đó có Chesnia của Nga.

Mặt khác, Nga cho rằng họ đã bị lường gạt theo nghị quyết 1973 cho phép, mà Nga cho là lạm dụng, cuộc can thiệp quân sự của bên ngoài vào Libya cũng như việc lật đổ Chế độ Muammar Gaddafi của nước này hồi năm 2011. Ngoài ra, thông qua lập trường đối với vấn đề Syria, ông Putin muốn nói với phần còn lại của thế giới và với Mỹ rằng thời kỳ đơn cực mở ra với sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã kết thúc và rằng nước Nga đang trở lại diễn đàn quốc tế, rằng cần phải lưu ý đến những lợi ích của nước Nga. Vì vậy, đối với Nga, vấn đề Syria là cơ hội xem xét lại mối quan hệ của Nga với phần còn lại của thế giới, nhất là với Mỹ.    

Việc Nga gia tăng những sáng kiến và những lời tuyên bố về vấn đề Syria có thể được coi là sự thăm dò dư luận, gửi tới ông Basahr al–Assad cũng như tới phe đối lập ở nước này. Điều này không phải là quá mới bởi vì không lâu sau khi nổ ra những vụ bạo loạn ở Syria, Nga đã lắng nghe và đã đón tiếp những người đối lập ở nước này, nhưng tuyệt nhiên không nhượng bộ họ một chút nào. Tuy nhiên, theo phe đối lập Syria, không nên quan tâm quá mức tới những lời tuyên bố của Nga, mà cần theo dõi hành động của Mátxcơva. Theo những người này, chính sách đối ngoại của Nga (về vấn đề Syria) vẫn chưa được xác định rõ ràng, và người Nga vẫn tỏ thái độ dè dặt trong việc đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn đối với ông Assad. Theo họ, Mátxcơva đã đi quá xa trong việc ủng hộ Assad nên không thể bỏ rơi ông này. 

Về mặt chính thức và theo luật pháp quốc tế về chủ quyền của các nước, Nga không muốn dính líu về mặt quân sự vào một cuộc xung đột nội bộ để tránh làm cho tình trạng hỗn loạn càng thêm trầm trọng. Nga vẫn không quên “cái bẫy Afghanistan” hồi năm 1979, do Zbigniew Brezinski, khi đó là cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ J. Carter, giăng ra để làm Nga sa lầy vào một cuộc xung đột. Bài học Afghanistan – cũng như sau này là bài học hồi năm 1999 ở Nam Tư cũ, với trận ném bom của NATO – vẫn in sâu trong tâm trí những nhà hoạch định chiến lược của Nga.

Ngoài ra, nền độc lập tự xưng của Kosovo ngày 17/2/2008, đã bị Nga coi là một cái tát ngoại giao thực sự. Được che giấu lâu nay, giờ đây Nga muốn tự khẳng định mình trên diễn đàn quốc tế và theo quan điểm này, Nga muốn dùng vấn đề Syria làm một “bằng chứng” về sự trở lại làm cường quốc hùng mạnh của mình, được tôn trọng và được lắng nghe.

Đối với Nga, chỉ có một giải pháp thương lượng mới cho phép nước này thoát khỏi tình trạng bế tắc Syria – theo Thỏa thuận Giơnevơ ngày 30/6/2012. Vì vậy, Nga luôn cố giữ một thái độ trung lập và công bằng, ưu tiên cho việc nối lại thương lượng giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng, làm nền tảng cho sự chuyển giao dân chủ trong tương lai – mà Nga không loại trừ việc không có ông Assad nếu người dân Syria muốn như vậy. Để làm được việc này, Nga công khai phản đối việc liên minh Arập – phương Tây coi việc Tổng thống Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết. Cũng vì vậy, Nga, cùng với Trung Quốc, đã phủ quyết các nghị quyết liên tiếp của Hội đồng bảo an LHQ do các thành viên của liên minh này ủng hộ phe đối lập chống chế độ Assad bảo trợ.

Đại diện của Nga (trái) và Trung Quốc tại LHQ nhiều lần phản đối nghị quyết trừng phạt Chính phủ Syria

Vẫn còn đó một nước Nga hùng mạnh

Tuy nhiên, Nga cũng đã nhận thấy rằng tình hình đang trở nên rắc rối hơn và rằng nếu không có những sự điều chỉnh cần thiết và đúng mức, rất có thể Nga sẽ bị buộc tội là người làm cho khu vực bị mất ổn định hơn. Một bộ phận nào đó của nền ngoại giao Nga bắt đầu nhận thấy rằng Nga có phần nào đó phải chịu trách nhiệm về sự xấu đi của tình hình. Có những tin đồn, đã bị Nga bác bỏ, về một thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp với những quyền lực mở rộng, với việc duy trì Tổng thống Syria Bashar al–Assad cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2014 mà không ra ứng cử tiếp.

Thực sự đã có các cuộc thương lượng Nga–Mỹ khá quan trọng ở hậu trường. Nga nhận thức được mình là người nắm giữ chiếc chìa khóa phá vỡ sự bế tắc tình hình ở Syria. Nga muốn rằng sự thương lượng này xung quanh vấn đề Syria sẽ mang lại cho Nga những kết quả về sự bảo đảm ở Syria cũng như về các vấn đề khác. Nga có ý muốn gắn vấn đề Syria với các vấn đề khác để buộc Mỹ phải có những sự nhượng bộ về vấn đề Kavkaz hoặc lá chắn tên lửa v.v...

Liên quan đến các cuộc thương lượng về cuộc khủng hoảng Syria, Nga sẵn sàng chấp nhận rằng ông Bashar al–Assad nhường quyền nếu như bộ khung của chế độ này vẫn được giữ nguyên. Cả Nga và Mỹ đều muốn tránh sự sụp đổ bất cứ bộ máy nhà nước nào đấy như đã từng diễn ra ở Iraq.

Để tránh sự tan rã của Syria, Nga và Mỹ có thể thỏa thuận với nhau về một sự thay thế Assad bằng một gương mặt khác như Farouk al-Shara, hiện là Phó Tổng thống phụ trách đối ngoại và các phương tiện thông tin đại chúng Syria. Nhân vật này từ lâu nay đã có mối quan hệ với Nga, là người luôn chủ trương mở các cuộc thương lượng giữa hai bên vì cho rằng không một ai có thể chiến thắng. Ông có thể trấn an được những người của chế độ và các sắc tộc thiểu số trước nguy cơ tan rã của đất nước. Và cho đến lúc này, trong những trao đổi ngấm ngầm với Nga, Mỹ cũng không phản đối việc duy trì ông Bashar al–Assad cho đến năm 2014, thế nhưng phe đối lập Syria thì kiên quyết không chấp nhận, vì vậy Mỹ vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận với Nga.

Cũng cần phải lưu ý đến các nước theo dòng Sunni khác liên quan đến Syria, như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Qatar, những nước này trên thực tế đã trở thành người đỡ đầu khu vực cho các nhóm đối lập ở Syria, và đấy cũng là nhân tố gây khó khăn hơn cho Nga trong quá trình tìm kiếm giải pháp bình ổn tình hình Syria.

S.Phương (Tổng hợp)

Kỳ sau: Dựa vào đâu Mỹ và Israel nói Nga không được bán vũ khí cho Syria?