Vì sao Nga phản đối việc lập tòa án đặc biệt về MH17?

13:50 | 17/07/2015

2,503 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Nga Putin hôm qua lên tiếng bác bỏ việc thành lập một tòa án đặc biệt, dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, để xét xử các thủ phạm trong vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi. Ông Putin cho rằng vụ tai nạn trên đang bị lợi dụng về mặt chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng lập tòa án quốc tế xử hung thủ bắn hạ MH17 là phản tác dụng

Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 16/7, Tổng thống Nga nói rằng, trước khi thiết lập một cơ chế tư pháp và đưa ra tòa những thủ phạm của tội ác này, cần phải kết thúc cuộc điều tra quốc tế, mà cuộc điều tra phải “cặn kẽ, khách quan, độc lập và không thiên vị”.

Hôm 28/6, các chuyên gia Hà Lan đã kết thúc cuộc điều tra mở rộng kéo dài trong 2 tuần qua về nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia hồi tháng 7/2014.

Theo hãng tin RT của Nga, các chuyên gia đã tới hiện trường vụ rơi máy bay ở miền Đông Ukraina từ ngày 16/6 để tiến hành một cuộc điều tra mới về thảm kịch này.

Nhóm các nhà điều tra Hà Lan gồm cảnh sát và chuyên gia quân sự đã trở lại hiện trường rơi máy bay để thu thập thêm các bằng chứng, nhằm giúp củng cố hoặc bác bỏ các giả thuyết đưa ra trước đây liên quan tới hoàn cảnh vụ rơi máy bay.

Mặc dù đã kết thúc điều tra đợt hai nhưng các chuyên gia Hà Lan vẫn chưa đưa ra được kết luận gì. Ủy ban An toàn Hà Lan thông báo họ sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng vào tháng 10/2015, trong đó sẽ xác định rõ nguyên nhân làm rơi máy bay.

Trong kết quả điều tra sơ bộ công bố tháng 9/2014, Ủy ban An toàn Hà Lan khẳng định chiếc máy bay này rơi là do bị một lực cực mạnh từ bên ngoài tác động.

Khi mọi thứ còn chưa rõ ràng, ngày 26/6, năm nước điều tra vụ tai nạn máy MH17 đã kêu gọi tổ chức một tòa án quốc tế để xét xử những kẻ phải chịu trách nhiệm. Ngay lập tức, Nga đã bác bỏ đề nghị này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Guennadi Gatilov khi đó nói với hãng tin Interfax: “Chúng tôi cho rằng đề nghị lập tòa án đặc biệt này là cơ hội và phản tác dụng. Cần phải chờ đợi đến khi cuộc điều tra về vụ rơi máy bay kết thúc, chứ không vội vã đưa ra nghị quyết thành lập một tòa án”. Theo ông, đây là “một chủ đề hết sức nhạy cảm và nghiêm túc, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Chìếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn rơi ngày 17/7/2014 tại miền đông Ukraina, làm 298 người chết, trong đó phần lớn là công dân Hà Lan.

Ít lâu sau vụ máy bay rơi, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 2166, yêu cầu những người gây ra tai nạn này phải bị trừng phạt và tất cả các nước hợp tác đầy đủ để làm rõ các nguyên nhân của vụ tai nạn.

Ukraina và các nước phương Tây nghi ngờ quân ly khai thân Nga đã dùng tên lửa phòng không do Nga cung cấp để bắn vào chiếc máy bay dân dụng. Trong khi đó, Moskva vẫn nhất quyết khẳng định không có liên quan đến vụ này và cho rằng trách nhiệm thuộc về phía quân đội Ukraina.

Do quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh nên rất có khả năng Nga sẽ không hợp tác với bất kỳ vụ xét xử nào diễn ra ở phương Tây.

Việc tổ chức tòa án quốc tế cần phải có sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mà Nga là một trong 5 ủy viên thường trực, Nga bị buộc hoặc phải chấp nhận hoặc dùng quyền phủ quyết để bác bỏ việc thành lập tòa án; nếu phủ quyết Nga có thể bị coi là trở ngại chính trong việc truy tìm công lý cho một vụ thảm sát thường dân quy mô lớn.

Nguồn tin từ Hà Lan cho hay, nếu Nga phủ quyết đề nghị tổ chức tòa án quốc tế thì Hà Lan sẽ có cớ để vận động Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ gia tăng các biện pháp cấm vận kinh tế hiện đang được thực hiện đối với Nga. Năm 2016, Hà Lan sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên của EU nên Hà Lan hy vọng tiếng nói của mình sẽ có trọng lượng hơn.

Có khả năng tòa án quốc tế sẽ mở ở Hà Lan, nhưng những vấn đề gai góc như tòa xử theo luật nào, làm sao bắt giữ và đưa các nghi phạm ra xét xử… vẫn chưa được làm rõ.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc