Vì sao giới trẻ thích 'văn học thời trang'?

07:00 | 23/04/2016

1,366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng chục đến hàng trăm vạn bản sách được bán ra, độc giả xếp hàng rồng rắn xin cho được chữ ký, mỗi lần ra sách là mỗi lần tạo thành “cơn sốt”,… đó là những gì mà những gì các cây bút trẻ: Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Phan Ý Yên,… đang làm được. Nhưng đây liệu có phải là những cái tên tiêu biểu cho đời sống văn học trong nước hay chỉ là hiện tượng nhất thời?

'Bestseller', vì đâu?

Tại Hội sách TP HCM lần 8 vừa qua, Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Iris Cao,… đường hoàng bước vào danh sách các tác giả có sách bán chạy nhất, được độc giả yêu thích nhất. Kết quả này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi không hồi kết về cái gọi là thị hiếu thẩm mỹ của người đọc liệu có được nâng cao hay chỉ khác nhau ở sự chuyển mác từ văn học ngôn tình Trung Quốc sang Việt Nam?!

Gần đây, nhiều nhà phê bình dùng thuật ngữ “văn học thời trang” để gọi tác phẩm của những tác giả này, vì tính thức thời, hợp thị hiếu của nó. Qua tìm hiểu ý kiến của một số bạn trẻ trên các diễn đàn văn học thì thấy rằng, sở dĩ các bạn thích đọc những cuốn sách của các tác giả trong dòng văn học thời trang là vì cảm thấy dễ gần và dễ chia sẻ, có những điều người viết như nói hộ lòng mình. Đây cũng chính là tâm lý chung của rất nhiều bạn trẻ.

vi sao gioi tre thich van hoc thoi trang
Đông đảo bạn trẻ đến Hội sách TP HCM lần 8 - Ảnh: B.D

Một trong kênh quảng bá đắc lực đưa tác phẩm của những tác giả này đến với đông đảo người đọc trẻ chính là mạng xã hội. Khá nhiều bạn trẻ tiết lộ, họ biết đến cuốn sách chính là nhờ fanpage của tác giả/cuốn sách. Trên đó, họ có thể tìm đọc những câu “quote” (trích dẫn tiêu biểu) đầy sức gợi và đánh mạnh vào tâm lý thị dân của người trẻ như: “Đừng mong một người suốt đời sống chung thủy với thứ tình yêu của chúng ta. Hãy mong rằng dù có muôn vàn tình yêu đi chăng nữa, họ vẫn sẽ trở về bên chúng ta.” (Sách Người yêu cũ có người yêu mới của Iris Cao).

Hoặc: “Ở Sài Gòn, khái niệm thân và lạ cách nhau bởi một tờ giấy gọi là tiền. Gặp mặt đó, nếu chỉ ăn uống nói chuyện vồn vã, cười giỡn với nhau xong, đến lúc cầm hóa đơn thanh toán, mạnh ai nấy trả hay chia đều cho những ai có mặt, thì người ta còn thân, còn thiết tha gặp nhau. Nhưng để lúc sa cơ lỡ vận, gọi điện cho những người ‘thân’ để mượn tạm vài trăm ngàn qua cơn đói, mới thấy hóa ra xung quanh mình chỉ toàn người xa lạ.” (Sách Khóc giữa Sài Gòn của Nguyễn Ngọc Thạch).

Ngoài ra còn có hàng vạn lý do khiến người trẻ “phải” mua sách như: tựa rất gợi (“Khóc giữa Sài Gòn”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Thương nhau để đó”, “Ai rồi cũng khác”, “Em là để yêu”, “Cà phê với người lạ”,…), bìa bắt mắt, bản in đẹp, dịch vụ tặng kèm tốt, luôn được trưng bày ở những vị trí đẹp mắt, dễ nhìn thấy tại nhà sách,… Cộng thêm, những tác giả này có một lượng fan hâm mộ nhất định trước đó trên mạng xã hội, họ đều là những hot facebooker, thường hay chia sẻ quan điểm về những vấn đề nổi cộm được cộng đồng quan tâm và họ rất chịu khó chăm sóc, giao lưu “khách hàng”.

vi sao gioi tre thich van hoc thoi trang
Những quyển sách bán chạy nhất tại Hội sách TP HCM lần 8 

Tốc độ viết và phong độ của những cây bút này cũng thuộc hàng cao thủ khiến nhiều người cầm bút phải ước ao. Trung bình mỗi năm họ có thể xuất bản một cuốn sách hoàn toàn mới và tái bản một, hai cuốn cũ! Đi kèm đó là chiến dịch PR bài bản, nhắm là trúng lượng độc giả mục tiêu khiến người ta có cảm giác “không đọc là lạc hậu!”.

Một biên tập viên của một NXB uy tín cho biết: “Các tác giả trẻ ngày nay rất chịu khó và nhạy với việc PR. Trước khi sách ra một vài tuần, các bạn đã chuẩn bị sẵn bài giới thiệu, bài tự phỏng vấn để gởi cho các báo”.

Đường dài mới biết ngựa hay

Mới đây, nhà văn Nguyễn Đình Tú có một nhận định rất đáng để suy ngẫm: “Tạp văn, tản văn không đại diện cho văn học trẻ.” Ý kiến này đã phân tách được sự nhập nhằng của cái gọi là văn học trẻ bấy lâu nay mà rất nhiều người ngộ nhận. Cứ nhắc đến văn trẻ là nhớ đến Anh Khang, Hamlet Trương, đến Nguyễn Ngọc Thạch, Iris Cao,… mà quên mất song song đó vẫn có những cây bút đeo đẵng bám nghề bằng cách thử sức ở nhiều lĩnh vực truyện ngắn, truyện dài, thơ ca như: Võ Diệu Thanh, Tiểu Quyên, Phương Huyền, Trần Minh Hợp, Trần Thị Hồng Hạnh,… hay những cây bút mới đầy nội lực như: Đỗ Nhật Phi, Đoàn Phương Nam, Phạm Bá Diệp,…

Cùng nhắm một đối tượng – người đọc trẻ - thế nhưng, nếu như các cây bút vạn bản thiên về những câu chuyện lãng mạn, bắt trúng tâm lý người đọc tuổi teen, diễn đạt bằng những ngôn từ hoa mỹ, dễ đi vào lòng người thì các cây bút thầm lặng có sự tìm tòi, sáng tạo trong câu chữ, đề cập đến những vấn đề người trẻ trăn trở, quan tâm.

Cũng như thời trang, văn học giải trí chạy theo thị hiếu của đám đông nhưng rồi đám đông sẽ lớn, người viết cũng sẽ lớn, họ sẽ không thể mãi quẩn quanh trong những chiếc vỏ bọc cũ kỹ, những câu chuyện sáo mòn, trừ phi họ muốn bị bỏ lại phía sau. Và, cũng đừng vì vậy mà cho rằng, xu hướng đọc của người trẻ đang ngày càng đi xuống. Bởi, bản chất của thời trang tuy mang tính thời vụ nhưng không xấu mà có tính khuấy động phong trào, phản ánh cái nhìn của một bộ phận người trẻ.

vi sao gioi tre thich van hoc thoi trang
Quyển "Không gì là mãi mãi" của tác giả Phương Huyền

Qua cuộc khảo sát nhỏ, nhiều bạn đọc trẻ chia sẻ rằng, họ đọc sách của các cây bút trên là vì tò mò, vì trong lớp các em bạn nào cũng đọc. Nhưng rồi, các bạn trẻ này cũng đã sớm nhận ra một điều là một số tác giả bi lụy thái quá, số khác thì tô hồng thái quá như Trà sữa cho tâm hồn. Nên với nhiều bạn, đọc vui, thư giãn thì được mà không có cũng không sao! Nhiều ý kiến tương tự cho rằng các bạn đồng lứa đang bị cuốn theo những thứ dễ đọc, mang nhiều tính giải trí, yêu đương lãng mạn, sướt mướt, cho bớt áp lực khi căng thẳng học hành, công việc và có thêm màu sắc cho cuộc đời đỡ khô cứng. Nhưng, đọc xong rồi quên!

Chị T.H biên tập viên NXB cho biết: “Có không ít tác giả trẻ khi sách trở thành hiện tượng thường gọi khoe với tôi rằng, chị ơi, sách bán chạy lắm! Là một biên tập, tôi rất mừng. Nhưng tôi cũng khuyên các bạn, hãy lắng lại. Bởi lẽ, sách là một sản phẩm tinh thần đặc biệt mà giá trị của nó cần sự kiểm định qua thời gian. Tất cả sự hào nhoáng, ồn ào đều nằm lại bên ngoài văn chương. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng. Liệu 5 năm nữa, 10 năm nữa, tác phẩm đó có còn được nâng niu như những tác phẩm chúng ta đã từng nâng niu hay không?”

Rõ ràng, sách bestseller của các cây bút trẻ góp phận làm sôi động diện mạo đời sống văn học nhưng rất khó để ghi nhận chiều sâu của những tác phẩm này. Tuy nhiên, cũng đừng đòi hỏi họ phải cải thiện chất lượng, đừng đánh đồng rằng văn học trẻ chỉ có họ rồi đâm ra bi quan rằng văn học đang ngắc ngoải, văn hóa đọc của người trẻ đang đi xuống!

Điều cần học hỏi ở đây chính là làm thế nào để trang bị hoặc cho các cây bút, các nhà xuất bản một lộ trình đầu tư xa, quy hoạch chiến lược rõ ràng, bài bản nhằm đưa những tác phẩm có giá trị thực sự đến với đông đảo công chúng.

Thiên Hương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.