Vì sao giá dầu Mỹ lên đỉnh?

13:34 | 03/07/2018

|
(PetroTimes) - Được thúc đẩy bởi một sự kết hợp hoàn hảo của các tình huống căng thẳng địa chính trị, mất điện ở mỏ dầu và các vấn đề cơ sở hạ tầng, giá dầu của Mỹ ngày 27/6 đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm qua bất chấp những cố gắng làm hạ giá dầu của Tổng thống Donald Trump.  

Trên thị trường New York ngày 27/6, 1 thùng dầu WTI của Mỹ giao trong tháng 8/2018 tăng lên đến 73,06USD, trước khi đóng cửa vẫn ở mức 72,76USD (tăng 3,2% so với ngày 26/6), mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Tại London, 1 thùng dầu Brent có lúc tăng đến 78,16USD, trước khi kết thúc phiên giao dịch dừng ở mức 77,62USD (tăng 1,7%).

vi sao gia dau my len dinh
Số lượng các giếng khoan ở Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây

Vào thời điểm người dân Mỹ đang chuẩn bị đổ đầy bình xăng cho các kỳ nghỉ hè, báo cáo chính thức của Bộ Năng lượng Mỹ ngày 27/6 cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm 9,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/6.

Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang hoạt động với công suất rất cao (97,5%), cho thấy nhu cầu rất cao về dầu ở Mỹ trong những ngày này. Và, Mỹ cũng chưa bao giờ xuất khẩu quá nhiều dầu thô như hiện nay, tới 3 triệu thùng/ngày.

Cùng thời điểm này, các nhà đầu tư lo ngại rằng, nguồn cung “vàng đen” trên thị trường thế giới sẽ giảm do sự xáo trộn ở nhiều nơi khác nhau. Theo chuyên gia James Williams của Hãng WTRG Economics, đây là “một sự kết hợp hoàn hảo của hoàn cảnh” để đẩy dầu tăng giá.

Cơn sốt giá dầu xảy ra ngay cả khi Tổng thống Mỹ trong những tháng gần đây đã nhiều lần tìm cách làm hạ giá dầu và cáo buộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là chủ mưu cho tình trạng giá dầu tăng lên mức cao. Việc ông Donald Trump “tấn công” OPEC để gây áp lực buộc tổ chức này tăng sản lượng dầu thô nhằm kéo giá dầu đi xuống được cho là nhằm mục đích chính trị nội bộ trong nước.

Vào tháng 11/2018, Quốc hội Mỹ sẽ bầu giữa kỳ, nếu giá dầu cao, đảng của Tổng thống Donald Trump sẽ mất lợi thế. Để khôi phục lại giá dầu, đã giảm xuống dưới 30USD/thùng vào đầu năm 2016, OPEC và 10 đối tác, trong đó có Nga, đã quyết định hạn chế sản lượng vào cuối năm 2016.

Đối với các nhà máy lọc dầu của Mỹ, vấn đề bức xúc nhất hiện đến từ Canada, nơi mỏ dầu cát Syncrude sản xuất tới 350.000 thùng/ngày đã bị đóng cửa tuần trước do bị cúp điện.

Tại Mỹ, sản lượng khai thác dầu đã ở mức kỷ lục (10,9 triệu thùng/ngày) và khó có thể tăng thêm trong thời điểm này, chuyên gia John Kilduff thuộc Quỹ Again Capital nói. Các giếng khoan ở Mỹ đã tăng nhanh trong những năm gần đây ở khu vực này, nơi dầu đá phiến dồi dào nhưng cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp. Kilduff nói: “Các công ty buộc phải kiềm chế hoạt động vì các thùng dầu không thể được vận chuyển ra khỏi đây”.

Sản lượng dầu cũng giảm mạnh trong những tháng gần đây ở Venezuela, khi đất nước chìm vào khủng hoảng kinh tế. Và ở Libya, các phe phái chính trị đang tham gia vào một cuộc tranh giành quyền kiểm soát các cơ sở dầu mỏ. Giao tranh ở các khu vực dầu mỏ đã khiến Libya giảm xuất khẩu khoảng 240.000 thùng/ngày và có thể còn giảm hơn nữa trong thời gian tới. Libya chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, sản xuất 1,6 triệu thùng/ngày trước khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011. Sản xuất dầu thô đã giảm 5 lần sau đó, trước khi vượt quá 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, sản xuất dầu thường xuyên bị xáo trộn bởi bạo lực.

Trong lúc này, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách thúc giục tất cả các nước nhập khẩu dầu mỏ lớn của Iran ngừng mua dầu từ Tehran từ nay đến ngày 4/11 nếu họ muốn tránh lệnh cấm vận của Mỹ. Ngày 26/6, một quan chức cấp cao của Mỹ kêu gọi tất cả các nước phải ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu dầu Iran. “Đây là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chúng tôi. Tôi cảnh báo trước rằng sẽ dứt khoát không có bất cứ một ngoại lệ nào”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo trong một cuộc họp báo.

Nhà ngoại giao này vừa mới thăm nhiều nước châu Âu và châu Á, sẽ sớm trao đổi với Trung Quốc và Ấn Độ để đưa ra những yêu cầu tương tự. “Chúng tôi sẽ yêu cầu nhập khẩu dầu của họ giảm xuống mức bằng không”, nhà ngoại giao này nhấn mạnh và nói thêm rằng, việc giảm nhập dầu phải thực hiện “ngay bây giờ” để các giao dịch mua hoàn toàn dừng lại vào ngày 4/11.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày 8/5 rút khỏi thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn Iran trang bị vũ khí nguyên tử. Sau đó, Tổng thống Mỹ đã phục hồi tất cả các lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ theo thỏa thuận này, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty nước ngoài làm ăn với Tehran. Các công ty này phải lựa chọn giữa đầu tư vào Iran và vào thị trường Mỹ. Washington đã cho họ từ 90 - 180 ngày để rút khỏi thị trường Iran.

Từ tháng 5/2018, các nước châu Âu đã cố gắng thương lượng miễn trừ một số lĩnh vực hoặc hợp đồng, nhưng Mỹ đã xác nhận hôm 26/6 rằng, sẽ không có sự miễn trừ nào. Theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran khó có khả năng dừng toàn bộ. “Ấn Độ nhập khẩu một lượng lớn dầu thô của Iran nhưng Ấn Độ gần đây ám chỉ rằng sẽ thực hiện theo yêu cầu của Washington” - chuyên gia phân tích Sukrit Vijayakar thuộc Trifecta Consultants nhận định - “Tuy nhiên, Trung Quốc đã không cam kết ngừng mua dầu của Iran. Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay khó có thể khiến Bắc Kinh thực hiện yêu cầu của Washington”.

OPEC và 10 đối tác tuần trước đã thống nhất tăng 1 triệu thùng mỗi ngày nhưng vẫn bảo đảm các hạn ngạch sản xuất mà họ đạt được vào cuối năm 2016. Và Arập Xêút, lãnh đạo OPEC cho biết sẽ tăng sản lượng trong tháng 7/2018 lên 11 triệu thùng/ngày, một mức kỷ lục.

Nhưng lập trường kiên quyết của Washington chống lại Tehran “chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm dầu của Iran trên thị trường thế giới mà các nước khác khó có thể bù đắp được”, chuyên gia John Kilduff nói.

Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang hoạt động với công suất rất cao (97,5%), cho thấy nhu cầu rất cao về dầu ở Mỹ trong những ngày này. Và, Mỹ cũng chưa bao giờ xuất khẩu quá nhiều dầu thô như hiện nay, tới 3 triệu thùng/ngày.

D.H