Vì sao chứng khoán sôi động?

08:33 | 07/12/2020

189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần qua, chỉ số VN-Index không chỉ vượt xa mốc 1.000 điểm mà còn quay lại mốc điểm cao nhất vào năm 2019, tương đương với mốc 1.021-1.022 điểm. Trong bối cảnh nhiều ngành nghề, lĩnh vực lao đao vì dịch Covid-19, thì kênh đầu tư chứng khoán mang lại lợi nhuận cho không ít nhà đầu tư (NĐT).
Vì sao chứng khoán sôi động?
Nhà đầu tư giao dịch trực tuyến tại một công ty chứng khoán Hà Nội.

Sức mạnh dòng tiền nội

VN-Index sau khi giảm xuống 662 điểm vào cuối tháng 3 đã hồi phục lên gần 1.000 điểm vào giữa tháng 11, tương đương mức điểm phổ biến giai đoạn đầu năm trước khi sụt giảm vì dịch Covid-19.

Đến tuần qua, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm trong 4 phiên liên tiếp. Mức điểm cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.025,17 điểm và 988,71 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 11,27 điểm, tương ứng tăng 1,1% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.021,47 điểm. Tương tự, sàn HNX tổng cộng cả tuần, chỉ số HNX-Index tăng 4,31 điểm, tương ứng tăng 2,9% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần ở mức 152,48 điểm. Thanh khoản tiếp tục tăng cao và cao hơn mức trung bình 20 tuần. Giá trị giao dịch trung bình đạt 11.422,29 tỷ mỗi phiên, tăng gần 10%. Còn trên sàn HNX, giá trị giao dịch trung bình đạt 1.092,13 tỷ mỗi phiên.

Công ty Chứng khoán Agirbank cho rằng: Năm 2021, vĩ mô ổn định và tăng trưởng hơn nhờ các chính sách kích thích kinh tế, nhiều DN sẽ lấy lại đà tăng trưởng. NĐT nên tập trung vào các DN có triển vọng hồi phục tốt cũng như đảm bảo sự bền vững trong dài hạn.

Các NĐT đã lấy lại những gì đã mất trong đại dịch, nhưng những NĐT biết chớp cơ hội, đặc biệt là các NĐT mới (F0) tham gia trong giai đoạn thị trường tăng điểm thì lãi lớn. Sau khi đạt được lợi nhuận, không ít NĐT đổ thêm tiền vào tài khoản để giao dịch nhằm có cơ hội thu lời nhiều hơn. Không ít cổ phiếu được NĐT bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận nhưng giá chưa kịp điều chỉnh xuống mức kỳ vọng để mua lại thì đã nhanh chóng bật tăng cao hơn, vì các NĐT khác “gom hàng”.

Thực tế, xung lực chính đến từ dòng vốn nội, chưa khi nào trong lịch sử thị trường, mối quan tâm của NĐT với thị trường chứng khoán lại lớn như năm nay. Trung bình mỗi tháng có khoảng 30.000 tài khoản chứng khoán mới được mở, nâng tổng số lượng tài khoản trên toàn thị trường lên gần 2,7 triệu, tương đương hơn 2,7% dân số. Dòng tiền dự kiến tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn đang phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lọc cơ hội từ cổ phiếu triển vọng

Tâm lý lạc quan của NĐT trên toàn cầu về vaccin phòng Covid-19 đang dần xuất hiện, cùng với việc xét nghiệm và điều trị hiệu quả hơn sẽ giúp cải thiện tình hình. Kinh tế đang hồi phục và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số chứng khoán tiến lên những mức điểm cao hơn.

Theo thống kê của FiinPro, trong quý III/2020, lợi nhuận của 347 DN phi tài chính (trừ Vietnam Airlines) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của các DN đã có sự cải thiện mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát; Đặc biệt, một số ngành tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận như tài nguyên cơ bản, ô tô, phụ tùng và bán lẻ; Riêng ngành bán lẻ có doanh thu quý III/2020 gấp 7 lần quý II và lợi nhuận sau thuế tăng 30,2%; Khối DN ngành tài chính cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu quý III/2020 tăng 7,1%, lợi nhuận tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về dài hạn, chứng khoán sẽ vẫn tích cực khi tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,5% (cao hơn mục tiêu tăng 6% của Quốc hội). Với chỉ tiêu lạm phát, áp lực dự kiến không cao do sức cầu có thể vẫn yếu, trong khi cung tiền và tín dụng ở mức độ hài hòa trong cả năm 2019 và 2020, không tạo sức ép lên lạm phát.

Tuy vậy, theo Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Phan Dũng Khánh, so với vài tháng trước, giá nhiều cổ phiếu ở mức cao. Trong ngắn hạn (thời gian còn lại của năm 2020), thị trường sẽ khó bứt phá khi giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, trong khi khối NĐT nước ngoài duy trì động thái bán ròng, giao thương quốc tế vẫn còn bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19… “Nhiều khả năng chỉ số chứng khoán sẽ tăng chậm lại để “chờ đợi song hành với nền kinh tế” - ông Khánh nhận định.

Trái ngược với sự hưng phấn của NĐT trong nước, khối NĐT nước ngoài đã bán ròng gần 29.000 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE. Tuy nhiên, nhờ các thương vụ mua thỏa thuận lớn ở một số mã cổ phiếu như VHM, MSN… tổng giá trị bán ròng trong 10 tháng chỉ là 7.400 tỷ đồng.

Theo Báo Kinh tế & Đô thị

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps