Vì sao Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ chức?

07:05 | 30/09/2015

4,781 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 26/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner tuyên bố từ chức. Nhiều người cho đó là một quyết định gây bất ngờ nhưng tìm hiểu ra thì sự ra đi của ông Boehner cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
vi sao chu tich ha vien my tu chuc Chủ tịch Hạ viện Mỹ bất ngờ tuyên bố từ chức

Từ chức sau khi “ngộ đạo”

Trước khi bước vào phiên họp cuối tuần trước, các nghị sĩ Cộng hòa chỉ biết đây là phiên họp thường lệ, ông Chủ tịch Hạ viện John Boehner trình bày những gì sẽ làm trong tuần tới.

Giữa lúc có người đứng dậy sửa soạn rời phòng họp, ông bỗng cất tiếng yêu cầu tất cả nán ở lại vài phút nữa vì “tôi có việc muốn trình bày với các bạn”. Khoảng 5 phút đồng hồ sau đó, cánh cửa phòng họp mở ra đi kèm với tin ông Chủ tịch Hạ viện sẽ từ chức, ngày làm việc cuối cùng của ông là ngày 31/10 tới.

Thành công lớn nhất trong cuộc đời chính trị của ông chưa hẳn đã là 13 lần liên tiếp được cử tri tín nhiệm, mà có lẽ là mời được Giáo hoàng đọc bản thông điệp trước Lưỡng viện Quốc hội.

vi sao chu tich ha vien my tu chuc
Ông Boehner xúc động khi được diện kiến Giáo hoàng

Trưa ngày 25/9, một ngày sau cuộc tiếp đón Giáo hoàng Francis đến đọc diễn văn tại Quốc hội, Chủ tịch Boehner tuyên bố với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Đêm qua tôi đã bắt đầu suy nghĩ về việc này. Buổi sáng thức dậy và sau khi cầu nguyện như mọi ngày, tôi quyết định rằng hôm nay là ngày để làm điều ấy. Chỉ đơn giản là như vậy”.

Ông Boehner nói thêm rằng chuyến thăm Quốc hội của Giáo hoàng Francis là chất xúc tác cho ông đưa ra quyết định này. Boehner là một giáo dân công giáo thuần thành. Ông kể lại bằng giọng cảm động: “Giáo hoàng choàng tay ôm tôi và nói: Hãy cầu nguyện cho ta. Tôi là ai mà có thể cầu nguyện cho Ngài? Nhưng tôi đã làm”. Ông cũng nhắc lại lời Giáo hoàng trong bài diễn từ đọc tại Quốc hội, và ông mong mỏi rằng “chúng ta hãy lưu ý đến lời kêu gọi của Ngài để sống bằng khuôn vàng thước ngọc”. Và ông nhấn mạnh về sự quan trọng đối với các giới lãnh đạo là “phải tìm ra một mẫu số chung để giải quyết mọi việc”.

Trước đó hôm 14/9, ông còn kể lại cho mọi người nghe chuyện khi còn là một câu học sinh giúp lễ ở nhà thờ “tôi đã ước mơ có ngày được gặp Giáo hoàng”, năm 1990 khi vừa đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên “tôi đã vận động, xin ông Chủ tịch Hạ viện Tom Foley gửi thư mời Ðức Thánh Cha ghé thăm Quốc hội”.

Vậy là ước mong thuở bé của ông trở thành sự thật. Trước khi ra đọc bản thông điệp trước Lưỡng viện, Giáo hoàng Francis ghé văn phòng chào ông. Không biết ông nói gì với Ðức Thánh Cha trong cuộc gặp riêng kéo dài chỉ 10 phút đồng hồ đó, chỉ thấy sau đó, ông nhiều lần đưa khăn lau nước mắt khi nghe Giáo hoàng kêu gọi mọi người phải làm việc chung với nhau, nhắc nhở trách nhiệm của các vị nghị sĩ lập pháp là phải thông qua những đạo luật chỉ phục vụ cho con người chứ không phục vụ cho mục đích nào khác.

Thất bại chính trị

Ngay từ ngày đầu năm 2010 khi được chọn để nắm giữ vai trò điều khiển ngành lập pháp - kể cả sau cuộc bầu cử 2014 giúp đảng Cộng hòa nắm đa số Thượng lẫn Hạ viện, ông luôn phải đối phó với sự chống đối đến từ chính các vị nghị sĩ thuộc nhóm Tea Party cùng đảng, những người lớn tiếng chỉ trích ông “đi sát với chính sách của phe Dân chủ thay vì phải bảo vệ lập trường bảo thủ và uy thế của đảng Cộng hòa”. Những chuyện đấu đá nội bộ khiến ông ngày thêm nản lòng, đặc biệt trước tin đầu tháng tới, nhóm Tea Party sẽ tổ chức bầu cử lại để tìm cách loại trừ ông khiến ông không còn hăng hái làm việc như trước.

Theo lời ông Chánh Văn phòng Mike Sommers, “ông sếp có đủ phiếu ủng hộ để vượt qua sóng gió, nhưng tôi thấy rõ ông ngày một chán nản hơn, không muốn thấy cuộc bỏ phiếu nội bộ này xảy ra, và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến ông đột ngột quyết định từ chức”.

Ðiều đó cũng được ông nói tới trong cuộc họp báo vào giữa trưa hôm sau khi thông báo từ chức. Ông bảo sau 25 năm trời phục vụ trong vai trò một dân biểu và sau 5 năm giữ vai trò chủ tịch Hạ viện, ông thấy đã tới lúc “nên để cho đảng chọn người mới thay thế vào vị trí của tôi”. Ông cũng khéo léo nhìn nhận sự chống đối của nhóm Tea Party là một trong những lý do khiến ông quyết định từ giã chính trường, bảo rằng ông không muốn thấy cuộc bỏ phiếu loại ông ra khỏi vị trí lãnh đạo xảy ra, vì “chỉ gây ảnh hưởng bất lợi cho tòa nhà Quốc hội”.

Trong 5 năm ở cương vị Chủ tịch Hạ viện, ít nhất 2 lần ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Dân chủ Barack Obama về ngân sách, nhưng cả 2 lần đó đều không thực hiện được vì gặp sự chống đối của những đồng viện cùng đảng. Tin hành lang cho biết, có lần Tổng thống Mỹ bực dọc nói với ông “tôi tưởng mọi chuyện xong xuôi, thỏa thuận giữa tôi và ông đã xong, phần còn lại là trách nhiệm của ông thì ông làm không tròn”.

Tin từ văn phòng ông cho hay, ông rất muốn làm điều đã cam kết với Tổng thống, nhưng sau khi rời Nhà Trắng về lại Quốc hội để trình bày với mọi người “thì gặp chống đối mạnh mẽ, phe bảo thủ nhất mực cho rằng, ông đã đi quá đà, nhượng bộ bên Dân chủ”. Từ đó căng thẳng giữa ông và Tổng thống ngày một tăng, đồng thời sự rạn nứt trong nội bộ đảng cũng ngày một rõ rệt hơn, cá nhân ông dù cố gắng tới đâu cũng không thể hàn gắn được.

Ai sẽ thay Boehner?

Người có triển vọng thay thế ông Boehner là nhân vật thứ nhì của đảng Cộng hòa, dân biểu Kevin McCarthy. Ông Boehner không can dự vào việc bầu chọn người kế nhiệm mình nhưng nói rằng người phó của ông, thủ lĩnh khối đa số Hạ viện McCarthy “có thể là một chủ tịch Hạ viện xuất sắc”.

Theo các nhà quan sát, hiện không có một đối thủ nào đe dọa tham vọng giành chức vụ Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy. Cuộc bầu cử chủ tịch sẽ diễn ra cuối tháng 10 tới khi sự từ chức của Boehner có hiệu lực và Quốc hội vào khóa họp mới.

 

S.Phương

Năng lượng Mới 461

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc