Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỉ lệ cao

17:55 | 19/08/2011

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 6 tháng đầu năm 2011, Sở Y tế TP HCM tiến hành thanh, kiểm tra 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện đến 85 cơ sở vi phạm chiếm tỉ lệ 81%. Trong đó, số bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn vi phạm chiếm tỉ lệ cao.

Nguy cơ từ bếp ăn tập thể

Số bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn không đạt yêu cầu vệ sinh chiếm tỉ lệ gần 80%. Từ đầu năm đến nay, thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra 29 bếp ăn tập thể thì phát hiện đến 23 cơ sở vi phạm và có 62/76 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn được kiểm tra phát hiện vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở này là nơi chế biến không đảm bảo vệ sinh, tường ám khói, sàn đọng nước, dụng cụ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, sử dụng thực phẩm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc…

Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể chủ yếu cung cấp bữa ăn cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Điều này lý giải vì sao khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì đối tượng mắc phải thường là công nhân.

Chỉ trong 3 tuần (cuối tháng 6 và giữa tháng 7), TP HCM đã liên tiếp xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm hơn 600 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, đối tượng bị ngộ độc chủ yếu là công nhân ở KCX -KCN.

Các mẫu thực phẩm không an toàn được Sở Y tế TP HCM phát hiện qua thanh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, bữa ăn công nhân quá rẻ cũng là nguyên nhân dẫn dến các những nhà kinh doanh bếp ăn tập thể phải mua nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để chế biến nhằm kiếm lời và việc này cũng làm cho nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng. Hiện nay, ở KCN Tân Bình vẫn tồn tại suất ăn cho công nhân với giá dưới 8.000 đồng/suất và còn nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp suất ăn với các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Tại KCN Vĩnh Lộc, các bếp ăn tập thể hầu như không chấp hành các quy định VSATTP…

Tuy nhiên, theo một đại diện của ban quản lý KCX – KCN TP HCM, pháp luật không quy định việc doanh nghiệp phải tổ chức bữa ăn cho công nhân. Do đó, giá suất ăn công nhân cũng không có quy định mà tùy thuộc vào doanh nghiệp. Hiện nay, việc các cơ quan chức năng đề nghị nâng giá bữa ăn cho công nhân cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, cảnh báo cho doanh nghiệp chứ không thể bắt buộc.

Phát hiện nhiều thực phẩm nhiễm độc

Từ đầu năm đến nay, thanh tra Sở Y tế TP HCM đã tiến hành thanh, kiểm tra và phát hiện nhiều thực phẩm chứa hóa chất, phẩm màu độc hại; thực phẩm không rõ nguồn gốc; phát hiện nhiều mẫu mì, chả chứa hàn the; phẩm màu thực phẩm có chứa sudan; bún chứa formol và nước mắm nhiễm vi sinh.

Thanh tra đã tịch thu, tiêu hủy hơn 4.500 quả trứng gia cầm, 63kg thịt heo, bò, dê không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; 55kg bún, mì, chả không đảm bảo VSATTP; nhiều loại hóa chất, bột, rượu… hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng VSATTP.

Ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết: Ngoài các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP vi phạm thì còn rất nhiều cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn không chấp hành các quy định về VSATTP. Qua kiểm tra ở 94 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì có đến 74 cơ sở vi phạm.

Điều này đặt ra câu hỏi, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP có phải quá dễ dãi hay chỉ mang tính hình thức? Vì hàng loạt các cơ sở vi phạm đều đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Những con số trên cho thấy, tình hình VSATTP vẫn hết sức phức tạp và còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc thiếu nhân lực trong hoạt dộng thanh, kiểm tra; nhận thức chưa tốt về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong nước thì tình hình an toàn thực phẩm thế giới có nhiều biến động cũng là yếu tố tác động lớn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước, như vụ sữa chứa melamine, thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất DEHP, dịch cúm gia cầm (H5N1), heo tai xanh, dịch lở mồm long móng…

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc