Vì mục tiêu khai thác 75 triệu tấn than

07:00 | 26/08/2013

1,346 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Quy hoạch phát triển ngành than, Chính phủ giao cho ngành than đến năm 2030 phải sản xuất trên 75 triệu tấn than cho nền kinh tế, gấp gần 2 lần sản lượng hiện nay. Đây là một thách thức rất lớn, để làm được việc đó, ngay từ bây giờ ngành than phải dốc sức triển khai bằng nhiều giải pháp.

Huy động mọi nguồn lực

Theo tính toán, từ nay đến 2020, bể than Đông Bắc cơ bản đáp ứng được mục tiêu khai thác, nhưng đến năm 2025, bể than Đông Bắc chỉ khai thác được cao nhất khoảng 65 triệu tấn, thiếu khoảng 10 triệu tấn so với chiến lược đề ra. Để bù đắp vào lượng than đó, bể than Sông Hồng sẽ được huy động và cũng khai thác ở mức 2 triệu tấn (2025) và có khả năng tăng lên 10 triệu tấn (2030). Tổng trữ lượng than tính đến ngày 1/1/2011 là 48,7 tỉ tấn, trong đó than đá là 48,4 tỉ tấn. Trữ lượng than huy động vào quy hoạch là 7,2 tỉ tấn. Sản lượng khai thác than tăng dần các năm, cụ thể 2012: 47 triệu, 2015: 58 triệu, 2020: 65 triệu, 2025: 70 triệu, 2030: 75 triệu.

Như vậy, chỉ tính việc đặt ra sản lượng than khai thác than đáp ứng cho nền kinh tế nêu trên cho thấy, sản lượng than phải đáp ứng theo cấp số nhân. Đây là con số không hề đơn giản chút nào, để chuẩn bị một mỏ than mới, hàng ngàn thợ mỏ phải làm việc cật lực ngót một thập kỷ như tại mỏ Khe Chàm 3 (chủ đầu tư là Công ty Than Khe Chàm - Vinacomin) là một ví dụ. Được khởi công từ năm 2006 với cặp giếng được đặt tên lạc quan, giếng An Khang, giếng Thịnh Vượng, đào từ mặt bằng sân công nghiệp mức +17 xuống mức -300. Nhưng đến nay đã gần 7 năm, những tấn than đầu tiên vẫn chưa thực hiện được.

Mỏ than Cọc 6

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, khi lập quy hoạch phát triển ngành, Tập đoàn đã tính toán xác định chi tiết nhu cầu cả về sản lượng và mục tiêu. Theo đó, mục tiêu phát triển ngành than phải đạt được các tiêu chí khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc xuất, nhập khẩu than phải đảm bảo hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Cũng theo quy hoạch chỉ rõ, phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước v.v…) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản trị rủi ro trong khai thác than. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành than đến năm 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 317.000 tỉ đồng (khoảng 15 tỉ USD). Tính bình quân, mỗi năm ngành than cần có hơn 35 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,7 tỉ USD. Vấn đề phát triển ngành than với tốc độ cao như vậy, đòi hỏi phải có một lượng vốn khá lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ mỗi năm. Đây là một thách thức không nhỏ trong điều kiện nền kinh tế có nhiều diễn biến xấu như hiện nay.

Do vậy, để đảm bảo có nguồn vốn cho phát triển, Vinacomin chủ trương đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh. Tức là xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho sản xuất. Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, phải trên cơ sở doanh nghiệp do Nhà nước chi phối đóng vai trò chủ đạo. Đây là cơ sở và là hướng đi vững chắc để Vinacomin thực hiện được mục tiêu của mình. “Hiện nay đã có một số dự án chúng tôi huy động nguồn vốn xã hội khá thành công như tuyến băng tải cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê, một số dây chuyền tuyển than. Và tới đây, hai tuyến băng tải vận tải đá với giá trị trên 2.000 tỉ đồng tại các công ty than Cao Sơn, Đèo Nai cũng sẽ được đấu thầu rộng rãi. Nhiều nhà thầu đã quan tâm tìm hiểu…” - ông Trần Xuân Hòa cho biết.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng được Vinacomin đặt ra trong chiến lược là phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái tại vùng than. Đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn này. Trong công tác an toàn cho người lao động, Vinacomin cũng chủ trương đầu tư công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm tổn thất tài nguyên v.v…

Cơ giới hóa - phương án tối ưu

Trên thực tế, tốc độ phát triển của Vinacomin trong những năm qua đã khẳng định, Vinacomin đưa ra mục tiêu trên là hoàn toàn phù hợp. Để việc khai thác than đạt hiệu quả cao nhất, chỉ trong vòng chưa đầy thập kỷ qua, Vinacomin đã đưa hàng loạt dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại vào khai thác và chế biến than. Các dây chuyền này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đột phá quan trọng nhất là Vinacomin đã chuyển từ vì chống gỗ trong hầm lò sang vì chống thủy lực trong khai thác than, góp phần giảm sử dụng gỗ dễ dẫn đến phá rừng, tăng sản lượng một lò chợ từ 50.000-60.000 tấn lên 150.000-200.000 tấn/năm, có nơi đạt trên 200.000 tấn/năm. Nhiều lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đã đạt 400-500 ngàn tấn/năm.

Bên cạnh đó, việc đưa hệ thống kiểm soát khí cháy nổ khí mêtan vào trong hầm lò đã giúp các mỏ hầm lò làm chủ việc đánh giá hàm lượng khí mêtan trong các vỉa than, kiểm soát, phân tích thông gió và quan trắc khí mỏ hầm lò. Việc hình thành Trung tâm An toàn mỏ cũng đã giúp ngành than đưa trình độ công nghệ quản lý khí mỏ của Vinacomin sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới. Nhờ đó, việc xác định độ chứa khí mêtan trong các vỉa than đã được thực hiện tại tất cả các mỏ và được phân loại theo mức độ nguy hiểm về khí. Hàng loạt hệ thống tự động quan trắc khí mêtan tập trung đã được thiết kế, lắp đặt và đưa vào hoạt động ở hầu hết các mỏ hầm lò và được kết nối với mạng Internet để giám sát từ xa. Hệ thống tháo khí mêtan trong vỉa than đã được đưa vào hoạt động tại một số đơn vị hiệu quả.

Và hiện nay, để đưa quy hoạch này trở thành hiện thực, Vinacomin đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện dứt điểm một số nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính đột phá. Khẩn trương triển khai một số dự án mở mỏ hầm lò mới như: Khe Chàm II - III - IV, mỏ hầm lò Núi Béo, Mạo Khê... Các mỏ than tại vùng Quảng Ninh, Vinacomin chỉ đạo đẩy mạnh cơ giới hóa khấu than trong lò chợ để từ nay đến năm 2015, ở mỗi mỏ có 1-2 lò chợ cơ giới hóa với công suất tối thiểu đạt 300-400 ngàn tấn/năm… Đặc biệt, đối với lời giải cho việc khai thác than Đồng bằng sông Hồng. Vinacomin đang nghiên cứu thử nghiệm công nghệ đào chống và khấu than trong điều kiện đất đá mềm yếu, sự ảnh hưởng của nước mặt và nước sông Hồng đến các công trình mỏ cũng như vấn đề suy thoái nước mặt và nước ngầm, sụt lún bề mặt đất và bảo vệ đồng ruộng, hoa màu và các công trình bề mặt… Đây là những tiền đề vững chắc để Vinacomin thực hiện thành công đề án phát triển của mình trong 10-15 năm tới đây.

Hải Hà

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps