Về nơi nông dân có… lương hưu

06:17 | 13/01/2013

1,983 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào ruộng nương. Từ ngàn xưa đã thế và bây giờ Thanh Văn vẫn vậy. Nhưng chính khi đất đai ngày càng co hẹp, đất chật người đông, chi phí để có hạt thóc, hạt ngô càng lớn thì những người nông dân trong xã này lại… có lương hưu.

Khi nông dân… về hưu

Cụ bà Tô Thị Tỵ ở thôn Úc Lý, xã Thanh Văn mới ngót 70 tuổi nhưng lưng đã gù, răng đã rụng gần hết và tay lúc nào cũng run lẩy bẩy. Cụ sinh 10 người con, nhưng chỉ nuôi được 7 và giờ tất cả đã có gia đình, đều quẩn quanh lấy chồng, lấy vợ và sinh nhai trong thôn ấy.

Gặp tôi, cụ Tỵ cười nhăn nhó: “Chú thử tính thì biết, các em nó đều ít học cả, ruộng vườn mà đủ ăn, không phải thiếu nợ với ai đã là gắng sức lắm rồi. Tôi còn suất ruộng, thuê người cày cấy mỗi vụ cũng được trả vài tạ thóc nên cái ăn cũng chả đến nỗi thiếu thốn”.

Nói là chẳng thiếu cái ăn nhưng cụ Tỵ nay ốm mai đau. Toàn là những bệnh lặt vặt của người già, nhưng không có tiền thuốc thang thì cũng chẳng xong. Lại còn đình đám, ma chay, giỗ chạp… không có đồng ra đồng vào thì biết làm sao. Tuổi già như lá úa, chỉ cơn gió nhẹ là có thể lìa cành, cụ Tỵ chẳng nói ra nhưng các con cụ đều lo lắng.

Người nông dân chân lấm tay bùn ở xã Thanh Văn lần đầu tiên trong đời biết đến lương hưu

Anh Hân, con trai cả của cụ liền họp gia đình, mỗi người gắng gượng một chút, góp cho đủ 4 triệu đồng đóng quỹ. Làm vậy là để từ giờ đến hết đời, tháng nào cụ Tỵ cũng nhận được 300.000 đồng lương hưu. Đó gần như là cái quỹ để cụ dưỡng già, phòng khi đau yếu. Như thế, với cụ đã là mãn nguyện lắm rồi.

Khác với cụ Tỵ, anh Đàm Văn Thông, cũng ở thôn Úc Lý năm nay mới ngót 40 tuổi. Đang lúc tráng niên, anh Thông xung vào đội đóng gạch thuê trong làng kiếm miếng ăn. Nghề ấy quả thực là nghề bán sức khỏe kiếm sống nên sau vài năm ăn ngủ bên cạnh lò gạch, phổi anh đã mục ruỗng, lúc nào cũng thở khò khè như người mắc ho hen.

Thế nhưng, cái khốn khó chẳng chịu tha anh, trong một lần nhãng ý, máy nghiền đất đã “nuốt” mất của anh cái chân phải, cụt đến tận ngang đùi. Anh Thông thành phế nhân, sức khỏe sụt giảm, anh đành loanh quanh ở nhà nhận hàng vàng mã về làm thuê, cũng chỉ đủ tiền rau cháo. Anh bảo: “Tớ giờ thành người một chân, trẻ thì không sao, vẫn gọ ghẹ kiếm ăn được nhưng lúc về già thì biết thế nào. Đóng chút tiền bảo hiểm, mỗi tháng chỉ có 20.000 đồng thôi, khi tớ 60 tuổi là có lương rồi, khỏi lo”.

Với anh Thông, niềm hy vọng được có lương lúc cuối đời đã gần như cái phao cứu sinh để anh bám vào và là động lực cho anh gắng gượng lao động hằng ngày.

Là một trong những thành viên đầu tiên được nhận lương hưu nông dân, vợ chồng ông Nguyễn Như Tồn, 70 tuổi và bà Nguyễn Thị Nên, 67 tuổi ở thôn Bạch Nao không giấu nổi xúc động. Gặp tôi, ông Tồn cho biết, vợ chồng ông có 5 sào ruộng, nhưng sức ông bà đều đã cạn nên phải thuê người làm. Thế nên thu hoạch mỗi vụ đáp đổi và chỉ đủ trả chi phí. Tủi một nỗi, nhiều lúc có việc đình đám cũng không dám đi vì không có tiền. Vì thế, cùng với số tiền hai vợ chồng chắt chiu gom góp được và con cháu giúp, hai vợ chồng ông tham gia đóng quỹ một lần 8 triệu đồng và giờ đã được nhận lương. Tính ra, bây giờ mỗi tháng hai vợ chồng nhận được 600.000 nghìn đồng, đủ tiền mua rau, mắm. Cuộc sống ở quê như vậy cũng đã là ổn định.

Vì đâu mà có sự lạ vậy? Tiền ấy ở đâu ra mà chi trả hết đời cho người dân?

“Đóng 1, hưởng 10”

Những câu hỏi trên được ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn trả lời rõ ràng, minh bạch trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Thì ra, số tiền lương hưu dành cho nông dân được trích trong một quỹ gọi là: Quỹ Bảo hiểm phúc lợi xã Thanh Văn.

Thực ra, không phải bây giờ chính quyền xã Thanh Văn mới có ý tưởng này mà từ thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đời sống của người nông dân còn muôn vàn khó khăn, quỹ ấy đã manh nha hình thành. Đời sống của người nông dân thời ấy bập bõm, hạn hán ngập lụt triền miên. Có những gia đình một năm chỉ có gạo ăn đủ 2 tháng, còn lại thì hoặc đi vay, hoặc khoai sắn thay cơm. Thời điểm ấy, xã Thanh Văn cũng chỉ dám nghĩ tới tổ chức một quỹ để hỗ trợ đời sống của những hộ cùng cực khó khăn mà thôi.

Để lấy tiền gây quỹ, ban đầu Hợp tác xã Nông nghiệp xã Thanh Văn đã liều lĩnh bán 20 tấn thóc được 10 triệu đồng rồi đem gửi vào Trung tâm Tín dụng của huyện Thanh Oai nhằm lấy lãi tính chuyện chi bảo hiểm cho nhân dân. Từ đầu năm 2000, Đảng ủy xã đã chủ trương “tổng động viên”, nghĩa là huy động nguồn lực từ các tập thể và cá nhân đóng góp. Có một khoản rất lớn là số tiền tiết kiệm từ các dự án xây dựng, thiết kế để đóng góp vào quỹ.

Nông dân xã Thanh Văn trong ngày nhận lương hưu

Ông Tuấn thật thà kể: “Chẳng giấu gì anh, khoản phết phẩy phần trăm hoa hồng từ những công trình xây dựng tại địa phương thì anh em cán bộ xã chúng tôi có đút túi thì cũng chẳng ai biết. Tiền thì ai mà chẳng thích, nhất là trong khi đời sống của anh em cán bộ xã này cũng chẳng phải khá giả gì. Thế nhưng, anh em đều bảo nhau quyết tâm không tơ hào đến những khoản ấy mà nhất loạt xung quỹ trợ giúp đời sống người dân. Các thế hệ lãnh đạo đi trước đã đặt cả tâm huyết vào chính sách đặc biệt của xã này thì chúng tôi, những người đi sau phải có trách nhiệm xây dựng nó lớn mạnh”.

Ông Tuấn và phần đông đội ngũ lãnh đạo xã Thanh Văn đều nghĩ rằng, nông dân là thành phần đóng góp, hy sinh nhiều nhất cho đất nước nhưng đồng thời cũng là lớp người khổ nhất trong xã hội. Từ suy nghĩ ấy, họ đã sớm có ý thức và xác định trách nhiệm của mình đối với tầng lớp nông dân trong xã. Với người nông dân, không ai lo cho họ bằng chính họ. Đời sống của người nông dân nếu chỉ dựa vào hạt lúa, củ khoai thì giờ cũng chỉ tùng tiệm qua ngày, nói gì đến lúc tuổi cao sức yếu.

Ông Tuấn khẳng định: “Dù ít dù nhiều, cứ liên quan đến chuyện tài chính là nhất thiết phải rõ ràng minh bạch. Bởi vì, chỉ cần một chút mập mờ thôi, dù không phải chuyện xà xẻo gì nhưng nó cũng sẽ phương hại đến niềm tin của bà con nông dân, làm ảnh hưởng đến chính sách và chính quyền địa phương bao năm xây dựng. Bản thân quỹ bảo hiểm phúc lợi xã được thành lập và hoạt động trên cơ sở hạch toán kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Quỹ được quản lý, kiểm tra bởi Đảng ủy và UBND xã và có quan hệ mật thiết với các ngành, các cấp của xã. Thường trực quỹ do đại hội đại biểu quỹ bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Thường trực quỹ gồm: Giám đốc, kế toán, thủ quỹ, kiểm soát. Tất cả hoạt động của quỹ đều trình tự, rõ ràng, có sự kiểm tra giám sát của toàn thể nhân dân”.

Theo chủ trương, các đối tượng từ 16 đến dưới 40 tuổi sẽ đóng phí tự nguyện. Những đối tượng từ 40 đến 60 tuổi sẽ bắt buộc tham gia (để đến tuổi 60, họ có đủ 20 năm đóng bảo hiểm).

Đối với những thành viên chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp thường xuyên, nếu đã đóng đủ 10 năm bảo hiểm trở lên sẽ được nhận ngay một phần quà trị giá 100.000 đồng và hưởng các phúc lợi khác của quỹ như: tham quan du lịch; trợ cấp khó khăn đột xuất; tặng quà nhân ngày lễ, tết; được vay với lãi suất ưu đãi cho các nhu cầu cần thiết.

Bà Đỗ Thị Nên vui vẻ trò chuyện với phóng viên khi vừa lĩnh được những đồng lương hưu đầu tiên

Một điều khác biệt và có tính ưu việt hơn so với các loại hình bảo hiểm khác, đó là, nếu thành viên đang hưởng bảo hiểm qua đời (mới chỉ hưởng được 10 năm bảo hiểm chẳng hạn) thì quỹ bảo hiểm sẽ trả lại cho thân nhân người đó số tiền gốc đã nộp của 10 năm còn lại. Trường hợp thành viên chưa đến tuổi hưởng bảo hiểm, nhưng không may qua đời sẽ được hoàn trả 100% số tiền đã đóng bảo hiểm. Ngoài ra, cả hai trường hợp trên đều được hưởng tiền tuất là 1 triệu đồng do quỹ này chi trả.

Đến cuối năm 2010, quỹ bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã Thanh Văn đã có đủ số tiền để chi trả trợ cấp cho những người từ 60 tuổi trở lên với mức 100.000 đồng/tháng.

Ngày 19/4/2011, quỹ chính thức được khai trương với tổng số người tham gia là 264 người, trong đó có 196 người được trợ cấp 100.000 đồng/tháng. Tất cả các cụ từ 60 tuổi trở lên đóng bảo hiểm 1 lần với tổng số tiền 4,8 triệu đồng (cho cả 20 năm) sẽ được nhận lương hưu đến hết đời.

Tháng 1/2012, lương của nông dân đã tăng từ 100.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng. Giảm tuổi lương hưu nông dân cho thành viên nữ từ 60 tuổi xuống 55 tuổi. Tổng quỹ hiện tại đã được hơn 46 tỉ đồng.

Hiện tại, UBND xã Thanh Văn đang phấn đấu từ tháng 1/2013 sẽ chi trả lương hưu cho người dân là 350.000 đồng/tháng, 2014 là 400.000 đồng/tháng và 500.000 đồng/tháng vào năm 2015…

Cần nhân rộng!

Nói về ý tưởng và sự ra đời của quỹ bảo hiểm trên, ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn bộc bạch: “Ai đó bảo chúng tôi lập quỹ trái phép cũng chẳng sao, ai đó bảo chúng tôi phá rào chính sách cũng không phải quá đáng. Nhưng, dù là gì đi nữa, những chính sách do chính quyền xã đề xuất mà có lợi cho dân chúng tôi vẫn quyết thử nghiệm. Bằng chứng là chúng tôi đã vận động và tuyên truyền cho nhân dân trong xã về những lợi ích khi tham gia quỹ này từ 15 năm nay. Hiện số người tham gia đã gần 400 người và đang không ngừng tăng lên. Hội viên cao tuổi nhất đã bước sang tuổi 97, thấp nhất mới 16 tuổi. Dù mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng đến nay chúng tôi tự tin khẳng định rằng: Quỹ có thể đáp ứng chi trả bảo hiểm hằng tháng cho hàng nghìn người…”.

Tôi đã gặp rất nhiều người nông dân ở Thanh Văn và cảm nhận rõ ràng niềm vui thực sự của họ. Tay run run cầm sổ lương của mình, cụ Tô Minh Thùy, thôn Úc Ý xúc động nói: “Cũng vì là nông dân nên tôi không có lương, không có bất kỳ khoản trợ cấp nào. Nhưng hôm nay thì cuộc đời tôi đã đổi khác, sống đến 72 tuổi đời thì tôi bắt đầu có lương hưu. Khoản tiền tuy không lớn, nhưng nó là nguồn động viên và là niềm tự hào đối với một người nông dân như tôi. Tự hào nữa là tôi cũng đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy ở đâu tổ chức được mô hình như thế này”.

Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch xã Thanh Văn

Niềm vui của cụ Thùy và nhiều người khác nữa ẩn chứa một sự tự hào, sự biết ơn với những người cán bộ kiên trì, dám nghĩ, dám làm vì quyền lợi của dân. Ai đó từng nói rằng: Thái độ của người dân chính là thước đo cho chất lượng của chính quyền. Ở một địa phương mà cả người dân và lãnh đạo cùng đoàn kết, đồng lòng suy nghĩ vì nhau thì chất lượng cuộc sống sớm muộn cũng khấm khá dần lên.

Nói cho đúng, mô hình lương hưu cho nông dân được hình thành tự phát trên cơ sở nhu cầu thực tế của đông đảo người dân. Chúng tôi được biết rằng, cũng đã có một vài địa phương khác cũng đã thử áp dụng mô hình này nhưng hiệu quả đạt được rất thấp và tuổi thọ của quỹ không dài.

Nhớ lại, từ năm 1992, tại một số xã ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã chủ động thành lập tổ chức gọi là Hội Quỹ hưu và thu hút hơn 200 hội viên, góp được gần 12 tấn thóc. Hằng năm, Hội chi lương hưu cho hội viên cao tuổi mức 60kg thóc/vụ (1,2 tạ thóc/năm), số còn lại cho vay phát triển sản xuất. So sánh về hình thức thì có thể khác với mô hình ở xã Thanh Văn nhưng về bản chất, nó cũng tạo cú hích phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống của người nông dân.

Trong hơn 10 năm hoạt động, Hội Quỹ hưu này đã chi hơn 100 tấn thóc hưu cho hội viên đến tuổi hưởng chế độ. Dù hiệu quả khá rõ và tính ưu việt nổi trội nhưng những mô hình này chỉ tồn tại một thời gian rồi ngừng hoạt động do gặp phải khó khăn, bất cập trong quản lý, điều hành. Cụ thể, khi địa phương luân chuyển cán bộ sang vị trí mới, năng lực, trình độ người kế cận hạn chế khiến việc quản lý quỹ lỏng lẻo, để nợ đọng kéo dài nên không duy trì, phát triển vốn. Năm 2005, Hội này phải dừng hoạt động để truy thu nợ và trả gốc cho hội viên.

Quả thực, mô hình chi trả lương cho người nông dân là một việc chưa chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật nào. Thanh Văn là xã đi đầu thử nghiệm mô hình này và đang phát huy được hiệu quả. Điều quan trọng nhất để tạo nên thành công của quỹ này là công tác quản lý cần minh bạch, công khai và cần gắn triển khai quỹ hưu nông dân là tiêu chí ưu tiên đặc biệt xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải cử người có uy tín, năng lực tổ chức điều hành hoạt động quỹ. Cùng với nỗ lực của chính quyền, mỗi nông dân cần nhận thức sâu sắc lợi ích khi tham gia mô hình là chăm lo cho quyền lợi cho chính mình.

Hiệu quả thì đã nhìn thấy rõ, niềm vui của người nông dân là có thực nhưng việc giữ được những thành quả ấy một cách bền vững, duy trì quỹ lâu dài là một việc không ai có thể chắc chắn được. Những băn khoăn của ông Tuấn, ông Thỉnh đều quy vào việc rằng: chẳng biết thế hệ lãnh đạo về sau có còn giữ được ngọn lửa nhiệt tình ấy không, có còn kiên quyết “trong sạch” trong việc quản lý quỹ hay không? Từ những trăn trở này, thiết nghĩ, việc nghiên cứu và nhân rộng mô hình trên để nó trở thành chính sách đại trà, áp dụng rộng rãi trong cả nước âu cũng là việc đáng suy nghĩ với các cơ quan Nhà nước.

Ghi chép của Vũ Minh Tiến