Chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội:

Vào cuộc quyết liệt

15:47 | 01/08/2017

316 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội lo ngại, năm nay mùa mưa đến sớm và sự gia tăng các công trình xây dựng với nhiều khu nhà trọ mọc lên khiến công tác chống dịch sốt xuất huyết không đơn giản…

Tắc trách từ nhiều phía

Sở Y tế Hà Nội ghi nhận gần 7.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Tại một số quận, huyện như: Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Trì… số người mắc sốt xuất huyết tăng từ 6 đến 10 lần so với năm 2016.

Môi trường sống ô nhiễm, xuất hiện nhiều ổ bọ gậy chính là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, mới tháng 7 Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch đầu tiên trong năm. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có thể kéo dài đến cuối năm 2017 và dự báo, vào tháng 9 và 11 tiếp tục có những đỉnh dịch mới, diễn biến đầy phức tạp.

vao cuoc quyet liet
Phun thuốc muỗi vào những vật có thể đọng nước ở Hà Nội

Trong khi đó, tại các quận, huyện, công tác chống dịch gặp không ít khó khăn. Quận Hoàng Mai hiện có số ca mắc bệnh cao nhất ở Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Nguyễn Thị Minh chia sẻ, các công trình xây dựng có nhiều lán trại để công nhân ở, sinh hoạt. Có nơi sau khi công nhân mắc sốt xuất huyết, chính quyền địa phương xuống khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn vệ sinh môi trường... Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, khi quay lại kiểm tra, mọi sự “đâu lại vào đấy”. Nói chung ý thức của người dân vẫn còn rất kém.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho hay, diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại các khu vực ổ dịch chưa triệt để, hiệu quả chưa cao do 9% số hộ gia đình đi vắng và 5% số hộ không đồng ý phun hóa chất chống dịch. Ý thức tự phòng bệnh của người dân còn hạn chế, dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng vẫn chưa thực hiện diệt bọ gậy trong nhà để phòng bệnh. Như vừa rồi, UBND phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa xử phạt 2 triệu đồng đối với cơ cơ sở kinh doanh lốp ôtô cũ do không thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện cần tăng cường thêm giường bệnh, nhân lực, thuốc, đồng thời tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị của Bộ Y tế, từ phân loại, cách thức điều trị cho người lớn, trẻ em, khi nào truyền dịch, truyền bao nhiêu… Với những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện phải yêu cầu họ mắc màn.

Ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì thì cho rằng, khó khăn trong công tác chống dịch là do "người không đủ, sức không có". Nơi tập trung nhiều ổ bọ gậy lại chính là những bình chứa nước trên mỗi nóc nhà. Dù vậy, không thể vận động người dân tháo gỡ. Ngoài ra, việc phun hóa chất cũng cần phải kiểm soát lại quy trình. Theo phản ánh của nhiều người dân, có nơi quá trình phun thuốc diễn ra rất nhanh, thậm chí chưa xong, cán bộ đã rút. “Mức kinh phí phun thuốc được tính theo ca, cụ thể là 200.000 đồng/ca/ổ dịch. Vì vậy, phun nhanh sẽ được nghỉ sớm. Để tăng hiệu quả, việc phun hóa chất nên điều chỉnh thành 100.000 đồng/giờ. Nếu khoán theo giờ, cán bộ phun thuốc sẽ có trách nhiệm hơn, phun đúng quy trình”, ông Khuất Văn Sơn đề xuất.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng nhận định, dịch sốt xuất huyết gia tăng là do công tác dập dịch chưa triệt để. Việc phun hóa chất rất hiệu quả với đàn muỗi chứa mầm bệnh. Thế nhưng, có nơi chỉ sau 2-3 ngày phun thuốc lại xuất hiện muỗi mới mang mầm bệnh. Điều này chứng tỏ việc diệt bọ gậy chưa tốt. Hiện có nhiều biện pháp phun thuốc diệt muỗi. Với máy phun cỡ lớn trên xe ôtô áp dụng cho những công trường xây dựng, còn máy phun đeo vai sẽ áp dụng cho từng ngõ xóm, từng hộ gia đình và phun mù nhiệt có hiệu quả ở các bãi đất trống, nhà trọ… Hóa chất diệt muỗi được phun là loại tốt, máy phun chuyên dụng nhập từ Đức.

Muốn tăng hiệu quả, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, lực lượng trực tiếp đi phun phải được đào tạo, tập huấn và phải trả công đúng, đủ. Đối với lực lượng cộng tác viên đến từng nhà truy tìm và diệt bọ gậy cũng cần được chi trả thù lao xứng đáng. “Tôi được biết có phường ở quận Hoàng Mai hay Đống Đa chi phí cho cộng tác viên 10.000-20.000 đồng/ngày. Như vậy, họ chỉ đến các hộ gia đình “ngó nghiêng” rồi về, việc diệt bọ gậy không triệt để được”, ông Nguyễn Nhật Cảm nêu vấn đề.

Giải pháp “cốt tử”

Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2009 là 15.000-16.000 nhưng chỉ có 4 trường hợp tử vong. Năm 2015 có 15.000 trường hợp mắc nhưng không có trường hợp tử vong nào. 7 tháng của năm nay khoảng 7.000 trường hợp mắc nhưng đã có 3 người tử vong. Như vậy diễn biến dịch sốt xuất huyết ngày càng phức tạp, minh chứng là cứ 10 năm số ca mắc thường tăng gấp đôi. Do đó câu chuyện diệt muỗi, loăng quăng là “cốt tử” và không bao giờ cũ. Vì vậy, mỗi người dân nên thay nước bình hoa hằng ngày, chú ý diệt loăng quăng bằng thu dọn phế thải, chai, lọ, bình, vỏ xe… chứa nước đọng. Nếu không, chỉ cần hai ngày là đủ để muỗi đẻ trứng và bắt đầu vòng đời mới.

Ngoài ra, để chống dịch hiệu quả, ông Nguyễn Nhật Cảm đề xuất thành lập đội tình nguyện viên xung kích diệt bọ gậy, đồng thời hướng dẫn từng hộ gia đình tìm bọ gậy, diệt bọ gậy, diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Mỗi tổ, cụm dân cư nên thành lập một đội 5-10 người. “Chống dịch không đơn giản nhưng khó mấy chúng ta cũng phải làm và phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa”, ông Nguyễn Nhật Cảm khẳng định.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện cần tăng cường thêm giường bệnh, nhân lực, thuốc, đồng thời tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị của Bộ Y tế, từ phân loại, cách thức điều trị cho người lớn, trẻ em, khi nào truyền dịch, truyền bao nhiêu… Với những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện phải yêu cầu họ mắc màn.

Thu Trang - Nguyễn Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.