Vấn nạn "tự xử"

07:00 | 08/11/2013

1,207 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng người dân “tự xử” thay thế cơ quan thực thi pháp luật đã và đang xảy ra khắp nơi, trong đó nguyên nhân từ sự thiếu niềm tin vào chính quyền sở tại.

Bảo Dân (NLM số 272)

Ngày 14/7, người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã dựng lều bạt, phá đường, tạo chướng ngại vật... ngăn cản sự hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm thuộc Công ty TNHH Trường Khánh. 

Ngày 13/9 tại Khánh Hòa, những người dân thôn Đắc Lộc (phường Vĩnh Phương, TP Nha Trang) tụ tập nhiều ngày trước cổng nhà máy tách cọng thuốc lá (Công ty Nguyên liệu thuốc lá Khatoco) yêu cầu ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 16/9, hàng trăm người dân thuộc hai xã Lại Xuân và Liên Khê (huyện Thủy Nguyên,  Hải Phòng) đã bao vây nhà máy đất đèn của Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh, yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động sản xuất đất đèn vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước đó tại Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An đã có việc hàng trăm người dân dựng rào cản, lập lán trại phong tỏa mọi ngả đường vào ra nhà máy vì doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường...

Báo chí gần đây có thông tin về việc người dân đánh hội đồng kẻ trộm bị bắt quả tang tại trận. Nhẹ thì gây thương tích. Nặng thì mất mạng. Mới đây ngày 30/10, rất nhiều người dân xã Hòa Thạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã “đánh hội đồng” khiến một kẻ “cẩu tặc” tử thương và chết trên đường đi cấp cứu. Lại có chuyện cả thôn xin nhận tội đánh chết hai “cẩu tặc” ở  thôn Thượng Thanh 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Không chỉ ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp gây ô nhiễm, mới đây người dân còn hò nhau mang cuốc xẻng ra san lấp đường cống thoát nước gây ô nhiễm của một nhà máy chế biến sắn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế .

Đặc biệt nghiêm trọng là hành động tự xử manh động của đám đông là các vụ mang quan tài người chết để “ăn vạ” mà không đợi xử lý của cơ quan chức năng. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trong cuộc và hiếu kỳ mang theo quan tài đựng thi thể người chết chưa rõ nguyên nhân diễu phố đến nhà nghi can, đến bệnh viện, lên công đường… gây náo loạn trật tự an ninh địa phương.

Vấn nạn “tự xử” và gây án trong dân đã được đưa ra Quốc hội bàn thảo thể hiện sự lo lắng của nhiều đại biểu. Không còn nghi ngờ gì nữa, tình trạng người dân “tự xử” thay thế cơ quan thực thi pháp luật đã và đang xảy ra khắp nơi, trong đó nguyên nhân từ sự thiếu niềm tin vào chính quyền sở tại.

Trong một cuộc điều tra cho thấy, đại đa số người dân cho biết, khi có tranh chấp và bức xúc điều gì thì trước hết, họ tìm đến UBND xã. Vì họ tin chính quyền có quyền hơn, có thể giải quyết được. Điều này cho thấy một hệ thống vẫn theo tư duy “cai trị”, mà chưa có một hệ thống nằm trong một thể chế pháp lý hiện đại... Trong hệ thống chính trị cơ sở của chúng ta nhiều khi vẫn coi chính quyền là cơ quan phụ trách tất cả. Cách thức tổ chức xã hội như vậy chưa hoàn toàn thể hiện tính chất pháp quyền. Với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì tìm đến chính quyền là thích hợp. Thực tế, UBND xã không phải cơ quan giải quyết những tranh chấp, việc này là của cơ quan tư pháp, tòa án, văn phòng luật sư. Nhưng người dân lại chưa quen hoặc chưa tin vào hoạt động của tư pháp.

Vẫn rơi rớt quan niệm của thời bao cấp, khi Nhà nước bao trùm tất cả các lĩnh vực. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực để có một xã hội với nền quản trị hiện đại. Các chuyên gia cho rằng, dẫu hành động tự xử chỉ là cá biệt, nhưng thật đáng sợ. Đấy là mầm mống giống như con virus rất nguy hiểm đối với xã hội. Người dân ỷ vào “chính nghĩa” là chống trộm nhưng họ đã bước qua ranh giới của sự nhân đạo và pháp luật. Tại sao chỉ vì mất một con chó mà giết một mạng người. Những nhà quản trị xã hội, kể cả giáo dục - đào tạo cần quan tâm đến vấn đề này.

Mới đây, vào cuối tháng 10, khi Quốc hội đang họp, hàng ngàn người dân đã tập trung trước cổng UBND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi để phản đối việc nạo hút cát gây nên tình trạng sạt lở khiến tuyến Quốc lộ 1A bị ách tắc trong nhiều giờ. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi lập tức đối thoại với dân để xử lý vụ việc. Ông đã thẳng thắn nhận lỗi: “Để người dân bức xúc trong thời gian qua, một phần lỗi thuộc về lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và giải quyết những bức xúc của người dân và mong người dân kiềm chế bức xúc, không nên tụ tập đông người như thời gian qua, gây mất trật tự, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhiều người khác”. Cách xử lý của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tháo ngòi và ngăn ngừa thành công hành vi “tự xử” có nguy cơ xảy ra nhỡn tiền. Một khi đã kêu ca, kiến nghị và khiếu kiện nhiều mà không được chính quyền sở tại giải quyết, xử lý thỏa đáng thì dẫn tới việc người dân một số địa phương đập phá cơ sở vật chất, phong tỏa đường vào của các doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Đây cũng chính là điều mà các đại biểu Quốc hội gọi là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với một bộ phận cán bộ Nhà nước, mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân “tự xử”.

Các chuyên gia cho rằng, trong xã hội đang có nhiều điều bất ổn và nỗi bực dọc hình thành khiến ta muốn giải tỏa, muốn trút vào đâu đó cho bõ tức. Từ tự xả đến tự xử và phạm pháp là tất yếu, ranh giới giữa tự xử và vi phạm pháp luật là hết sức mong manh.

Tâm trạng bực dọc ấy chỉ chờ gặp cơ hội và đối tượng là bộc phát. Chỉ cần một cái nhìn, một va quệt xe cộ trên đường, mất trộm vặt trái cây, mớ rau, con gà, con chó... là có cớ phát sinh xung đột. Các luật sư cho rằng, giá trị của con chó không lớn đến mức trộm chó có thể xét xử hình sự nhưng việc đánh hội đồng để tử vong “cẩu tặc” xảy ra khắp các tỉnh cho thấy một tâm trạng bất an trong làng quê. Chắc chắn chính quyền sở tại đều được báo cáo việc thường xuyên mất chó nhưng cán bộ quan chức ở đó thờ ơ, vô cảm hoặc không xử lý được và cho qua. Nỗi bực dọc trong người dân vì thế trút hết vào kẻ trộm. Người ta biết việc đánh người như thế là sai trái, đánh chết người có thể bị khép tội giết người nhưng họ vẫn hè nhau cùng làm thì không thể bắt tội cả làng. Điều này cho thấy, người dân đang mất niềm tin vào hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), chính kẽ hở của pháp luật đang khiến lòng dân bất an. Tình trạng cho vay nặng lãi, cầm đồ hiện nay khi xảy ra tranh chấp, đưa nhau ra tòa vẫn được coi là tranh chấp dân sự chứ chưa phải hình sự. Nếu cứ “dân sự hóa” sẽ không răn đe được của đau con xót, sẽ nảy sinh việc thuê người đòi nợ và chuyện băng nhóm xã hội đen tự xử nhau. Đã đến lúc phải sửa luật, phải xét xử hình sự loại tội phạm này để tránh những hệ lụy phức tạp.

Để khắc phục nạn “tự xử”, theo các chuyên gia cần phải bắt đầu từ “cái tâm”, trách nhiệm giải quyết bức xúc của người dân, của cán bộ địa phương. Sâu xa hơn là phải củng cố nhà nước pháp quyền, không thể hình thức, hô hào suông. Người dân luôn chăm chú theo dõi ứng xử của hệ thống công quyền để hành xử. Chừng nào hệ thống chính trị, nhất là bộ máy hành chính, pháp luật của chúng ta không được “nâng cấp” thì việc phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn “tự xử” của người dân vẫn còn khó khăn.

B.D

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc