Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vẫn loay hoay chuyện “con gà - quả trứng”

07:00 | 22/05/2019

182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Rất nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về giải pháp tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã diễn ra, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, doanh nhân đã được nêu lên suốt nhiều năm qua, nhưng số DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng để hoạt động và phát triển rất ít, trong khi hàng trăm nghìn DN vẫn trăn trở với câu hỏi: Tiền đâu để “sống”?

Nhiều cản ngại lớn

Sau hơn 30 năm đổi mới, nhiều vấn đề đã được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, số DN thành lập mới không ngừng tăng lên, đặc biệt là DNNVV.

van loay hoay chuyen con ga qua trung
DN luôn cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 cả nước có hơn 131.300 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn rót vào thị trường là 1,47 triệu tỉ đồng. Ước tính bình quân mỗi ngày có 360 DN ra đời với vốn đăng ký hơn 11 tỉ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng số lượng DN. Còn trong quý I/2019, cả nước có 28.451 DN thành lập mới, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018 và là năm có số lượng DN mới trong quý I tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Với việc không ngừng tăng lên về số lượng, hiện DNNVV đang chiếm đến 97% tổng số DN của cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 51% lao động xã hội, đóng góp tới 45% GDP và 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Những con số đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ cũng như vai trò quan trọng của DNNVV trong sự phát triển nền kinh tế đất nước nói chung.

Thế nhưng, điều khiến nhiều người không khỏi giật mình là chính khối DNNVV lại đang phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ông Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam từng nhận xét, nước ta có đến 97% là DN có quy mô nhỏ và vừa, nhưng phần lớn DN lại đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thị trường, mặt bằng... Cùng với đó là quản trị DN chưa tiếp cận các phương thức mới của thế giới. Khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ lạc hậu, nguồn lực và tài lực hạn chế... khiến DN dễ “thua ngay trên sân nhà”. Đây là nguyên nhân khiến DN Việt Nam “chậm lớn” và “rất khó lớn”.

Trong vô vàn khó khăn, điều lo ngại lớn nhất của DN vẫn là nguồn vốn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, có đến 80% DN mới thành lập không thể tồn tại quá 3 năm. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn.

Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 70% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, gần 1/3 DN không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 1/3 DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 70% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, gần 1/3 DN không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 1/3 DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Điều này được giải thích là do DNNVV không có nhiều tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc hệ thống kế toán, tài chính chưa chuẩn mực như các DN lớn. Thêm nữa, nhiều ngân hàng thương mại chưa mặn mà với phân khúc khách hàng DNNVV cũng là một cản ngại với DN.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác của DNNVV cũng rất hạn chế. Bởi không phải DN nào cũng đáp ứng được điều kiện để huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Chưa kể, việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ cũng không thực sự thuận lợi, khi các quỹ này chưa cụ thể hóa các tiêu chí của Luật hỗ trợ DNNVV, như yếu tố tài sản bảo đảm, tính minh bạch thông tin, tài chính…

“Tín dụng đen” vẫn là lối thoát?

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam - từng nhận định, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN lớn và có quy mô trung bình. Những DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn và buộc phải tìm đến nguồn “tín dụng đen”.

Thông tin mới đây, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, bắt nhóm tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi. Nhóm này đã cho khoảng 120 DN và cá nhân vay với số tiền lên đến 1.600 tỉ đồng với lãi suất “cắt cổ”. Thông tin này ngay lập tức đã làm xôn xao dư luận, thế nhưng đối với giới doanh nhân, họ xem đó là chuyện… quá đỗi bình thường.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt - từng thông tin: Có những DNNVV thậm chí vay tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn “tín dụng đen”. Ông Hùng cho biết thêm, các DNNVV hiện nay chưa có cấu trúc vốn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức, hay gọi là “tín dụng đen”.

Vậy là cái vòng luẩn quẩn, DN không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp, không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự án khả thi thì ngân hàng thương mại không thể giải ngân vốn. DN không có tiền thì không thể tồn tại, phát triển và đương nhiên lấy đâu ra tài sản bảo đảm để thế chấp. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tư duy về tính an toàn cao nên không thể “rót” tiền cho DN nếu không “nắm được đằng chuôi”.

Vì thế, người ta lại liên hệ đến câu chuyện “con gà và quả trứng”. Không thể giải quyết được việc con gà có trước hay quả trứng có trước, nhưng để ngân hàng và DN gặp nhau, ngoài nỗ lực của DN thì các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV. Ngoài ra, cần chọn lọc DN có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng chia sẻ một phần rủi ro với DN.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ nhiều rào cản cho DN và đề ra mục tiêu có được 1 triệu DN vào năm 2020. Một trong những giải pháp để đạt tới mục tiêu này là Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành DN. Thế nhưng, với những khó khăn mà các DN đang gặp phải thì liệu động lực nào để thu hút các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động? Đây thực sự là bài toán rất cần lời giải của Chính phủ và các bộ, ngành nếu muốn mục tiêu 1 triệu DN trở thành hiện thực.

Năm 2018 cả nước có hơn 131.300 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn rót vào thị trường là 1,47 triệu tỉ đồng. Bình quân mỗi ngày có 360 DN ra đời với vốn đăng ký hơn 11 tỉ đồng. Trong quý I/2019, cả nước có 28.451 DN thành lập mới, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018 và là năm có số lượng DN mới trong quý I tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Minh Lê