Văn học nghệ thuật đang bị hủy hoại, u ám?

11:13 | 13/11/2014

1,104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn học nghệ thuật có cứu rỗi được sự xuống cấp của đạo đức xã hội hay ngay chính bản thân cái đẹp của văn học nghệ thuật cũng đang bị hủy hoại khủng khiếp?!

Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức đã tổ chức hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”, vừa diễn ra trong 2 ngày 11-12/11 vừa qua.

Hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”

Cuộc hội thảo đã chỉ ra một số vấn đề cốt lõi cần phải được các nhà chuyên môn bàn luận sâu sắc. Trong đó những vấn đề đặt ra từ thực trạng đạo đức xã hội hiện nay đối với hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật là nội dung cốt lõi nhất của hội thảo. Phải chăng chức năng giải trí đang dần lấn át các chức năng cơ bản khác, trong đó có chức năng giáo dục? Phải chăng các nhà sáng tạo đang lảng tránh việc phản ánh vấn đề đạo đức xã hội, qua đó làm giảm vai trò của văn học - nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam hôm nay? Ngoài ra nội dung về trách nhiệm của giới sáng tạo văn nghệ trong tư cách là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng cũng được giới chuyên môn tham gia mổ xẻ.

Tại hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng nêu: “Tại sao chúng ta tập trung bàn về vấn đề này? Câu trả lời dễ dàng được mọi người đồng tình nhất chính là đạo đức xã hội đang xuống cấp. Điều đó đúng nhưng chưa đủ... Với tất cả sự tỉnh táo của mình, chúng ta nhận thức rõ xu hướng vận động của đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay đã và đang xuất hiện rất nhiều vấn đề lớn và phức tạp chưa từng có so với giai đoạn trước 1975, 1980. Sự tha hóa về đạo đức trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội không còn là điều bất thường, mà đó là điều rất đáng lo ngại”.

Và vấn đề đạo đức xã hội đang là một thực tế đặt ra cho VHNT, cụ thể ở đây chính là sự kỳ vọng rằng bằng chức năng của mình, VHNT sẽ góp phần tác động để xã hội VN hiện nay phát triển tốt đẹp hơn, “bền vững hơn”.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đồng nhìn nhận rằng, một trong những thành công của VHNT vừa qua là phê phán cái ác, cái xấu trong xã hội; đó là điều không thể phủ nhận. Song những giá trị tốt đẹp, những mặt tích cực của xã hội thì lại rất ít được đề cập đến. Trong khi đó, cái cần thiết đặc biệt nhất trong chức năng của VHNT là thức tỉnh những giá trị tốt đẹp, định hướng dẫn dắt con người vươn lên những giá trị tốt đẹp cao hơn; VHNT phải góp phần tích cực đến xây dựng và bồi đắp tình cảm, lý tưởng cho con người.

Phim ăn theo vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường

Có một thực tế là dưới những tác động của cô chế thị trường hiện nay khiến VHNT của nước ta đang ở thế “đi dây” giữa một bên là hướng đến những việc xây dựng giá trị đạo đức tốt đẹp như mong muốn nhưng một bên là bị chi phối bởi vấn đề kinh doanh các sản phẩm nghệ thuật; hay nói thẳng ra đó chính là vấn đề thương mại được đặt lên hàng đầu.

Về vấn đề này, đơn cử dễ thấy nhất là ở lĩnh vực điện ảnh. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chỉ ra rằng, khuynh hướng thương mại đang ngày càng lấn át mạnh mẽ. Ông cho biết: “Không còn thấy những bộ phim mang đậm bản sắc dân tộc, nếu có thì cũng rất ít và thường bị che lấp bởi dòng phim thương mại, chiều theo thị hiếu của một thiểu số thanh niên tầng lớp khá giả ở các đô thị...”. Ông nhận định: “Làm nghệ thuật với tâm thức vì tiền thì làm sao có được những bộ phim hay trở thành kinh điển của điện ảnh VN!”.

Câu hỏi đặt ra là liệu VHNT có thể cứu rỗi được vấn đề đạo đức xã hội hiện nay không khi mà chính bản thân cái đẹp của VHNT cũng đang ngày càng trở nên u ám và đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi yếu tố thương mại?!

Cũng lấy ví dụ đơn cử từ lĩnh vực phim ảnh, có ý kiến cho rằng ngoài phim hài nhảm ra thì các phim tâm lý xã hội VN đang chiếu rạp thiếu vắng hẳn những nhân vật trung tâm tích cực, nhân vật anh hùng có tính cách và hành động đáng cảm phục.

Trương Ngọc Ánh vai nữ chính trong phim "Hương Ga"

Hàng loạt các phim như: “Đoạt hồn” (ĐD Hàm Trần), “Mất xác” (ĐD Đỗ Thành An), “Scandal - Hào quang trở lại” (ĐD Victor Vũ), hay mới nhất là “Hương ga” (ĐD Cường Ngô)… đều có màu sắc u ám. Nội dung phim không là những màn đâm chém, bắn giết của giang hồ thì là ma quỷ hiện hồn, đòi mạng.

Có một thực tế là các nhà sản xuất phim hiện nay mặc định rằng, phim càng “đen tối” càng đắt khách! Vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức con người sẽ không có chỗ đứng trong nội dung đó; cũng như yếu tố giáo dục thẩm mỹ không phải là vấn đề trọng tâm. Vì thế sự thiếu vắng các nhân vật tích cực trong phim cũng là điều dễ hiểu.

Ở lĩnh vực âm nhạc, các nhà chuyên môn bàn luận về vấn đề nhạc rác và ca từ sốc. “Âm nhạc khi thì sướt mướt não nề, khi thì gào thét vô vọng”, đó là nhận xét của PGS.TS Trần Luân Kim trong bài tham luận của ông. Ông cho biết với sự ra đời non vội, thiếu hẳn sự nghiêm túc, trong môi trường quản lý lỏng lẻo nên dòng nhạc mới mẻ này bị thương tổn nặng nề bởi hàng loạt ca từ rác rưởi, ngôn từ vỉa hè sáo rỗng, tùy tiện, lủng củng. Thậm chí còn tục tĩu gây sốc, khi thì lại sướt mướt não nề, gào thét vô vọng.

Sơn Tùng liên tiếp dính nghi án đạo nhạc, "mượn" nhạc nước ngoài để sáng tác

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội nhạc sĩ VN cho rằng sự luống cuống của dòng “nhạc teen”, sự ra đời của nhạc chế đã tạo điều kiện “nhạc rác” lên ngôi. Thật khó tưởng tượng rằng, trong nền âm nhạc hiện đại lại có những ca khúc mang những cái tên như “Người đàn ông tham lam”, “Cô ấy chọn anh không chọn tôi”… Cũng như hằng ngày công chúng yêu nhạc phải căng tai để nghe những ca từ như: “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ. Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi” (ca khúc “Con thỏ chiên bánh”) hoặc như “Con trai bây giờ í hả, 100 đứa thì 99 đứa không đàng hoàng, còn một đứa không đàng hoàng là gay, a ha!” (ca khúc “Con gái thời nay”)...

Theo nhạc sĩ Hồng Quân thì đây là sự bế tắt về đề tài, nghệ thuật trong âm nhạc của khuynh hướng này!

Phần kết của hội thảo, câu hỏi cũ được đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước tình trạng xuống cấp, bát nháo của VHNT? Câu trả lời đó là trách nhiệm từ các nhà quản lý văn hóa các cấp và chính những người làm văn học, nghệ thuật. Vì vậy, hội thảo thống nhất ý kiến rằng: để đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà phát triển tốt hơn thì cần có một quá trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực, mạnh dạn thay đổi tư duy, lý luận và nhận thức thẩm mỹ.

Vân Trúc