Văn hóa ứng xử trên xe buýt: Đôi bên cùng phải điều chỉnh

14:25 | 01/05/2012

2,855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xe buýt đông nghịt người, cửa xe mở, một cụ già bước lên xe, anh phụ cúi người đỡ cụ già, rồi lớn tiếng hô: “Có người già, đứa nào nhường chỗ đi”. Thực ra, “khẩu lệnh” này đầy tính thiện chí nhưng không hề lọt tai… Nhiều người có lý khi kêu ca về văn hóa ứng xử của phụ xe, lái xe buýt. Nhưng cũng phải nhìn lại, ngay chính hành khách cũng cần phải điều chỉnh văn hóa ứng xử trên xe buýt của mình.

Xe buýt xuất hiện trên các con phố từ nội thành đến ngoại thành, với hai màu vàng, đỏ quen thuộc. Nhưng phản xạ của người đi đường là cứ thấy cái xe to lù lù hai màu vàng đỏ là phải “né” sang một bên và “không dây với chúng”. Xe buýt còn được gọi là “hung thần đường phố” đã khiến cho phương tiện công cộng này đang đi ngược lại với những mục đích ban đầu của nó.

Hành khách ngao ngán…

Linh Chi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ với tôi khi cùng đi xe buýt tuyến 32: “Nhà ở xa và không có điều kiện nên em chọn xe buýt. Nhưng nhiều khi tan học xong phải chờ 4-5 chuyến mới lên được vì xe lèn quá đông khách, đến nỗi không đứng được. Chen chúc thế này, em chẳng dám mang tiền theo, có thì cũng chỉ vài chục nghìn vì dễ bị móc túi lắm. Điện thoại di động cũng dùng loại rẻ tiền thôi, mất đỡ tiếc”. Còn Nguyễn Khánh An, sinh viên Đại học Thương Mại hay đi tuyến xe buýt số 16 cho biết: “Em hay đi vào giờ vắng khách nên thấy các anh phụ xe không đến nỗi nào. Nhiều khi thấy có người già hay phụ nữ mang bầu trên xe thì phụ xe nhắc hành khách trẻ tuổi nhường chỗ. Nhưng nếu đi vào giờ tan tầm thì chỉ thấy phụ xe nói năng cộc lốc, quát tháo, văng tục…”.

Không chỉ có lời ăn tiếng nói, ngay cả chuyện mở cửa xe cho khách lên xuống cũng là một biểu hiện văn hóa. Có những xe vào bến nhưng lái xe chỉ mở cửa sau, hành khách lên và xuống cùng một cửa, gây nên tình trạng hỗn loạn và tắc nghẽn. “Thật không thể hiểu lái xe sẽ mất bao nhiêu sức lực khi chỉ cần một động tác gạt cần điều khiển mở cửa trước”, chị Thu Hương (quận Hai Bà Trưng) ngao ngán bình luận.

Cảnh chen chúc và xô đẩy thường thấy trên xe buýt

Đề cập đến một biểu hiện khác, chị Tú Quỳnh là hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt số 35, xe buýt Hà Nội tâm sự: “Những ngày đầu tiên đi lộ trình của xe này, tôi thường xuyên được người phụ xe hỏi muốn đi đến đâu. Trước vài tíc tắc trả lời tôi đã nghĩ phụ xe thật tận tâm khi quan tâm đến lộ trình hành khách, nhưng thực ra người phụ xe đó hỏi lộ trình của tôi để xem tôi đi xa hay gần. Đối với những người đi 4- 5 bến xe như tôi thì thường xuyên không nhận được vé dù đã bị thu tiền. Có những hành khách thắc mắc thì người phụ xe quay lại xé vé đưa kèm theo những tiếng làu bàu: “có cái vé đáng đ.. gì mà cũng đòi”…. Thiết nghĩ giá một cái vé xe buýt có đáng để những người phụ xe này đánh mất danh dự của chính họ, đánh mất văn hóa đẹp trên phương tiện giao thông tiện ích này không?

… Nhưng cũng cần tự phê và điều chỉnh

Có thực tế là nhiều khi hành khách có tâm lý đòi hỏi mình phải được coi như thượng đế, nhưng ý thức chấp hành nội quy trên xe của họ cũng khiến không chỉ phụ xe và lái xe mà cả những người đi cùng chuyến không thể chịu nổi. Thật hiếm khi thấy có người chủ động nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người tàn tật. Nhiều người chỉ ngồi và nhìn đi chỗ khác, đọc báo, đọc sách hoặc giả vờ ngủ. Cũng có nhiều người lên xe nhưng không mua vé ngay, rồi lại đòi xuống không đúng bến, ngồi trên xe nhưng gác chân, để hành lý vướng lối đi…

Văn hóa xe buýt chỉ có được khi cả hai phía nhà xe và hành khách cùng tôn trọng và chủ động xây dựng. Chừng nào xe buýt vẫn còn là một mối e ngại về trộm cắp móc túi, về văn hóa ứng xử thì xe buýt không thể phát huy tác dụng thực sự trong việc giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị!

Diệu Thuần

Báo Năng lượng Mới số 115-116 ra ngày 27/4/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc