Vấn đề Triều Tiên sẽ được giải quyết dứt khoát?

21:37 | 18/05/2017

1,525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những tuyên bố thân thiện của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, những ý tưởng mềm dẻo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những mong muốn của Trung Quốc… tất cả đều đang hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Sáng 10-5 trong bài diễn văn nhậm chức, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, sẵn sàng sang Triều Tiên để nói chuyện hòa bình, đồng thời cũng sẽ đi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để bàn thảo phương cách giải quyết căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên. Trong bài diễn văn, tân Tổng thống Moon nhấn mạnh, xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một trong những mục tiêu hàng đầu của ông. “Tôi sẽ làm hết sức mình để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu cần thiết, tôi sẽ sang Washington ngay lập tức. Tôi cũng sẽ đến Bắc Kinh, đến Tokyo và thậm chí là đến cả Bình Nhưỡng vào thời điểm thích hợp” - ông Moon nói.

Tân Tổng thống Hàn Quốc không cho biết thời điểm thích hợp để ông sang Bình Nhưỡng nói chuyện hòa bình là thời điểm nào.

van de trieu tien se duoc giai quyet dut khoat
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Chủ trương của ông Moon là không cô lập mà can dự vào Triều Tiên, bằng cách tiếp cận hợp tác với lãnh đạo Kim Jong Un. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống gần đây, ông từng tuyên bố: “Bắc và Nam là một dân tộc chung tiếng nói và văn hóa từ 5.000 năm. Mong muốn tột cùng của chúng tôi là phải thống nhất”.

Cha mẹ ông Moon Jae-in là dân tị nạn từ Triều Tiên năm 1950 và ông chào đời ở Hàn Quốc vào thời gian cuối Chiến tranh liên Triều. Ông Moon là người rất thấu hiểu về sự ly tán trong chiến tranh. Ông cho rằng: “Sự đối kháng Nam - Bắc hiện nay không giúp ích cho ai cả”.

Ông Moon đã sống qua tuổi thơ ấu trong cảnh nghèo khó thời hậu chiến. Nhưng theo ông, hoàn cảnh ấy giúp ông sớm trưởng thành hơn và nhận thức được rằng, “tiền bạc không phải là cái quan trọng nhất trong cuộc đời”. Sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành luật sư chuyên về nhân quyền và dân quyền, ông Moon hợp tác và làm việc với ông Roh Moo-hyun, người sau đó trở thành tổng thống thứ 9 của Hàn Quốc (2003-2009). Thời gian làm ở Văn phòng Tổng thống Roh, ông đã trợ giúp thực hiện được cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nam - Bắc, Roh Moo-hyun - Kim Jong il, năm 2007 và khởi sự cuộc hội đàm hạt nhân 6 bên - Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc.

Một trong những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Moon ngay sau khi nhậm chức là bổ nhiệm ông Suh Hoon làm Giám đốc Cơ quan Tình báo. Ông Suh Hoon là sĩ quan tình báo gạo cội, từng tham gia vào kế hoạch tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.

Vài tuần trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra lời tuyên bố nói rằng, sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong hoàn cảnh thích hợp. Đây được coi là sự nhượng bộ bất ngờ của chính quyền Mỹ kể từ ngày ông Trump làm tổng thống. Sau đó Nhà Trắng nói rõ cuộc gặp chưa thể diễn ra trong lúc này, vì cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đeo đuổi chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Theo giới quan sát quốc tế, rất có thể ông Moon sẽ là người tạo điều kiện để ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên gặp mặt nhau. Bản thông cáo do Nhà Trắng đưa ra ngày 11-5 cho biết, trong cuộc điện đàm giữa hai ông Moon và Trump, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn Quốc đồng ý cùng hợp tác chặt chẽ hơn, để đạt mục tiêu bán đảo Triều Tiên phải là khu vực phi hạt nhân.

Trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tân Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Kinh cũng đồng ý với mục tiêu vừa nêu. Cuộc điện đàm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul gia tăng trong những tháng qua do Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ. Hệ thống THAAD đã được bố trí xong trước ngày bầu cử, đặt tân Tổng thống Moon Jae-in trước sự đã rồi. Tổng thống Moon - vốn là người khá dè dặt trong việc triển khai lá chắn THAAD tại Hàn Quốc - đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình là ông hiểu được những lo ngại của Trung Quốc và đề nghị có thêm thảo luận song phương để có thể hiểu thêm về vấn đề trên.

Phát ngôn viên của tân Tổng thống Hàn Quốc cho Hãng tin AFP biết, trong cuộc điện đàm 40 phút, tân Tổng thống Moon Jae-in đề xuất cử đoàn đại biểu tới Bắc Kinh để thảo luận về lá chắn tên lửa THAAD và hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Còn Chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức mời đồng nhiệm Hàn Quốc sang thăm Bắc Kinh. Trung Quốc xem THAAD là mối đe dọa và là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực. Trung Quốc áp dụng hạn chế về du lịch và nhập khẩu như biện pháp để trả đũa Hàn Quốc.

Trong số 4 quốc gia (Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản) đang cùng muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Hàn Quốc dưới thời tân Tổng thống Moon Jae-in được xem là người sẽ đi bước đi đầu tiên. Việc ông Moon điện đàm cùng lúc với lãnh đạo 4 nước trên có thể hiểu ngầm là ông muốn tham khảo ý kiến của họ và mong nhận được sự ủng hộ về kế hoạch sắp tới của ông. Một nét mới trong tuyên bố hòa đàm với Triều Tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc là dường như ông Moon muốn một mình tiến đến với Triều Tiên chứ không phải như trước, vừa muốn Bình Nhưỡng đàm phán nhưng lại mang theo Mỹ để “dọa”.

Theo chuyên gia Robert Kelly, Đại học Busan, Hàn Quốc cũng cần đồng minh Mỹ, nhưng Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, đã đến lúc Seoul phải có tiếng nói độc lập trong chính sách an ninh chung, liên quan đến tồn vong của quốc gia. Trong một bài diễn văn tranh cử hồi tháng trước, ông Moon Jae-in phát biểu rằng, Hàn Quốc sẽ phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc buộc Triều Tiên ngưng thử bom hạt nhân. Ông nói: “Chúng ta không thể cứ ngồi im coi nước Mỹ và Trung Quốc nói chuyện với nhau về vấn đề Triều Tiên”.

Nhưng liệu cách làm mới của tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ được các nước trên và dư luận người dân Hàn Quốc ủng hộ? Giới phân tích cảnh báo là tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, mặc dù tuyên bố mong muốn gặp lãnh đạo Triều Tiên gần đây, nhưng nhìn chung những chính sách của Mỹ với Bình Những trước giờ là rất cứng rắn. Phần lớn người Hàn Quốc xưa nay vẫn phản đối chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên bởi Washington không tham vấn Seoul mỗi khi có động thái với Bình Nhưỡng. Sau khi báo chí Mỹ ngày 19-4 tiết lộ tàu Carl Vinson còn cách bán đảo Triều Tiên hàng nghìn cây số và thậm chí đi hướng ngược lại để ra Ấn Độ Dương, dư luận Hàn Quốc trở nên phẫn nộ vì cho rằng, bị đồng minh Mỹ lừa dối và thao túng. Trước đó Mỹ nói đã cử tàu Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên để răn đe.

Những chính sách về Triều Tiên của ông Moon được cho là trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Moon cho rằng, mục đích việc phong tỏa kinh tế Triều Tiên là muốn ông Kim Jong Un phải ngồi vào bàn hội nghị nhưng ông Trump coi mục đích phong tỏa nhằm bắt Bình Nhưỡng phải chấm dứt thí nghiệm và tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, về tình hình chính trị nội bộ Hàn Quốc, giới bảo thủ ở Hàn Quốc coi hệ thống phòng thủ THAAD mà Mỹ muốn đặt ở Hàn Quốc là một yếu tố răn đe đối với Bình Nhưỡng. Họ xem mọi nhượng bộ với Triều Tiên là nguy hiểm.

Cẩn trọng và để giải tỏa mọi ngộ nhận, vài giờ trước lễ tuyên thệ, ông Moon Jae-in đã gặp các dân biểu bảo thủ của đảng Tự do Hàn Quốc, những người từng lên án ông mềm yếu với Triều Tiên.

Nhà phân tích Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc nói, bất kể ông Moon có những kế hoạch nào về mặt đối ngoại, tình hình kinh tế ở Hàn Quốc và sự kiện ông được bầu sau khi một Tổng thống bị luận tội, có nghĩa là các vấn đề quốc nội sẽ kiềm hãm những gì mà ông Moon muốn thực hiện.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc