Vấn đề ATTP: Phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý

15:13 | 27/04/2016

841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
An toàn thực phẩm (ATTP), một vấn đề nổi cộm của xã hội đã được chọn là vấn đề của cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước ngày 27-4. 

Trước thực tế thực phẩm bẩn tràn lan ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rõ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, phải làm rõ trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu phụ trách ATTP của địa phương…

tin nhap 20160427145836
Hội nghị trực tuyến về ATTP diễn ra ngày 27-4

Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta chưa thể làm hết tất cả các việc nhưng phải ngăn chặn thực phẩm bẩn cho người dân".

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nên không thể không có ai chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này.

"Dù chúng ta đã có cố gắng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng chúng ta tổ chức hội nghị này không phải để nói đến thành tích mà chỉ tập trung đề ra cơ chế, giải pháp tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong an toàn thực phẩm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Và theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần đưa ra những giải pháp dễ thực hiện nhưng hiệu quả cao, mang lại chuyển biến trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề: “Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm từng đơn vị. Trước đây, chúng ta vẫn hiểu theo tinh thần pháp luật cũ, ở ruộng, ở chuồng thì Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm. Ở chợ là Bộ Công thương, trên bàn ăn là Bộ Y tế. Theo quốc tế, tất cả các sản phẩm đều có các ngành quản lý. Sản phẩm ở chợ và thức ăn đường phố là trách nhiệm của địa phương. Chúng ta hay nói nhiều câu chuyện trách nhiệm thuộc về ai, phải chăng có sự phân công chưa rõ ràng?".

Một vấn đề nữa mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn chính là tài chính, muốn biết thức ăn có chất cấm không phải đi đo thử ở phòng thí nghiệm, đo thử thì mất tiền. Trong khi kinh phí lại khó khăn đến mức có khi, cơ quan công an phải nợ tiền đơn vị kiểm nghiệm. Ngoài ra, khi phát hiện thực phẩm bẩn phải tiêu hủy. Tiêu hủy cũng cần chi phí. Phó Thủ tướng nói: “Làm gì cũng phải có nguồn lực. Bấy lâu nay, ta vẫn nói là quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng cơ chế tài chính rất vướng mắc. Một ví dụ đơn giản như thức ăn muốn đo có chất cấm hay không thì phải đo ở các Viện nhưng nguồn tài chính không đầy đủ”.

tin nhap 20160427145836
Thu giữ thực phẩm bẩn tại TP Hồ Chí Minh

Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, tiền phạt từ ATTP  không lấy để làm giàu cho ngân sách mà cần được dùng để phục vụ cho công tác này, thậm chí bỏ thêm ngân sách để bảo đảm vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế tiếp nhận phản ánh, xử lý vi phạm về ATTP; tuyên dương phóng viên, báo chí phát hiện vi phạm, tuyên truyền mô hình mới về thực phẩm an toàn.

Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có một số khâu được chọn để thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét: Xử lý dứt điểm vấn đề salbutamol, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi; rượu, bia, nước giải khát giả, kém chất lượng; thực phẩm chức năng.

“Như chúng ta thấy, mỗi bữa ăn cơm tối đều có nhiều quảng cáo trong đó chủ yếu là thực phẩm chức năng. Vừa rồi phạt hàng loạt các công ty đa cấp, các công ty này cũng liên quan tới mặt hàng thực phẩm chức năng vì kinh doanh mặt hàng này là siêu lợi nhuận” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ Y tế vẫn chỉ ra rằng: chỉ có một số thực phẩm là không an toàn (thậm chí, chỉ chiếm khoảng 1%) nhưng người dân bình thường không thể nhận biết thực phẩm an toàn, hay không an toàn. Vì vậy, các địa phương phải có phòng xét nghiệm, máy xét nghiệm cố định hoặc di động để người tiêu dùng nhận biết, kết hợp phát triển mô hình chuỗi thực phẩm sạch phân phối đến người dân…

 

Xuân Bách