Lễ hội đầu năm 2018

Vẫn còn nhiều “điểm nóng”

15:50 | 04/05/2018

417 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau mùa lễ hội xuân Mậu Tuất 2018, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổng kết, đánh giá thực trạng tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương. Bên cạnh những địa phương bảo đảm lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, vẫn còn không ít “điểm nóng” về bạo lực, lãng phí…  

Sau khi kết thúc mùa lễ hội đầu xuân Mậu Tuất 2018, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, nhìn chung việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Trong đó, các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình. Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ. Hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi bảo đảm an toàn. Lễ hội đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre...

Một số lễ hội đã không còn hiện tượng thiếu văn minh, phản cảm như hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) rút ngắn thời gian giằng bông, không tổ chức trò chơi chọi gà nhằm loại bỏ hình thức cờ bạc trá hình, chọi gà ăn tiền như mọi năm. Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vận động khách thập phương hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, sau khi lễ thì gửi đồ mã tại kho của nhà đền. Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, Nam Định) niêm yết giá vé trông giữ xe công khai theo quy định, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các vi phạm…

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Nguồn kinh phí thu được được sử dụng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội và phúc lợi… Đặc biệt, xuân Mậu Tuất 2018 còn ghi nhận nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số được khôi phục và tổ chức như Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng), Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú), Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông), Lễ hội mừng lúa mới…

Có được kết quả như vậy là do trước khi mùa lễ hội diễn ra, Bộ VH-TT&DL đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức hoạt động lễ hội trước tết Mậu Tuất 2018 tại 7 tỉnh, thành phố với 19 điểm di tích diễn ra lễ hội.

van con nhieu diem nong
Hội phết Hiền Quan 2018

Bên cạnh những kết quả đạt được, mùa lễ hội xuân Mậu Tuất 2018 vẫn tồn tại hiện tượng phản cảm, tiêu cực. Trong Hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018 của Bộ VH-TT&DL được tổ chức vào ngày 20-4, báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở khẳng định, tình trạng chen lấn, xô đẩy, giành lộc và đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Nhiều cơ quan buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam); Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội)...

Ngoài ra, tại các khu di tích chưa giảm bớt tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích... chưa được cải thiện nhiều.

Bộ VH-TT&DL lưu ý một số vấn nạn “ăn theo” lễ hội xảy ra ngày một nhiều hơn, chẳng hạn hiện tượng “cá độ” ở lễ hội chọi trâu tổ chức ở Phù Ninh, Đồ Sơn, Tuyên Quang... đang ở mức khó kiểm soát.

Để các mùa lễ hội sau bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội mang nội dung kích động bạo lực. Thậm chí, có thể giảm tần suất lễ hội hay hạn chế phục dựng những lễ hội có tập tục không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Có muôn hình vạn trạng lễ hội, vì vậy chúng ta cần cân nhắc cách thức tổ chức ra sao cũng như phải tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, không được bóp méo, xuyên tạc, đưa những thứ phản cảm vào. Như vậy là có tội với tổ tiên, có tội với thế hệ mai sau”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí cùng vào cuộc nhằm tuyên truyền đến người dân, thay đổi nhận thức để có thể chuyển đổi các hình thức lễ hội không còn phù hợp trong xã hội hiện đại.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngoài một số giải pháp như đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, cần tiếp tục các giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động lễ hội, giảm tần suất lễ hội, hạn chế phục dựng những lễ hội có tập tục không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, tích cực tuyên truyền, vận động người dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội… Một số lễ hội còn để xảy ra tình trạng bạo lực, phản cảm như lễ hội chọi trâu Hải Lựu, lễ hội chọi trâu Phù Ninh, lễ hội cướp phết Hiền Quan… nếu không xây dựng đề án tổ chức, các phương án bảo đảm an ninh, an toàn thì sẽ cho tạm dừng, không tiếp tục tổ chức nữa.

Bộ VH-TT&DL lưu ý một số vấn nạn “ăn theo” lễ hội xảy ra ngày một nhiều hơn, chẳng hạn hiện tượng “cá độ” ở lễ hội chọi trâu tổ chức ở Phù Ninh, Đồ Sơn, Tuyên Quang... đang ở mức khó kiểm soát.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.