Văn bản quản lý biểu diễn nghệ thuật: Chưa chuẩn, cần phải chỉnh!

10:13 | 02/12/2012

936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 79/2012/NĐ-CP và góp ý thông tư hướng dẫn nghị định, nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị sửa chữa, bổ sung. Càng thấy rằng việc quản lý lĩnh vực biểu diễn, trình diễn… cần được bao quát hơn nữa qua hệ thống văn bản pháp luật.

Nhiều điểm chưa hợp lý!

Nghị định được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/10, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Văn bản mới này được đón nhận với niềm kỳ vọng khi mà những văn bản cũ đã từ rất lâu bộc lộ những bất cập, gây cho các nhà quản lý nhiều lúng túng trước thực trạng hoạt động biểu diễn, trình diễn… trở nên phức tạp với nhiều biểu hiện tiêu cực.

Tuy nhiên, là mới, xong những quy định trong văn bản vẫn chưa có khả năng giải quyết được nhiều hạn chế tồn đọng khiến không ít người băn khoăn.

Biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong lễ hội dân gian rất khó đồng nhất với biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội vạch ra rất nhiều điểm gây khó cho những người chạy “long tóc gáy” lên để bám sát những động tĩnh trong lĩnh vực sôi động này. Theo ông Trực, Khoản 1, Điều 7 quy định: Chủ địa điểm biểu diễn phải đi đề nghị cấp phép biểu diễn. Như vậy là không chính xác vì người chủ có thể là quản lý rạp, nhà hát, trung tâm… là nơi cho thuê điểm diễn chứ không phải là người tổ chức.

Có chăng là người chủ đó chỉ được cho tổ chức biểu diễn khi chương trình đã có giấy phép của cơ quan chức năng. Còn vai trò xin giấy phép thì phải chuyển cho người - đơn vị tổ chức biểu diễn mà theo ông Trực thì không thấy đề cập trong văn bản.

Đồng quan điểm với ông Trực, trong phàn nàn về thời gian trả lời của cơ quan quản lý khi có hồ sơ xin cấp giấy phép biểu diễn, NSND Mai Tư - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho rằng, yêu cầu 2 ngày là không tưởng, là duy ý chí! Hồ sơ xin cấp phép qua bộ phận “một cửa”, trình lên đến tay người có thẩm quyền ký duyệt phải mất vài nấc nữa, hết trưởng bộ phận “một cửa” lại đến bộ phận quản lý biểu diễn. Trong khi có phải các sở chỉ chăm chăm vào đợi hồ sơ xin giấy phép để giải quyết thôi đâu - NSND Mai Tư nói: “Chúng tôi còn bao nhiêu việc khác nữa chứ không có anh nào ăn lương để làm riêng cái này!”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý phải có ít nhất 5 ngày để thẩm định và đưa ra ý kiến trả lời. Bên cạnh đó, theo Nghị định, Hội đồng Nghệ thuật sẽ duyệt chương trình trước khi biểu diễn. Còn trong dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định này lại “đòi” hội đồng phải duyệt khi cấp phép và biên bản của hội đồng là căn cứ để cấp phép. Như vậy, khi Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 và thông tư được chính thức ban hành, sẽ có sự vênh nhau giữa hai văn bản này.

Và theo nhiều người, việc đòi duyệt trước rồi mới có thể cấp phép sẽ gây khó khăn cho nhà tổ chức biểu diễn. “Nếu một chương trình nào đó có NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn xin cấp phép. Chẳng lẽ phải có Đặng Thái Sơn về chơi đàn trước rồi mới cấp phép hay sao!”, ông Trực giả dụ.

Đừng phạt để lăng-xê

Các văn bản mới dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu năm tới, cũng còn nhiều từ ngữ chưa được rõ ràng, còn dễ bị hiểu sai hoặc không đủ sức bao quát. Cần phải điều chỉnh, làm cho rõ nghĩa hơn. Cũng như có nhiều vấn đề trong thực tế đang nảy sinh khiến cho việc quản lý một số sự kiện, vụ việc không chỉ thuộc vai trò quản lý của Sở VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn hay Bộ VH-TT&DL. NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tiếp tục “gióng chuông” về ý thức nghệ sĩ.

Ông ví dụ về vụ Đàm Vĩnh Hưng “hôn môn” sư vừa qua và việc Sở VH-TT&DL TP HCM phạt ca sĩ này. Ông nhấn mạnh: Phạt như thế nào khi hình ảnh nghệ sĩ đã hoen ố! Sau sự cố này, lại đang thấy hình ảnh “Mr Đàm” tràn ngập trên các đường phố Hà Nội, tay giơ cao như “chiến thắng”! Ông đề nghị, công tác tổ chức biểu diễn phải được quy định chặt chẽ hơn, chính xác hơn. Mong là không phải phạt ai, mà nếu hiện thực cần phạt thì phạt là để cho nó tốt đẹp hơn. Chứ không phải phạt là để quảng cáo cho người bị phạt, phạt xong rồi cát-sê của người ta lại cao lên.

Cũng liên quan đến vấn đề xử phạt nghệ sĩ, cá nhân, đơn vị tổ chức vi phạm pháp luật, có những hành vi, ứng xử trái với thuần phong mỹ tục mà dư luận, báo giới rất quan tâm, NSƯT Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL yêu cầu: Thời gian tới cần hoàn thiện các quy định, văn bản về xử phạt với những chế tài cụ thể. Theo ông Biên, ví dụ phạt 50, 70 triệu đồng thì kèm theo tiền phạt là cấm biểu diễn, hay không được xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian là bao lâu. Và như vậy, phải có cả sự theo dõi, chấn chỉnh nếu có cơ quan báo chí truyền thông nào vi phạm. Chứ không thì phê phán hành vi sai trái lại hóa ra quảng cáo cho đối tượng!

Dự thảo Nghị định 79 đã qua nhiều lần góp ý, sửa chữa, bổ sung trước khi được ban hành ngày 5-10-2012. Nhưng cùng với dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định, xem ra vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa. Và khi áp dụng vào thực tế, cần liên tục bổ sung cho sát với tình hình chung một cách nhanh chóng.

Nếu các văn bản quy định, điều chỉnh đối với các hoạt động biểu diễn, trình diễn, các cuộc thi người mẫu, người đẹp… không quán xuyến được hầu hết các ngóc ngách trong lĩnh vực này thì các nhà quản lý, nhất là cấp địa phương lại dễ rơi vào lúng túng, xử lý sai hoặc bỏ sót nhiều trường hợp. Mà ở địa phương thì như Thứ trưởng Vương Duy Biên nhận xét, thời gian qua khi thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, có nơi rầm rộ lúc ra quân rồi đâu lại vào đó!

Ông Vương Duy Bảo - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở: Trong Điều 2 của Nghị định 79 chỉ nói đến thi người đẹp của nữ mà không nói có nam! Trong Điều 10 đề cập đến các chương trình biểu diễn trong các dịp lễ, lễ hội… khi yêu cầu, phải tổ chức duyệt để cấp phép. Lễ hội là kênh riêng, thuộc quản lý của Cục Văn hóa cơ sở, đưa lễ hội vào điều chỉnh ở đây là không được. Hội đồng Nghệ thuật sẽ duyệt như thế nào đối với các lễ hội dân gian trong khi ta đang chủ trương lễ hội dân gian phải trả về cho dân?

Như vậy, giữa 2 cục sẽ có mắc mớ. Nên đề nghị chỉnh sửa lại trong nghị định. Bên cạnh đó, nghệ thuật quần chúng cũng là lĩnh vực riêng, chủ yếu là hoạt động chính trị, không phải là kiếm tiền. Và hoạt động chính trị đó duy trì được là phải có sự cho phép, quản lý của các ban ngành, địa phương chứ! Cho nên đưa vào nghị định là thừa!


Lưu Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.