V-League 2020 nên lùi hai bước

12:20 | 30/03/2020

253 lượt xem
|
Dự kiến ngày mai 31/3, VFF và công ty VPF họp cùng các CLB để quyết định giải pháp cho mùa giải 2020. Nhưng thực ra, họ chỉ có một chọn lựa: hủy giải.
V-League 2020 nên lùi hai bước
Công Phượng đột phá, trong trận thắng của TP HCM trước Thanh Hóa ở vòng 2 V-League 2020. Ảnh: Đức Đồng.

Các CLB tại V-League bắt đầu tập trung và tiến hành các hợp đồng chuyển nhượng từ tháng 12/2019, nhằm chuẩn bị cho mùa giải theo kế hoạch sẽ bắt đầu hai tháng sau đó. Như vậy, đến lúc này, họ phải trả lương cho cầu thủ ít nhất năm tháng (chưa kể thưởng Tết). Nếu bây giờ V-League kiên quyết không hủy, CLB buộc phải duy trì chế độ tập luyện như cũ, đồng nghĩa với khả năng tiếp tục trả lương thêm ít nhất năm tháng nữa.

Ở Việt Nam, chỉ một số CLB hiếm hoi đủ khả năng tự đào tạo và bán cầu thủ như SLNA để có đồng ra - đồng vào, hoặc hai CLB ở thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM khai thác được mảng quảng cáo trên sân. Phần còn lại đều không kinh doanh được gì. Ngân sách hoạt động của họ dựa hoàn toàn vào nhà tài trợ, cũng đồng thời là các ông chủ đội bóng thông qua các dạng hợp đồng quảng cáo nhằm hợp pháp hóa quyền kiểm soát. Trong trường hợp tạm dừng thi đấu ở trạng thái "chờ", không còn nhiều cơ sở pháp lý để giải ngân một khoản tiền lớn. Nếu không có tiền đó, mà vẫn phải trả lương theo chế độ thi đấu, thì chẳng biết quyết toán nguồn tiền đó ra sao.

Ngay cả khi VPF đưa ra giải pháp thu hẹp giải đấu, chỉ diễn ra trong một khu vực nhất định, thời gian thi đấu ngắn lại, các CLB cũng chỉ tiết kiệm phần chi phí di chuyển. Trong khi đó, vì có thi đấu nên họ vẫn phải giữ nguyên chế độ lương. Dù có thể giải ngân được khoản tiền tài trợ, số tiền đâu thể giống như lúc bình thường. Đá ba tháng khác đá tám tháng. Quyền lợi bảng quảng cáo trên sân cũng không còn. Quyền lợi cho khán giả địa phương cũng chẳng có.

Vì vậy, hủy bỏ toàn bộ mùa giải là phương án hợp lý nhất, ít thiệt hại nhất. Đầu tiên, quỹ lương sẽ giảm ít nhất 50% khi chuyển sang chế độ "lương không thi đấu" kèm theo có thể thực hiện cắt giảm lương theo tinh thần của hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Những hợp đồng cầu thủ ngoại, cầu thủ mới có thể đàm phán hủy bỏ vì "trường hợp bất khả kháng". Với ngân sách trung bình 35 tỷ mỗi mùa giải và nguồn thu từ bán vé rất hạn chế, thì trong trường hợp hủy mùa giải, số tiền CLB bỏ ra chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng. Với đa phần các CLB đều dùng tiền của doanh nghiệp sở hữu, cùng hỗ trợ từ ngân sách địa phương, con số này hoàn toàn giải quyết được. Giữa việc cố gắng thi đấu ở một thể thức đặc biệt nào đó, với việc hủy toàn bộ mùa giải, rõ ràng phương án sau ít thiệt hại hơn cho CLB. Quan trọng hơn, nó thể hiện được trách nhiệm của V-League với tình hình xã hội hiện nay. Mọi nỗ lực đưa bóng đá trở lại đều có thể phản tác dụng, gây định kiến và chỉ làm xấu đi hình ảnh của V-League. Hơn nữa, lúc này mà tính toán xác định thời gian nào để trở lại thi đấu là bất khả thi. Mà đã không "hoãn vô thời hạn" thì tốt nhất là hủy bỏ, bởi gần như mùa giải 2020 mới bắt đầu được hai vòng.

Ngay cả lý do về chuyên môn, thi đấu nhằm phục vụ cho đội tuyển quốc gia, cũng không hợp lý lúc này. Việc chuẩn bị cho đội tuyển, đấy là trách nhiệm VFF và HLV Park Hang-seo. Mà cũng chẳng thiếu phương án. Hủy V-League sẽ tạo thêm điều kiện cho HLV Park Hang-seo tập trung được nhiều cầu thủ, sinh hoạt trong không gian cố định, không bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Vấn đề khi đó là cần tạo ra được nhiều trận giao hữu, có các chuyến tập huấn chất lượng cao, để HLV Park Hang-seo rèn quân. Điều này đơn giản và ít tốn kém hơn nhiều so với việc tổ chức V-League để chọn cầu thủ.

Hủy giải là điều không ai muốn nhưng công bằng mà nói, thiệt hại của V-League không thể so sánh với những thiệt hại khác của thể thao toàn cầu, càng không có giá trị gì so với hy sinh của toàn xã hội trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Đưa ra quyết định hủy giải là một bước lùi nhân văn của bóng đá Việt Nam. Chưa kể, VFF và cả VPF cũng có thời gian kiểm tra lại năng lực của các CLB. Với một mức chi tối thiểu nói trên, nếu các CLB cho rằng mình không có tiền, phải phá sản, thì cũng khó tin rằng họ đủ ngân sách đầu tư cho bóng đá một cách căn cơ. Xem như bóng đá Việt Nam lùi... hai bước để khi trở lại sẽ mạnh mẽ hơn.

Trong lịch sử V-League, mùa 1999 từng diễn ra theo tính chất "tập huấn", cũng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế. Trước đó, dù đã thực hiện hàng loạt biện pháp, tệ nạn tiêu cực, móc ngoặc điểm số vẫn tràn lan. VFF quyết định năm 1999 không có lên – xuống hạng, các đội đá trên tinh thần "vui vẻ" và giải đấu năm đó mang tên "Tập huấn Mùa xuân". Đến cuối năm, VFF tổ chức giải chính thức diễn ra từ tháng 10/1999 đến tháng 5/2000. Một mùa sau đó, V-League chính thức ra đời với mùa giải 2001-2002. Điều đặc biệt là ba giải đấu liên tiếp đó, đội vô địch đều là SLNA. Như vậy, hoãn toàn bộ mùa giải, hoặc tổ chức đá "vắt" sang hai năm, đều đã có tiền lệ để những người làm bóng đá hiện nay căn cứ và tính đến mùa sau. Ba chức vô địch của SLNA cũng cho thấy tác động chuyên môn không quá lớn.

Rõ ràng hủy bỏ mùa giải chưa bao giờ là tình huống xấu nhất.

Theo VNE