Ưu tiên hàng Việt: Từ Chính phủ đến nhà sản xuất

10:03 | 04/07/2011

420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngoài việc khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt, giới sản xuất cũng cần lấy đạo đức kinh doanh làm thước đo lòng yêu nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiên phong để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường.

Người tiêu dùng thôi chưa đủ

Sau 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”, kết quả điều tra được công bố của Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban tuyên giáo Trung ương cho thấy: có đến 59% người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Không những vậy, tỷ lệ người tiêu dùng có ý thức dần thay thế hàng ngoại bằng hàng Việt và khuyên người thân nên sử dụng hàng Việt Nam cũng tăng dần lần lượt theo tỷ lệ là 36% và 38%.

Đây là một tín hiệu tích cực đối với thị trường hàng Việt bởi theo kết quả điều tra trước đây của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ) thì, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các loại thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ có 23% người dân tin dùng các sản phẩm trong nước.

Có tới 59% người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những kết quả điều tra trên mới chỉ giới hạn trong phạm vi người tiêu dùng mang tính cá thể, còn người tiêu dùng “khổng lồ” là các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước lại chưa tính đến.

Nhà nước cần nêu gương trong việc thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng cách yêu cầu bộ máy hành chính trên cả nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ được cung ứng từ doanh nghiệp trong nước.

Theo GS Trần Lê Anh (Đại học Lasell, Mỹ), Việt Nam cần có một kế hoạch chi tiết về mua sắm của Chính phủ để ưu tiên cho các mặt hàng có thể sản xuất được trong nước.

Hàng năm, việc mua sắm của Chính phủ lên đến 14% GDP, cho nên cần phải sử dụng sức mua tương đối lớn này một cách thiết thực để ủng hộ hàng Việt Nam. Muốn tạo một nếp văn hóa người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì Chính phủ phải đi tiên phong để làm gương.

Hơn nữa, Việt Nam hiện nay vẫn chưa ký Hiệp định Mua sắm Chính phủ của WTO cho nên việc Chính phủ Việt Nam ưu tiên mua hàng nội sẽ không vi phạm các điều lệ của WTO.

“Bên cạnh đó, đã đến lúc Việt Nam nên tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ giá đối với các mặt hàng nhập khẩu siêu rẻ đang tràn lan thị trường.” – GS Trần Lê Anh đề xuất.

Doanh nghiệp vì người tiêu dùng

Thực tế, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã để mất thị phần lớn trên sân nhà. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này đó là sự áp đảo của hàng nhập khẩu (mà chủ yếu là có xuất xứ từ Trung Quốc) và uy tín của doanh nghiệp nội địa.

Liên quan đến nguyên nhân thứ nhất, một thông tin không thể không chú ý đó là: Kết quả khảo sát toàn quốc do Tạp chí Insight China và phòng khảo truyền thông Thanh Hoa (Trung Quốc) tiến hành vào đầu năm 2011 cho thấy: 70% dân Trung Quốc không tin hàng nội địa. Cuộc khảo sát diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang cố gắng khôi phục lòng tin của công chúng sau hàng loạt bê bối về an toàn thực phẩm, (Báo Giáo dục Việt Nam ngày 1/7/2011).

Trong khi đó, hàng Trung Quốc hiện len lỏi vào hầu hết các ngành hàng ở Việt Nam từ may mặc, đồ chơi, bánh kẹo, gia dụng, nông sản, nội thất, điện tử đến đồ dùng học sinh… là do giá thành rẻ hơn so với hàng Việt.

Rõ ràng, trước tình trạng hàng Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng như vừa qua thì không ai dám khẳng định những hàng hóa bị tẩy chay ở Trung Quốc lại không được chuyển vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.

Đây cũng chính là lời cảnh báo không chỉ đối với cơ quan chức năng mà cả đối với người tiêu dùng Việt, đồng thời đó cũng là cơ hội cho hàng Việt lên ngôi.

Ngoài ra, theo một thống kê mới đây của Oxfam, trên 50% người dân ở nhiều nước cho biết lạm phát, tăng giá đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của họ. Người tiêu dùng cân nhắc hơn, suy nghĩ nhiều hơn và lựa chọn kỹ càng hơn cho một sản phẩm, dịch vụ với mức giá vừa phải và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Nói cách khác, người tiêu dùng đang trở nên thông thái hơn trong giai đoạn khó khăn. Người tiêu dùng Việt không phải là ngoại lệ.

Thực tế cho thấy, bên cạnh yếu tố giá cả thì chất lượng sản phẩm không ổn định là một trong những lý do khiến người tiêu dùng dè dặt với hàng nội. Đã có ý kiến cho rằng, tại sao chúng ta cứ phải hô hào dùng hàng Việt là yêu nước, mà không đặt lời kêu gọi ngược lại cho giới sản xuất lấy đạo đức kinh doanh làm thước đo lòng yêu nước.

Đối với các nhà sản xuất Việt Nam, không có gì lý tưởng hơn khi 59% người dân trong một thị trường với 86 triệu dân sẵn sàng sử dụng hàng hóa của họ. Chất lượng, giá cả, đạo đức, văn hóa kinh doanh và ý thức bảo vệ người tiêu dùng, có lẽ, chính là mấu chốt để hàng Việt thực sự lên ngôi. Muốn thế, các doanh nghiệp phải thực sự vận động, bởi con số 59% kia sẽ không bất biến và vô điều kiện.

Theo DT