Ukraina đang tự mình cắt rời miền Đông

07:05 | 13/11/2014

4,453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hạn chế đi lại, cắt ngân sách, đe dọa cúp năng lượng, chính quyền Kiev đang đặt mạng sống của người dân ở miền Đông Ukraina vào vòng nguy hiểm. Nếu như chính quyền các tỉnh miền Đông đòi ly khai khỏi Ukraina bằng các cuộc bầu cử hôm 2/11 thì những biện pháp trên của chính quyền Kiev chẳng khác nào tiếp thêm cho họ sức mạnh để tách hẳn ra thành các quốc gia độc lập.

Năng lượng Mới số 373

Thủ tướng Ukraina Arseni Yasenyuk hôm 5/11 tuyên bố, Kiev tạm thời dừng chi trả ngân sách cho các khu vực đòi độc lập ở hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk, tuy nhiên sẽ tiếp tục cung cấp điện và khí đốt cho khu vực này. Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Thủ tướng Ukraina cho hay, hiện các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập vẫn đang cần ngân sách từ trung ương, tổng cộng khoảng 2,6 tỉ USD, tuy nhiên khi lực lượng này còn kiểm soát khu vực thì Kiev sẽ không cấp ngân sách.

Tuy nhiên, việc cung cấp điện và khí đốt cho người dân ở Donesk và Lugansk sẽ tiếp tục được duy trì nhằm tránh cho người dân tại 2 khu vực này khỏi một thảm họa nhân đạo. Quyết định trên của Thủ tướng Yatsenyuk được đưa ra sau khi các khu vực Donesk và Lugansk tổ chức các cuộc bầu cử lãnh đạo và Quốc hội ngày 2/11, một hành động bị chính quyền Kiev và phương Tây chỉ trích là bất hợp pháp.

Thông báo của Thủ tướng Yasenyuk đã gây xôn xao, nhưng trước mắt thì cũng không thay đổi gì nhiều, vì trên thực tế thì hệ thống ngân hàng đã ngưng hoạt động từ tháng 7/2014 và người dân ở miền Đông cũng không nhận được gì từ Kiev.

Các cuộc đấu pháo giữa phe ly khai và quân đội Chính phủ Kiev ngày 9/11 ở Donetsk

Bà Lidia Stepanivna, một người về hưu sống ở Lougansk, nói rằng bà đã quen với việc nhịn mọi thứ để sống sót, không lãnh được tiền hưu cũng không phải là vấn đề lớn duy nhất trong những tháng qua. Hai tháng qua, gia đình bà sống không điện nước, không có gì cả. Và còn sống được là nhờ trợ giúp nhân đạo mà người láng giềng Nga đã hai lần gửi đến.

Thủ tướng Yasenyuk khẳng định, ông đã làm hết sức mình để giúp đỡ cho dân cư địa phương này. Nhưng đối với bà Stepanivna và hàng trăm người khác, việc ngưng rót lương hưu là thông điệp rất rõ. Bây giờ thì bà chỉ trông chờ vào Nga.

Theo giới quan sát, đã không còn khả năng kiểm soát các vùng ly khai, Ukraina bây giờ đang mất đi luôn cảm tình của người dân tại đây.

Không chỉ cắt ngân sách, chính quyền Kiev còn thông báo một loạt quy định khắt khe trong việc tự do đi lại nhằm cô lập miền Đông Ukraina. Với các quy định có hiệu lực từ ngày 5/11, người dân phải xin giấy phép, phải trình “hộ chiếu” để vào hoặc ra khỏi vùng do phe ly khai kiểm soát.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang, chính quyền Kiev có thể sẽ cúp nốt nguồn năng lượng dành cho miền Đông như những gì họ đã đe dọa trước đó. Ngày 1/11, phát biểu tại một cuộc họp bàn về năng lượng ở thủ đô Kiev, ông Yatseniuk nói rằng, chính phủ sẽ xem xét việc cúp khí đốt cho các lãnh thổ đông nam đất nước không do Kiev kiểm soát. Thủ tướng Ukraina lý giải cho khả năng cúp khí đốt cho các tỉnh miền Đông là vì chính quyền Kiev không nhận được “hàng trăm triệu” đôla tiền bán khí đốt cho khu vực này.

Kể từ sau các cuộc bầu cử ở các tỉnh miền đông cho đến nay, tình hình chiến sự mỗi lúc một căng thẳng. Ngày 9/11, hàng loạt các vụ pháo kích đã nổ ra tại thành trì Donetsk của phe ly khai ở miền Đông Ukraina. Đây là cuộc giao tranh dữ dội nhất ở miền Đông Ukraina kể từ khi Chính phủ Kiev và phe ly khai ký thỏa thuận ngưng bắn vào đầu tháng 9/2012 ở thủ đô Minsk của Belarus. Trước đó, ngày 6/11, bộ phận báo chí của quân đội Ukraina cho hay lực lượng nổi dậy ở miền Đông khi mất đến 200 chiến binh trong các cuộc giao tranh với quân chính phủ ở sân bay thành phố Donetsk.

Tất cả những căng thẳng này có thể được dự báo vì ngày 4/11, Tổng thống Ukraina Poroshenko đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng nước này thiết lập thêm các đơn vị quân sự để tái chiếm các tỉnh miền Đông.

Trên mặt trận ngoại giao quốc tế, trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng APEC ngày 8/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, Washington và Moskva đã nhất trí trao đổi thông tin về tình hình Ukraina. Ngoại trưởng Kerry nêu rõ, Nga và Mỹ có những bất đồng về một số vấn đề liên quan đến Ukraina, nhưng hai bên đã nhất trí trao đổi một số thông tin về tình hình biên giới, đồng thời tiếp tục đối thoại về vấn đề trên. Còn theo ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, quan điểm của Nga về những diễn biến tại Ukraina không tương đồng với Mỹ, nhưng nếu Washington quan tâm góp phần hòa giải và thiết lập đối thoại giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraina thì đó sẽ là một bước đi đúng.

Một thông tin đáng chú ý khác là việc ngày 8/11, Nga đính chính lại rằng Moskva chỉ tôn trọng chứ không công nhận kết quả bầu tại Donetsk và Lugansk. Bình luận về diễn biến mới này, một quan chức cao cấp Chính phủ Nga khẳng định Moskva đã chủ ý lựa chọn cách tiếp cận an toàn đối với vấn đề bầu cử Ukraina để tránh phá hủy những kết quả đạt được sau bao khó nhọc. Động thái mới nhất cho thấy Nga muốn chờ kết quả cuộc họp của EU về vấn đề Ukraina và hội nghị G20 giữa tháng 11 này do trước đó phương Tây đã phong thanh chuyện tăng cấm vận sau phát ngôn của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Nga tôn trọng ý nguyện của người dân ở miền đông Ukraina.

Tình hình tại Ukraina trong những ngày tới sẽ còn leo thang vì Kiev và phương Tây đang cáo buộc Nga đưa quân lính sang miền Đông Ukraina. NATO ngày 7/11 cho hay liên minh này đã nhận thấy sự gia tăng binh sĩ và trang thiết bị của Nga dọc biên giới Ukraina. Trước đó, quân đội Ukraina thông báo một đoàn xe tăng, các hệ thống pháo và xe tải từ Nga đã vượt qua biên giới vào nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng: “Nếu động thái trên được khẳng định, đó sẽ là một sự vi phạm thỏa thuận được ký tại Minsk hôm 5/9 vừa qua. Chúng tôi kêu gọi Nga và các bên tham gia ký kết tôn trọng thỏa thuận Minsk”. Về phần mình, Nga đã phủ nhận cáo buộc trên và bác tin triển khai binh sĩ tới gần biên giới Ukraina. Moskva tuyên bố tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và mong muốn các bên liên quan đến vấn đề miền đông Ukraina tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán.

S.Phương (tổng hợp)