Tương lai của năng lượng hóa thạch?

07:10 | 18/07/2018

3,194 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian gần đây, khi nhiều quốc gia phương Tây yêu cầu ngừng thăm dò các mỏ dầu và khí đốt, mọi người đều tin rằng thế giới đã thay đổi. Nhưng trong thực tế, đó chỉ là điều… mơ mộng.
tuong lai cua nang luong hoa thachPhát triển năng lượng tái tạo: Yêu cầu từ thực tiễn
tuong lai cua nang luong hoa thachPháp đề mục tiêu cắt giảm 30% tiêu thụ năng lượng hóa thạch

Gần đây nhất, Quốc hội Pháp thông qua đạo luật ngừng thăm dò dầu khí trên lãnh thổ Pháp kể từ năm 2040. Nhưng thực tế lại cho chúng ta nhìn thấy điều khác: Các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran đã đẩy giá dầu mỏ tăng cao là vì mức tiêu thụ dầu mỏ vẫn tiếp tục gia tăng.

Vào năm 1972, tại Stockholm, cha đẻ của ngành sinh thái học, Giáo sư René Dubos, đã nói lên ước muốn của mình là tư duy toàn cầu và hành động địa phương. Tuy nhiên, người ta thường chỉ nghĩ đến địa phương, còn nói về toàn cầu hóa nhưng không hành động gì. Kết quả là nói mà không làm.

tuong lai cua nang luong hoa thach

Vấn đề năng lượng hóa thạch có tiếp tục được sử dụng trong tương lai hay không vẫn còn trong vòng tranh luận.

Ở một thời điểm trong dòng lịch sử, chúng ta đã xây dựng một nền công nghiệp phát triển dựa vào than đá. Chúng ta nhìn thấy được những hạn chế của than đá rồi sử dụng dầu mỏ, sau đó là khí đốt, thay thế cho than đá. Những nhiên liệu thay thế này có hiệu suất cao hơn và sạch hơn, cho phép ngành sản xuất ôtô và hàng không phát triển cũng như tạo ra cuộc cách mạng trong hàng hải.

Dân số tăng nhanh và đổ dồn vào các thành phố đang đặt ra nhiều vấn đề về nguồn năng lượng. Chúng ta đang nghiên cứu vấn đề giao thông đô thị để tránh ô nhiễm và kẹt xe. Hiện nay người ta nhắc đến nhiều hơn về khái niệm “phát triển bền vững” và quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng và tái chế nhằm chống lại sự lãng phí. Các thế hệ trẻ đang truyền bá khái niệm này. Mỗi người trong chúng ta tự thấy mình có trách nhiệm bảo vệ môi trường và mong muốn nhìn thấy rằng đất nước phát triển mà vẫn bảo đảm được môi trường sinh thái.

Hai thế giới đối lập

Nhưng tất cả những ước muốn đó chỉ có được một cách trọn vẹn trong một thế giới được bảo vệ, đó là ở những nước phát triển. Vẫn còn đông đảo những nước đang phải đấu tranh để sống còn, vẫn đang chịu các cuộc chiến tranh, các chế độ chuyên quyền độc ác, điều kiện y tế không bảo đảm và không đủ điều kiện để thực hiện những mục tiêu mà các nước phương Tây đưa ra.

Do đó, những nước này phải phát triển đất nước bằng cách sử dụng những nguồn tài nguyên rẻ mạt mà không cần để ý đến những bất cập mà các nước phát triển biết và đang đấu tranh loại bỏ chúng trong suốt 50 năm qua. Những nước đang phát triển chỉ quan tâm đến tình trạng của người dân liên quan đến y tế, giáo dục, lương thực, năng lượng nhằm cải thiện sự thiếu thốn mà không quan tâm đến những tác động từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Vì vậy, khi nhìn rộng ra thế giới, ngoài các nước phương Tây, chúng ta có thể thấy chính việc vẫn còn sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch ở phần còn lại của thế giới đã giúp phương Tây biết được tiến trình phát triển của họ. Than đá có giá thành thấp và trữ lượng dồi dào. Các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc đã khai thác chúng ồ ạt. Nhưng kể từ 10 năm nay, những nước này bắt đầu di dời các nhà máy nhiệt điện than ra các vùng xa đô thị. Những khu vực khác trên thế giới vẫn sử dụng than đá và sẽ tiếp tục sử dụng cho tới khi có một nguồn nhiên liệu khác thay thế.

Hiện tại, với mục tiêu giảm nồng độ khí CO2 trong khí quyển, các khu vực này phải giải quyết vấn đề về sử dụng than đá của các hộ gia đình và phải áp dụng công nghệ hiện đại để đốt than tập trung, nghĩa là đốt than ở nhiệt độ rất cao. Những hậu quả do sử dụng than đá sẽ giảm đi rất nhiều nếu chúng ta loại bỏ việc sử dụng than đá của các hộ gia đình (giảm gần 95%). Trái ngược với những gì báo chí đưa, Ấn Độ và Trung Quốc không có ý định giảm tiêu thụ than đá, thậm chí tăng nhẹ, đơn giản là vì lợi ích mà các loại năng lượng khác (khí đốt, hạt nhân, thủy điện, gió và mặt trời) tạo ra cho sự phát triển đất nước không bằng than đá.

Tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt vẫn tiếp tục tăng để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Đây là điều không thể tránh khỏi. Trước khi có các nhiên liệu thay thế, các nước này phải chuyển nấu ăn bằng khí đốt thay vì bằng củi được chặt phá trong rừng. Khí đốt còn dùng cho các nhà máy điện để tăng tốc độ điện hóa, dầu mỏ cho giao thông và những vật liệu plastic cho tiêu dùng hằng ngày để giảm thiểu nhập khẩu hàng loạt.

Với thực tế đó, chúng ta có thể đoán được rằng, những nghiên cứu về sản xuất khí đốt và dầu mỏ trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, một nền kinh tế dựa trên những nguồn năng lượng ít carbon mà thế giới đang hướng đến hiện chỉ có được bằng cách chống lãng phí và nâng cao hiệu suất năng lượng chứ không thể loại bỏ nhiên liệu hóa thạch mà thay thế bằng năng lượng khác ngay tức thì được.

Chung sống với nhiên liệu hóa thạch

Nếu nói rằng cần phải ngừng khai thác dầu mỏ sẽ là một điều tồi tệ với những nước nghèo, đang phát triển vì họ sẽ không thể bỏ qua khí đốt và dầu mỏ. Ưu tiên hiện nay của các nước phát triển là cố gắng duy trì giá nhiên liệu thấp và cung cấp cho các nước đang phát triển khả năng có được một nguồn điện năng phong phú, dễ vận chuyển và rẻ.

Nếu như cách đây 10 năm, năng lượng mặt trời là một công nghệ vượt tầm với người Trung Quốc thì nay những tấm pin mặt trời sản xuất ở Trung Quốc đã thống trị thế giới.

Tuy nhiên, đồng thời những quốc gia này phải tiến đến một cuộc cách mạng kỹ thuật với tất cả những gì liên quan đến đời sống của người dân thành thị, nơi tập trung đông dân cư. Thành phố của tương lai sẽ giống như Singapore khi những chiếc xe điện được lắp đặt ở tất cả khu dân cư đông dân. Những chiếc xe kết nối công nghệ không người lái có lẽ cũng sẽ phát triển nhanh chóng.

Chúng ta không thể phủ định hoàn toàn năng lượng hóa thạch mà không nhìn đến những lợi ích mà nó đem đến. Một lúc nào đó, Trung Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với những lối sống mới được hình thành do sự đổi mới trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Rồi họ sẽ quen như lúc họ đã làm với các tấm pin mặt trời. Nếu như cách đây 10 năm, năng lượng mặt trời là một công nghệ vượt tầm với của người Trung Quốc thì nay những tấm pin mặt trời sản xuất ở Trung Quốc đã thống trị thế giới.

Hơn nữa, cho dù chúng ta có thay đổi cách tiêu dùng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mặt trời, mức sống của chúng ta cũng không thể được cải thiện. Cơ hội duy nhất để cải thiện mức sống là vẽ nên một viễn cảnh tương lai khi mà người dân dồn về những thành phố lớn. Những thành phố lớn này sẽ phát triển nhanh chóng để giải quyết những vấn đề của tấm pin điện và bài toán về năng lượng. Bắt nguồn từ thực tế này mà chúng ta phải suy nghĩ và hành động.

Những thành phố lớn trong tương lai sẽ phát triển thành công những cơ sở sản xuất mà không ảnh hưởng đến y tế, giáo dục. Xe hơi chạy bằng điện từ lâu đã không còn xa lạ đối với chúng ta khi nhắc đến sự đổi mới, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn phải sử dụng xăng dầu cho các phương tiện giao thông. Đó là sự chung sống mà chúng ta phải chấp nhận với mong muốn hiệu suất kinh tế ngày càng được cải thiện và những tiến bộ trong chống lại ô nhiễm môi trường.

Duy Hưng