Từng bước đánh giá và cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia

16:52 | 24/04/2012

474 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc phối hợp với Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo lần thứ nhất trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia tại Việt Nam”.

Năm 2013 sẽ có Luật việc làm

Các tham luận tại hội thảo cho thấy, ở Việt Nam, chỉ những kĩ năng nghề qua đào tạo là được công nhận chính thức trên văn bằng chứng chỉ do cơ sở đào tạo đánh giá, công nhận. Những kỹ năng nghề do người lao động có được thông qua đào tạo tại nơi làm việc và tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn thì chỉ được doanh nghiệp nơi làm việc công nhận, chứ chưa được đánh giá, công nhận chính thức bằng hệ thống thống nhất của quốc gia.

Vì vậy, người lao động gặp khó khăn khi chuyển đến nơi làm việc mới cũng như trong việc thăng tiến, gây ra sự bất bình đẳng và không khuyến khích được người lao động học tập, rèn luyện suốt đời để đạt trình độ cao hơn. Đó cũng chính là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế là chất lượng của lao động Việt Nam còn thấp, thiếu nhiều lao động lành nghề.

PGS.TS Mạc Văn Tiến – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề nhấn mạnh: việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia hướng đến tiêu chuẩn ASEAN là việc làm cấp thiết hiện nay: “Theo các lãnh đạo ASEAN thì đến năm 2015, hướng tới cộng đồng ASEAN, thì khi đó chúng ta tiến tới công nhận kỹ năng nghề lẫn nhau giữa người lao động của các nước ASEAN. Nghĩa là người lao động Việt Nam sang làm việc lại Indonesia hay Malaysia cũng đều được công nhận như nhau và có quyền được trả lương như nhau. Vì thế chúng ta phải xây dựng hệ tiêu chuẩn kĩ năng nghề như thế nào để họ công nhận chúng ta và chúng ta công nhận họ”.

Thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia tại Việt Nam”, với tổng số vốn 1.800.000 USD, theo hình thức ODA không hoàn lại.

Diệu Thuần