Tự ý và phạm luật

13:37 | 09/03/2018

3,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số địa phương tự ý làm những việc nhằm thu lợi một cách “khó hiểu” trong thời gian dài, nhưng lạ thay, chính quyền địa phương cấp cao hơn cũng như các cơ quan chức năng không hề biết.

Thậm chí có việc biết mà không có động thái ngăn chặn sớm để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Và khi bị xử lý thì hình thức xử phạt cũng “nhẹ như lông hồng”.

Ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), cứ đến dịp tết Nguyên đán là UBND phường lại phát hành vé số, ép học sinh, giáo viên và nhân dân mua để lập “Quỹ Khuyến học”, gây bức xúc trong dư luận.

tu y va pham luat
Công trình xây dựng trái phép ở Tràng An

Ông Đinh Quốc Hùng, Chủ tịch UBND phường kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học phường thừa nhận: Việc in, phát hành vé số ngày tết, vận động gây Quỹ Khuyến học là hoạt động truyền thống diễn ra hơn chục năm nay. Tết năm 2017, phường phát hành 10.000 vé, mệnh giá 20.000 đồng/vé, thu về 200 triệu đồng, trừ chi phí còn 95 triệu đồng được đưa vào Quỹ Khuyến học. Tết Mậu Tuất, phường lại phát hành 10.000 vé số, giao cho khối trường học bán 4.000 vé, khối chính quyền, đoàn thể và tổ dân phố bán 6.000 vé.

Ông Cồ Quốc Bảo, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Hà 2, phường Thống Nhất kể: “Năm nay, phường giao cho tôi phát hành 30 vé, với mệnh giá 20.000 đồng/vé. Cả chi hội có 12 hội viên nhưng tất cả hội viên không ai mua nên tôi chưa bán được. Tết năm ngoái, phường cũng giao 30 vé, tôi chỉ bán được 10 vé, thế là đành bỏ 400.000 đồng ra mua để hoàn thành nhiệm vụ”.

Việc tự ý in, phát hành vé số của UBND phường vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 78/2012/NĐ-CP, ngày 5-10-2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2007/NĐ - CP ngày 1-3-2007: “Chỉ có doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số”. Như vậy, các cơ quan chức năng của địa phương cần sớm kiểm tra và có biện pháp xử lý để UBND phường Thống Nhất không tái diễn việc làm ấy.

Một chuyện khác gây xôn xao dư luận từ sau tết đến nay là công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (Cái Hạ) xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, nằm ngay trong vùng lõi Di sản Tràng An. Công ty Du lịch Tràng An đã tự ý xây dựng công trình này với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc lên xuống là vi phạm nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản. Ngày 5-3 vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã trực tiếp về kiểm tra và kết luận mức độ vi phạm cũng như đề xuất với địa phương phải kiên quyết khắc phục ngay.

Điều mà dư luận quan tâm và đặt câu hỏi là tại sao một công trình xây dựng lớn và không phép như thế, diễn ra từ giữa năm 2017 mà địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý?

Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó chủ tịch UBND huyện Hoa Lư - thừa nhận sự quản lý của huyện thiếu sát sao, chưa thường xuyên và có những lúc còn buông lỏng. Bản thân Sở Du lịch có 4 văn bản gửi huyện Hoa Lư đề nghị có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng trái phép này, nhưng UBND huyện Hoa Lư không hề có bất kỳ văn bản nào phản hồi. Vì sao vậy? Phải chăng UBND huyện đã biết nhưng cố tình làm ngơ?

Qua kiểm tra thực tế, đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT&DL còn phát hiện ngoài việc xây dựng trái phép công trình đường lên núi Huyền Vũ ở vùng lõi Di sản Tràng An, công ty này còn vi phạm nhiều lỗi khác. Đó là sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên; sử dụng phương tiện thuyền đò để chở khách du lịch tham quan nhưng đội ngũ lái đò chưa được tập huấn nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé mà chưa được phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành - nhân bản các đĩa DVD quảng cáo tới khách du lịch nhưng nội dung chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định và cho phép. Tất cả các đĩa chưa được dán tem lưu hành nên có thể khẳng định đĩa in sao trái phép.

Ngoài ra, công ty này còn đăng các bảng biển giới thiệu về lịch sử nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Công ty tự “bịa” tên “Tràng An cổ” để gắn cho vùng tham quan này. Khi đoàn thanh tra yêu cầu xuất trình hồ sơ, tài liệu chứng minh đây là vùng “Tràng An cổ” thì công ty không xuất trình được.

Bên cạnh đó, trong nhà ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An - còn trưng bày hàng chục tủ kính đề di vật cổ thời Đinh - Lê. Khi đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về niên đại của các loại đồ cổ đó, ông Son cũng không cung cấp được.

Với hàng loạt vi phạm xuất phát từ việc “tự ý” như thế thì mức độ xử phạt phải rất nặng mới đủ sức răn đe.

Bùi Đức