Tử thần trong phế liệu

10:15 | 11/01/2018

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa bước vào năm mới, tại Bắc Ninh đã xảy ra chuyện đau lòng từ vụ nổ kho hàng chứa vật liệu nổ của một người dân.

Lâu nay không mấy ai để ý tới mức độ nguy hiểm và những cái chết rình rập từ các kho hàng chứa phế liệu ấy. Bởi vì, ai cũng nghĩ đó chỉ là sắt vụn, đồng nát, chẳng có gì phải quan tâm. Song chính từ những thứ đồng nát ấy, cả nước đã xảy ra nhiều vụ nổ thương tâm, cướp đi bao sinh mạng.

Đất nước trải qua 30 năm chiến tranh, lượng bom đạn và vật liệu nổ còn sót lại rất nhiều ở khắp nơi, bị vùi lấp dưới lòng đất. Từ ba, bốn chục năm nay, nhiều người dân đã kiếm kế sinh nhai bằng việc đi dò tìm phế liệu bán lấy tiền. Thế rồi rất nhiều người đã đứng ra thu mua, phân loại để tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất, tái chế. Phế liệu gồm rất nhiều loại, chủ yếu là kim loại, đồ nhựa nhưng cũng không ít là vật liệu nổ.

Đối với bom, đạn, mìn, kíp và các vật liệu nổ khác lại có một số người chuyên làm công việc phá dỡ lấy thuốc nổ bán. Họ là những người coi thường cái chết, vô tư cưa, đục bom đạn để lấy thuốc nổ. Nguồn thuốc nổ ấy được bán chui cho những cơ sở khai thác đá, mở hầm mỏ và đánh bắt cá. Cả một dây chuyền dò tìm, buôn bán, sử dụng vật liệu nổ như thế nên có thể nói rằng, cái chết tiềm ẩn ở bất cứ đâu.

tu than trong phe lieu

Đạn từ kho phế liệu bắn sang các nhà dân xung quanh tại Bắc Ninh

Vụ nổ kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 3-1 tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương là hậu quả của việc tàng trữ, buôn bán phế liệu có vật liệu nổ. Một kho hàng phế liệu có chứa tử thần như thế mà chủ hàng dám liều lĩnh đặt ngay trong khu dân cư đông đúc - một điều cấm kỵ. Kho hàng phát nổ thì dân làng và chính quyền địa phương mới biết. Rồi tiếp đó, qua kiểm tra mới phát hiện thêm một kho nữa cách nơi phát nổ 500m của chủ hàng Nguyễn Văn Tiến.

Hơn 70 nhà dân đã bị thiệt hại từ vụ nổ. Đến sáng 4-1, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng đã thu lượm được 3.200kg đầu đạn. Thật đáng sợ đối với dân làng Quan Độ! Nhiều người dân sống cạnh kho hàng nhà ông Tiến quá hoảng sợ khi bấy lâu nay sống cạnh tử thần mà không hề hay biết. Trong khi đó, ông Tiến vẫn còn đặt kho ở những vị trí khác trong làng. Không biết trong đó có chứa vật nổ hay hàng hóa gì nguy hiểm không?

Và dân làng Quan Độ bỗng nhớ lại 11 năm trước, kho của ông Tiến cách đó 500m cũng đã một lần phát nổ, làm chết một thanh niên giúp việc cho ông. Vậy mà từ đó đến nay ông vẫn tiếp tục kinh doanh vật liệu nổ.

Bị bắt tạm giam để điều tra, ông Tiến khai đã mua 7 tấn đạn của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh công binh). Điều này đang được Bộ Quốc phòng và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn điều tra. Theo nguyên tắc thì không ai được phép bán vật liệu nổ (đạn dược, vũ khí…) ra bên ngoài để cho đơn vị dân sự tháo dỡ, tiêu hủy.

Làng Quan Độ, xã Văn Môn có nhiều hộ buôn bán, kinh doanh phế liệu từ hàng chục năm nay. Nhưng công tác quản lý, giám sát bị buông lỏng nên chính quyền xã không biết được hộ nào thu gom phế liệu có vật liệu nổ. Đây cũng là kẽ hở cho những vụ tai nạn xảy ra.

Ở nước ta hiện nay, theo các tài liệu nước ngoài thì tỷ lệ bom đạn chưa nổ là 10% (khoảng 800.000 tấn), nằm rải rác trên khắp lãnh thổ, chiếm hơn 20% diện tích cả nước. Riêng Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (trong đó có 7.850.000 tấn thả từ máy bay và 7.500.000 tấn sử dụng trên mặt đất).

Số lượng bom mìn, đạn dược đã sử dụng ở Việt Nam nhiều gấp 3,9 lần so với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên, bình quân 46 tấn/km2, tương đương 280kg/người.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 1.000 người chết, 1.500 người bị thương (trong đó có 1/3 là trẻ em) vì bom mìn. Số người chết nhiều nhất là tại 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi). Những cái chết thương tâm xảy ra trong nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau; có những trường hợp dẫn đến cái chết không ai ngờ tới…

Tất cả các loại bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi bị tác động trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học. Theo điều tra sơ bộ, diện tích hiện còn bom mìn, vật liệu nổ chưa nổ sau chiến tranh trên toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha, tương đương 66.000km2, nằm ở tất cả 64 tỉnh, thành phố cả nước.

Do lượng bom mìn, vật liệu nổ còn nhiều như vậy nên hoạt động dò tìm, buôn bán phế liệu vẫn diễn ra hằng ngày ở nhiều địa phương. Khi mà các cơ quan chức năng chưa quản lý được hoạt động này và người dân còn chủ quan, hám lợi thì tử thần còn tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người nữa.

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc