Từ quả dưa hấu, nghĩ đến... dầu khí

07:02 | 14/04/2015

1,808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những ngày qua, chuyện quả dưa hấu ế ẩm của bà con Quảng Nam và chuyện xe chở dưa hấu sang Trung Quốc bị ùn tắc kéo dài thực sự đã gây ra một cơn sốt. Bộ Công Thương và nhiều cơ quan chức năng khác phải vào cuộc một cách quyết liệt để giải tỏa sự ùn tắc, giúp đỡ bà con tiêu thụ dưa.

Năng lượng Mới số 413

 

Cộng đồng mạng dấy lên phong trào mua dưa để giúp đỡ bà con.

Và thật cảm động khi thấy có những điểm bán dưa do thanh niên, sinh viên đứng ra tổ chức và mọi người xúm vào mua dưa giúp đỡ cho bà con. Đó là những nghĩa cử cao đẹp và thể hiện tinh thần tương thân tương ái, một bản chất tốt đẹp của người Việt chúng ta.

Cán bộ Bộ Công Thương đã tổ chức mua dưa hấu để giúp đỡ bà con. Ấy vậy mà vẫn có tiếng nói lạc lõng rằng, Bộ phải lo ở tầm “vĩ mô” chứ sao lại đi mua dưa như thế.

Từ quả dưa hấu, nghĩ đến... dầu khí

Sinh viên Hà Nội bán dưa hấu 7.000 đồng/kg giúp nông dân Quảng Nam

Thật đúng là lời nói của những kẻ vô cảm!

Lẽ ra phải hoan nghênh Bộ Công Thương, bên cạnh những việc lớn nhằm khơi thông dòng chảy cho quả dưa hấu nói riêng và nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung thì việc cán bộ, công nhân viên ở cơ quan Bộ mua dưa giúp bà con là một việc làm rất đẹp. Bộ là phải thế, lo từ cái lớn rồi cũng xắn tay áo vào cái nhỏ.

Đến bây giờ theo thông tin mới nhất thì lượng dưa tồn đọng đã giảm đáng kể và người trồng dưa đã có thể tạm thở phào nhẹ nhõm.

Tất nhiên, chuyện dưa hấu được mùa rớt giá rồi chuyện ách tắc không xuất khẩu được là điều đã xảy ra từ chục năm nay và thiết nghĩ cũng nên coi đây là chuyện bình thường, bởi một khi cung vượt quá cầu thì sinh ra chuyện được mùa rớt giá là lẽ đương nhiên. Chắc chắn rằng sau lần này Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp mang tính căn cơ hơn nhằm tránh những chuyện xảy ra tương tự cho vụ dưa sang năm.

Chuyện quả dưa hấu là vậy nhưng liên tưởng lại với thực trạng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hôm nay thì mới thấy có nét... tương đồng.

Từ quả dưa hấu, nghĩ đến... dầu khí

Cán bộ, công chức Bộ Công Thương tự tay vận chuyển dưa hấu

Tại hội nghị sơ kết công tác 3 tháng đầu năm của Tập đoàn, chúng ta yên tâm vì thấy kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong toàn Tập đoàn vẫn thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Một số đơn vị đã có nỗ lực vượt bậc để vượt qua khó khăn, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Tuy vậy, doanh thu chung của cả Tập đoàn đã bị giảm bởi một số nguyên nhân bất khả kháng, mà trong đó lớn nhất là giá dầu sụt giảm một cách tiêu cực từ cuối năm ngoái cho tới năm nay.

Đây là lúc toàn Tập đoàn phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Doanh thu từ nguồn bán dầu giảm kéo theo sự suy giảm trên hầu như tất cả các lĩnh vực hoạt động khác. Đó là một bài toán mà rất khó có thể giải được nếu như chúng ta không có một sự đồng tâm hiệp lực và hơn nữa là phải có một tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau, giống như kiểu mọi người xắn tay vào mua dưa hấu giúp dân.

Đành rằng có những khó khăn mà nguyên nhân không thuộc về chúng ta, như giá dầu giảm đã tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có những khó khăn do cơ chế, do quy định thiếu tính thực tiễn gây ra.

Từ quả dưa hấu, nghĩ đến... dầu khí

Giàn Đại Hùng 01 được lai dắt vào cảng sửa chữa của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) ngày 16-9-2014

Tại hội nghị sơ kết, vị lãnh đạo của Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã kể một câu chuyện mà thật muốn khóc không khóc được.

Nhà máy Đóng tàu Dung Quất của Vinashin được giao cho Tập đoàn tiếp quản với mục đích là để cứu nhà máy khỏi sụp đổ, trong bối cảnh nhà máy nợ nần chồng chất, công ăn việc làm không có. Nhưng mấy năm nay nhờ có Tập đoàn, nhà máy đã dần hồi sinh và vừa rồi đã làm được 2 công trình rất lớn. Đó là đại tu thành công giàn Đại Hùng và đóng thành công một con tàu chở dầu vào loại lớn nhất Việt Nam.

Đây là con tàu từng chiếm nhiều kỷ lục buồn như thời gian thi công quá dài, chi phí tài chính đội lên quá cao. Nhưng đó không phải là do lỗi của các thế hệ cán bộ hiện nay mà đó là hậu quả từ thời Vinashin để lại. Nhà máy đang lo kiếm công ăn việc làm thì lại vấp phải quy định của Luật Đấu thầu mới, ấy là: Muốn tham gia đấu thầu thì đơn vị phải làm ăn 3 năm có lãi và rồi chứng minh được khả năng tài chính thế này thế khác.

Một số đơn vị của Tập đoàn cũng muốn giao việc cho Nhà máy Đóng tàu Dung Quất làm nhưng lại vướng quy định về đấu thầu như vậy.

Tình cảnh này không khác gì người trên bờ muốn ném cái phao cho người sắp chết đuối. Tay cầm phao nhưng không dám ném bởi những quy định như thế, nếu ném xuống cứu được người sắp chết thì không khéo lại mang họa vào thân. Bởi các cơ quan thanh tra, kiểm toán sẽ “hành” rằng, ai cho phép làm như vậy.

Nghĩ mà thật buồn cho các quy định trên trời.

Trong lúc này, có lẽ chúng ta phải học tập tinh thần… tiêu thụ dưa hấu. Ấy là mọi người, mọi doanh nghiệp trong một cộng đồng hay nói cụ thể ra là các đơn vị trong Tập đoàn hơn lúc nào hết phải dựa lưng vào nhau, phải đùm bọc lẫn nhau để tồn tại rồi mới nghĩ chuyện phát triển. Những gì mà đơn vị bạn làm được thì phải sử dụng dịch vụ của đơn vị đó.

Đúng là thường chúng ta cứ hay yêu cầu chất lượng phải đảm bảo, giá cả phải hợp lý, điều đó hoàn toàn chính xác. Nhưng vấn đề là phải có cơ chế để tạo điều kiện cho các đơn vị khó khăn kiếm được công ăn việc làm. Đừng vì những lý do vặt vãnh và quy chế giời ơi đất hỡi nào đó mà nhìn đơn vị bạn ngắc ngoải trong khi hoàn toàn đơn vị ấy có đủ năng lực và trình độ để thực hiện những công việc mà đơn vị mình đang cần.

Một vấn đề nữa mà không thể không quan tâm ấy là hàng rào bảo hộ của chúng ta đối với các đơn vị trong nước cực kỳ kém, hay nói đúng hơn là chúng ta đang tự buộc dây trói chân trói tay mình.

Chúng ta thấy nhan nhản những công trình do nước ngoài trúng thầu, họ ào ạt đưa người lao động sang trong khi chúng ta có đội ngũ lao động có thể đáp ứng được các yêu cầu. Sao lại lạ lùng đến thế.

Gần đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài tại Algeria, Venezuela. Và như ở Algeria chúng ta thắng thầu quốc tế. Nhưng thử hỏi liệu có một lao động Việt Nam nào sang làm ở giàn khoan của PV DRILLING 11 nếu như đó không phải là những công nhân kỹ thuật chủ chốt. Chúng ta phải đi thuê mướn người lao động bản xứ và phải bắt tay vào đào tạo cho họ thậm chí từ cách cầm vòi phun nước rửa giàn khoan. Đó là chưa kể những quy định ngặt nghèo khác buộc ta phải tuân theo, còn không làm thì thôi.

Ở Venezuela cũng vậy, đừng có nói chuyện đưa lao động phổ thông của ta sang đó mà làm việc… Mặc dù ai cũng biết thuê lao động người bản xứ thì trình độ của họ không phải lúc nào cũng đáp ứng được yêu cầu công việc và đặc biệt là người ta sống theo cách và làm việc theo kiểu của người Nam Mỹ. Rất tự do, rất tùy hứng.

Thôi thì chuyện chính sách ở tầm vĩ mô sẽ có các cơ quan chức năng nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp với tình hình của chúng ta. Nhưng đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì rõ ràng đến lúc chúng ta cũng phải xây dựng một cơ chế cho riêng mình. Ấy là, những gì mà chúng ta làm được thì phải tạo điều kiện, tạo cơ chế để cho các đơn vị làm, hạn chế đến mức tối đa đi thuê ngoài. Và mỗi một người, mỗi một lãnh đạo đơn vị thành viên trong từng công ty lớn bé khác nhau đều nên mang tinh thần… tiêu thụ dưa hấu.

Trong lúc này, chỉ có đùm bọc lẫn nhau và nắm tay nhau thật chặt thì mới có thể vượt qua được những khó khăn.

Nguyễn Như Phong