Từ phong trào “Chiếm lấy phố Wall” đến giấc mơ bình đẳng của con người

17:17 | 04/11/2011

1,683 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày tháng 10 vừa qua, cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” đã bắt đầu bước sang tháng thứ hai, bất chấp rất nhiều người bị bắt giữ cũng như sự phản ứng mạnh mẽ từ lực lượng an ninh. Phong trào còn lan rộng sang nhiều quốc gia châu Âu và châu Á, khiến dư luận quốc tế và các nhà phân tích chính trị phải lưu tâm.

Một người đàn ông lớn tuổi tham gia cuộc biểu tình ở công viên Zuccotti ở New York, Hoa Kỳ hôm 29/10/2011

Phong trào “chiếm lấy phố Wall” được bắt đầu từ ngày 17/9/2011 với cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ở công viên Zuccotti ở Manhattan, New York (Mỹ) với nhiều hình thức như: biểu tình tuần hành, cắm lán trại tại các khu vực quanh thành phố… Từ những hiện thực nhức nhối đang hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến phong trào “Chiếm phố Wall” là nhằm vào cộng đồng tài chính, mà chủ yếu là những người giàu, những kẻ được coi là tài phiệt – tuy chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng lại là những người có khả năng điều khiển, thậm chí xoay chuyển một cả một nền tài chính quốc gia. Việc những người giàu được “trục lợi” từ khủng hoảng kinh tế, thậm chí phải đóng thuế ít hơn tầng lớp trung lưu hoặc người nghèo, cũng như tình trạng thất nghiệp phổ biến ở thanh niên các nền kinh tế phát triển… Tất cả được xem như nguyên nhân chính đáng dẫn đến phong trào.

Nhìn nhận về phong trào này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki – moon bày tỏ thái độ cảm thông với những người tham gia “Chiếm lấy phố Wall” không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông cho rằng, Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia thuộc nhóm G20 cũng như các Chính phủ các nước này nên lắng nghe nguyện vọng từ những người biểu tình. Ông nói: “Những gì chúng ta đang nhìn thấy ở phố Wall và khắp nơi trên thế giới cho thấy nỗi thất vọng của người dân”.

Thông điệp phát đi từ phố Wall cũng như từ nhiều quốc gia trên thế giới gần đây không chỉ thể hiện nỗi thất vọng của con người về sự bất bình đẳng xã hội, mà sâu xa hơn, nó còn là khát khao mạnh mẽ về cuộc sống công bình, nơi con người được đối xử không hề có sự phân biệt và chia cách.

“Chiếm lấy phố Wall” đã không chỉ dừng lại ở phạm vi New York

Một tháng sau khi những người biểu tình đầu tiên ở Wall Street bày tỏ sự phẫn nộ của họ với những kẻ được mệnh danh là “tham lam” và phản đối sự bất bình đẳng xã hội, phong trào “chiếm lấy phố Wall” đã thực sự lan rộng sang nhiều quốc gia trong cộng đồng châu Âu, thậm chí là cả các quốc gia châu Á.

Những người biểu tình bên ngoài Sàn chứng khoán London ngày 15/10/2011

Tại Madrid, Tây Ban Nha, hàng chục ngàn người tập trung ở quảng trường Puerta del Sol và hô lớn những câu như: “Giơ tay lên! Đây là một vụ cướp”. Tại Anh, những người biểu tình đã tụ tập trước cửa trung tâm chứng khoán ở London giơ cao những biểu ngữ ghi “Chúng ta thuộc 99%,” đồng nghĩa với 99% người lao động phải làm việc để phục vụ cho 1% số người giàu nhất trên thế giới.

Người biểu tình ở New York mang những khẩu hiệu thể hiện thái độ với bất bình đẳng xã hội

Tại Santiago, 25 ngàn người Chile đã tuần hành thông qua các con phố để bày tỏ sự phẫn nộ đối với các nhà tỉ phú hàng đầu đất nước. Còn tại Frankfurt, hơn 5000 người tập trung bên ngoài Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như tại nhiều thành phố khác trên toàn nước Đức, từ Berlin cho đến Stuttgart cũng với những thông điệp như trên, họ bày tỏ sự “phản đối” trước sự bất bình đẳng xã hội giữa những người giàu có và những kẻ nghèo khổ cùng cực, và yêu cầu Chính phủ có những biện pháp tài chính mạnh mẽ để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, tham gia biểu tình ở Barcelona có 60 ngàn người, ở Manila có 100 người, 3.000 người ở Auckland, 200 người ở Kuala Lumpur, 1.000 người ở Tel Aviv, 4.000 người ở London. Ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia), Rome (Italy), Stockholm (Thụy Điển), Pháp, Bỉ, Hà Lan… và một số quốc gia khác nữa, rất nhiều người tham gia ủng hộ phong trào “Chiếm lấy phố Wall”.

Một người biểu tình giơ bảng khẩu hiệu bên ngoài trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức ngày 15/10/2011

Chỉ trong vòng 4 tuần sau khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra ở New York, có tới 900 thành phố trên khắp thế giới cùng đứng dậy và xuống đường. Đã rất lâu mới có một phong trào biểu tình lan rộng toàn thế giới như “Chiếm lấy phố Wall”. Những người biểu tình cam kết rằng phong trào sẽ không dừng lại trong tương lai gần mặc dù vấp phải sự đàn áp mạnh mẽ từ lực lượng an ninh. Điều đó cho thấy làn sóng phẫn nộ trước sự bất công xã hội và nền kinh tế toàn cầu đang ngày một gia tăng không biên giới và hạn định.

Camila Vallejo, một sinh viên trẻ tham gia lãnh đạo người biểu tình tại nước này cho rằng: “Đây không giản đơn chỉ là trận chiến của thanh niên hoặc xã hội Chile. Đó là trận chiến của cả thế giới”. Camila còn tham gia phong trào tuần hành xuyên châu Âu để lôi kéo các liên minh tham gia chiến dịch này.

Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ cho hay: “Tổng thống tiếp tục bày tỏ sự đồng cảm với những người dân và nhận thức rõ sự cần thiết mà Washington phải nỗ lực nhiều hơn để phục hồi nền kinh tế đất nước, cũng như đảm bảo cho lợi ích của phần đông người dân Mỹ”.

Những người biểu tình trước Sở Giao dịch chứng khoán Brussels, Bỉ hôm 15/10, ủng hộ phong trào “Chiếm lấy phố Wall” và phê phán hệ thống ngân hàng nước này

Có thể thấy, phong trào biểu tình tại mỗi quốc gia mang một “màu sắc” riêng. Trong khi người Israel phàn nàn về nhà ở, chi phí đắt đỏ cho cuộc sống, người Chile lại đề cao vấn đề giáo dục. Tại Hy Lạp, chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ vấp phải những phản ứng dữ dội, song nhìn chung, tất cả đều toát lên một thông điệp khao khát sự bình đẳng giữa con người với con người và ước mơ về một xã hội tốt đẹp, công bằng, văn minh ở các quốc gia tư bản.

Người biểu tình tại Nhật Bản tham gia phong trào "Chiếm lấy Tokyo" diễn ra ngày 15/10

Hôm qua, 3/11, phong trào “chiếm lấy phố Wall” tiếp tục lan rộng tại Mỹ. Cảnh sát nước này ước tính cớ tới hàng ngàn người biểu tình đã đổ về cảng Oakland ở bang California, một trong những hải cảng lớn nhất nước Mỹ, làm gián đoạn các hoạt động thương mại tại đây hôm 2/11. Tuy nhiên vào sáng nay, chính phủ nước này đã tuyên bố mở cửa trở lại các hoạt động của cảng Oakland.

New York, Los Angeles và nhiều thành phố khác của nước Mỹ đang lên kế hoạch phối hợp hành động với phong trào “Chiếm Oakland” tại thành phố cảng sầm uất này.

Hình ảnh 100 cựu chiến binh Mỹ tuần hành trước Sở Giao dịch chứng khoán New York bày tỏ sự phẫn nộ vì không có việc làm có lẽ sẽ khiến dư luận và giới chức Nhà Trắng một lần nữa phải lưu tâm.

Hương Mai (Theo Guardian/Reuters/AFP)